McKinsey: Việt Nam không thể bỏ qua một 'cỗ máy' tăng trưởng lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả này!
Theo McKinsey, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề cũng như cơ hội từ trước giai đoạn đại dịch để có thể đạt được thành công lâu dài.
- 18-09-2020Ngân hàng Thế giới: Phải mất đến 5 năm để nền kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn
- 18-09-2020Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt 6 - 6,5%
- 17-09-2020Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đạt Chỉ số vốn nhân lực cao hơn so với các nước cùng thu nhập
- 17-09-2020Giám đốc Dự án GIZ: Ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam đang 'bùng nổ'
McKinsey & Company đánh giá số ca nhiễm virus và tử vong do Covid-19 của Việt Nam ở mức tương đối thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cân nhắc những cơ hội về kinh tế trong dài hạn, ngay cả khi đang đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ hai. Việt Nam cũng cần tập trung vào các vấn đề cũng như cơ hội từ trước giai đoạn đại dịch để có thể đạt được thành công lâu dài.
Báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện vào năm 2019 cho biết, để thành công, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2030, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,3% trong giai đoạn 10 năm trước năm 2018.
Nghiên cứu của McKinsey trong năm 2019 cho biết Việt Nam là một trong 11 quốc gia đạt hiệu suất vượt trội toàn cầu, nhờ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 5%/năm trong 20 năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng thành công trong việc nâng tỷ lệ dân số thoát khỏi đói nghèo lên mức đáng kể.
McKinsey nhận định, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để duy trì hiệu suất vượt trội, điển hình như thu nhập khả dụng ngày càng tăng, đầu tư liên tục vào các dự án hạ tầng, môi trường kinh doanh hấp dẫn.
Theo đó, báo cáo đã chỉ ra một số điều chỉnh trong 4 yếu tố lớn dưới đây sẽ giúp Việt Nam đi vào quỹ đạo tăng trưởng cần thiết:
Một điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ngay cả trước giai đoạn Covid-19, Việt Nam đã làm điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất gia công và du lịch. Trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam cũng đã chứng minh năng lực về truy vết và kiểm soát ổ dịch.
Đây là những lợi thế của Việt Nam khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại. Từ đó, Việt Nam có thể tập trung quảng bá du lịch tại châu Á, dự kiến đây là thị trường có du khách sớm nhất khi các quốc gia mở cửa biên giới.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và khách sạn cần tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa cả sản phẩm du lịch lẫn phân khúc thị trường. McKinsey cũng gợi ý các doanh nghiệp cần có thể đẩy mạnh mảng du lịch nội địa để áp dụng với các dịch vụ mới, nhưng cần giảm giá do sức chi tiêu nội địa đang ở mức tương đối thấp.
Thêm vào đó, việc tái thu hút và tăng tốc FDI trong lĩnh vực sản xuất cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, nhất là khi các nhà sản xuất tìm cách tăng cường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau những tác động của đại dịch.
Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất
Theo McKinsey, Việt Nam có thể xem xét thay đổi một số cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Cụ thể, 3 điều kiện hỗ trợ cần thiết là giáo dục, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng.
Đối với giáo dục, Việt Nam có thể khai thác những thế mạnh nổi bật. Báo cáo về động lực thúc đẩy thành tích học sinh của McKinsey năm 2017 đề cập Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có thành tích học tập cao.
Tỷ lệ phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp học của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong 20 năm qua. Tỷ lệ đi học tiểu học của Việt Nam gần như đã đạt phổ cập, chỉ xếp sau Nhật Bản, cao hơn Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có thành tích cao ở châu Á.
Việc đầu tư vào giáo dục có thể nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, cũng như duy trì chi phí lao động cạnh tranh. Hiện nay, lực lượng lao động có trình độ cao là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà sản xuất về công nghệ. Đây là bước tiến giúp đất nước vươn lên trong chuỗi giá trị, tiến sang các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn.
Theo khảo sát mới nhất của McKinsey, doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng cao vào cuộc cách mạng 4.0 nhất so với các doanh nghiệp khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng vẫn còn thấp.
Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan trong khu vực công, khu vực tư và các chuyên gia để triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.
Đối với cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể mở rộng các khoản đầu tư nhằm tái phát triển. Hiện nay, các cảng đang hoạt động ở mức quá tải. TP HCM và Hà Nội sẽ cần những khoản đầu tư đáng kể vào đường sá và sân bay.
Tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với khu vực phi chính thức
Ngoài lĩnh vực sản xuất và du lịch, Việt Nam có thể tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược khác trong nước, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty startup để tăng khả năng phục hồi của quốc gia.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với khu vực phi chính thức có thể tạo thành nguồn cầu nội địa quan trọng và sẽ tiếp tục cần được hỗ trợ, đặc biệt trong ngắn hạn. Có thể ưu tiên triển khai tài chính toàn diện và củng cố hệ thống ngân hàng với trọng tâm tăng số lượng ngân hàng tuân thủ chuẩn Basel.
McKinsey nhận định: "Việt Nam không thể bỏ qua một 'cỗ máy' tăng trưởng lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả - doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, DNNN đóng góp 1/3 GDP nhưng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác".
Mặc dù Việt Nam đã giảm hơn 90% số doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2001, nhưng chặng đường vẫn chưa hoàn thành khi khu vực kinh tế này đang được đánh giá là chưa "gọn gàng".
Mục tiêu của việc cổ phần hoá, thoái vốn đảm bảo sự bền vững và đổi mới là tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước trên sân nhà cũng như vươn xa hơn nữa ra toàn cầu.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Năm 2019, các công ty startup của Việt Nam nhận được 741 triệu USD đầu tư. Trong khi đó, con số này ở Indonesia là 2,38 tỷ USD. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam chỉ tạo ra 1 'kỳ lân' khi Indonesia có thể tạo ra 6.
Việt Nam cần có một hệ sinh thái bài bản hơn, khi đó có thể loại bỏ hạn chế về cơ cấu đối với các hoạt động kinh doanh tư nhân, cung cấp nguồn tài chính cho các dự án có tiềm năng lớn và các loại hình kinh doanh tăng trưởng cao.
Tập trung vào năng lượng tái tạo nhằm giảm khí thải carbon
Yếu tố cuối cùng McKinsey đề ra đó là đẩy nhanh hành trình tiến tới tương lai giảm lượng phát thải khi carbon của Việt Nam.
Theo đó, ước tính than đá sẽ chiếm 37% sản lượng năng lượng tạo ra đến năm 2025, thay vì tỷ lệ 50% như kế hoạch trước đây. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25%, thay vì 13% theo đề xuất cũ.
Đề xuất mới này thể hiện sự thu hẹp đáng kể các kế hoạch phát triển nhà máy điện than, vốn đang chịu nhiều áp lực và đối mặt với những thách thức về tài chính trong những năm gần đây.
Việt Nam có thể xem xét cơ hội khuyến khích vốn đầu tư mới vào năng lượng tái tạo thông qua các chính sách ưu đãi mạnh mẽ và đánh giá năng lực lưới điện đối với các dự án sản xuất điện mới.
Trong tương lai gần khi dịch bệnh đi vào trạng thái ổn định, thương mại toàn cầu tăng trưởng trở lại, các điều chỉnh cơ cấu được đề xuất trên có thể tái thiết lập các ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, giúp mục tiêu chuyển đổi của đất nước trở lại trong tầm tay.