McKinsey: 4,4 triệu người Việt Nam vào năm 2030 có thể bị ảnh hưởng bởi điều này
Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ số sẽ thay đổi bản chất công việc mà chúng ta làm – con người sẽ cần thực hiện những công việc mang tính chất bổ trợ cho những gì máy móc làm, theo ông Dominic Barton, nguyên Chủ tịch toàn cầu của McKinsey & Company.
- 17-01-2019Khan hiếm nhân sự vì làn sóng "di cư" nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
- 13-12-2018DN lắp ráp ô tô xe máy là ngành khát nhân sự nhất dịp cuối năm
- 01-12-2018Doanh nghiệp thời 4.0: Tài năng nhân sự quan trọng hơn vốn tài chính
Trong hàng nghìn cuộc đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới, ông Barton và những người cộng sự đã nhận ra những vấn đề liên quan đến việc tổ chức nhân sự.
Theo ông, thường thì lãnh đạo tại các công ty biết trọng dụng nhân tài thường đặt vấn đề này ngang ngửa với hai nội dung là chiến lược và tài chính doanh nghiệp.
"Họ coi những cân nhắc liên quan đến nhân tài là một phần không thể thiếu trong mọi quyết định chiến lược quan trọng và đảm bảo lồng ghép yếu tố chú trọng nhân tài như một phần xuyên suốt trong văn hóa doanh nghiệp", ông nói.
Nhưng thực tế thì nhiều công ty đang chưa bắt kịp được với những gì mà họ hướng đến.
"Hầu hết các giám đốc điều hành đều nhận ra lợi thế cạnh tranh đến từ nhân tài, tuy nhiên thông lệ về quản trị nguồn nhân lực tại tổ chức của họ đều đã quá lạc hậu", ông Dominic Barton nói nhân chuyến đi đến Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm.
Ví dụ, theo một nghiên cứu của McKinsey, khoảng 70% các nhà điều hành cấp cao đã sai về người có ảnh hưởng nhất trong tổ chức của họ. Với vấn đề này, ông Barton cùng với các đồng sự cho rằng việc đầu tiên phải nhận biết được những tài năng hàng đầu – có thể tồn tại ở bất cứ đâu trong hệ thống doanh nghiệp. Để xác định đúng, các ông chủ doanh nghiệp cần phải "nhìn sâu" vào bên trong tổ chức của mình.
Đối với Việt Nam, là thị trường được ông nhìn nhận là năng động và linh hoạt, có thể tạo ra những sự thích ứng đáng kể trong môi trường thay đổi nhanh chóng nhờ công nghệ.
Theo ông, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nhận thức được rằng quản trị nhân tài là một hoạt động có tính chất gia tăng, đồng thuận ở cấp lãnh đạo đứng đầu cũng nỗ lực liên tục để phát triển nhân tài. Ông cũng nhấn mạnh tính cam kết gắn kết nhân tài và chiến lược, tạo dựng cơ cấu doanh nghiệp linh hoạt.
"Các yếu tố này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra hiệu ứng theo cấp số nhân có thể gia tăng đáng kể giá trị đem lại cho tổ chức và nền kinh tế", ông nói.
Điều này cũng đặc biệt quan trong trong xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam. Bởi trong bối cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải duy trì năng lực cạnh tranh mà nhân sự giỏi là chiếc "chìa khoá vàng".
Ông Barton cho rằng những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ số sẽ thay đổi bản chất công việc mà chúng ta làm – con người sẽ cần thực hiện những công việc mang tính chất bổ trợ cho những gì máy móc làm.
Theo đó, việc này cần phải đi đôi với nỗ lực trang bị lại kỹ năng và trình độ được tiến hành một cách đồng bộ mà nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng có thể sẽ tác động tới 4,4 triệu người Việt Nam vào năm 2030.
"Cả doanh nghiệp lẫn chính phủ đều cần phải đương đầu với thách thức và tận dụng cơ hội, đồng thời trong quá trình đó ưu tiên tạo ra các năng lực và kỹ năng số mới để hỗ trợ sự chuyển đổi của lực lượng lao động với quy mô nêu trên", ông nói.