Mẹ có con sắp học lớp 1 lên mạng xin tư vấn, đọc xong vấn đề ai cũng thấy rối bời
Đâu phải chỉ mỗi việc học chữ, có con sắp vào lớp 1 cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh đối mặt với đủ vấn đề khác cần giải quyết.
- 24-06-2023Học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô: Hiệu trưởng viết 'tâm thư' nhận trách nhiệm
- 01-05-2023Từng chật vật chọn trường cho con vào lớp 1, bà mẹ rút ra 3 kinh nghiệm đáng giá
- 25-04-2023Rèn con như thế nào trước khi con vào lớp 1 để thi đâu đỗ đó?
Với các gia đình có trẻ chuẩn bị chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cũng như tâm lý cho trẻ là điều rất quan trọng. Nhiều người thắc mắc không biết có nên cho con học chữ trước, hoặc làm sao để con rèn tính tập trung. Cũng có phụ huynh "đau đầu" vì con không chịu ngồi bàn học, nhắc tới chữ, số là "giãy nãy"...
Bên cạnh những nỗi lo lớn còn không ít "nỗi lo nhỏ". Chẳng hạn mới đây, một phụ huynh phải đăng đàn xin tư vấn vì chuyện có nên cho con tiền tiêu vặt. Câu chuyện có phần hài hước của chị thu hút sự tranh luận của nhiều bố mẹ có con sắp vào lớp 1, mỗi người lại có một quan điểm khác nhau.
Tự nhận là "bà mẹ có con bỡ ngỡ vào lớp 1", chị kể: "Con hỏi xin tiền để tới căn tin cùng bạn vào giờ ra chơi, mình từ chối và nói sẽ mua đồ sẵn để con ăn với các bạn. Xong đi mua rồi mình phát hiện nó ra chơi 2 lần sáng chiều, mang theo mỗi ngày 2 món, total (tổng cộng) mỗi ngày 30 - 40 ngàn đồng, hình như budget (ngân sách) này hơi cao thì phải".
Câu hỏi của bà mẹ này cũng là "nỗi niềm chung" của nhiều phụ huynh, không ít người "tag" nhau vào để xin kinh nghiệm.
Một số phụ huynh chia sẻ, họ đã cố gắng giải thích cho con nghe, rằng lứa tuổi của con không nên tiêu xài tiền và kiên quyết không cho vì sợ con hư. Thế rồi con khóc và so đo với chúng bạn. Vì chuyện tiền tiêu vặt mà mẹ con hục hặc, con suốt ngày giận mẹ.
"Năng lực và suy nghĩ của trẻ ở lứa tuổi này chưa thể làm chủ được những cám dỗ. Khi trẻ mải mê khám phá những món đồ chơi vừa mới mua thì sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học. Hay nếu có tiền, con trẻ dễ ăn quà vặt, sẽ có rất nhiều nguy cơ an toàn cho sức khỏe", một người chia sẻ.
Những người này cho rằng, họ không cho con tiêu tiền mà chỉ thỉnh thoảng cho con đem quà vặt đến lớp. Họ cũng không khuyến khích con ăn nhiều bánh kẹo, snack... mà thay thế bằng trái cây hoặc đồ ăn tốt cho sức khỏe. Thời gian ra chơi con có thể chơi đùa, ôn bài, không nhất thiết luôn luôn là ăn vặt.
Tuy nhiên, nhiều người cũng chia sẻ, họ vẫn cho con ít tiền tiêu vặt để con không quá tủi thân và cũng đồng thời dạy con cách quản lý tiền bạc:
"Con em mỗi ngày cho 10 ngàn. Hồi đầu bạn ấy mua bánh ở trường, về sau bạn biết tính toán hơn, bảo mua bánh ở trường "đắt" rồi bạn mua ở siêu thị gần nhà (bán 1 xâu 10 gói nhỏ, chia nhỏ ra mang theo mỗi ngày). Đến lớp 5 thì bạn biết để dành tiền để cuối tuần mẹ dẫn đi nhà sách, bạn sẽ góp 50% tiền mua sách hoặc để mua dụng cụ học tập".
"Biết tiêu tiền cũng là một kỹ năng con phải học. Nên mình vẫn cho con 50 ngàn đồng/tuần, cho tùy sử dụng. Bạn để dành từ khoản đó, mua quà sinh nhật cho ba mẹ, anh em. Cũng có lúc mua linh tinh hết tiền. Mẹ chỉ giải thích thêm cái nào nên hay không nên để bạn ấy tự thấy tác dụng/tác hại", một số phụ huynh chia sẻ.
Nói về tiền với trẻ thực chất là dạy con chịu trách nhiệm
Với quan điểm "Nói về tiền với trẻ thực chất là dạy con chịu trách nhiệm, học cách lựa chọn và kiểm soát cuộc đời", chị Ngọc Hà (sinh năm 1980), hiện đang ở thành phố Chemnitz, CHLB Đức đã chú trọng việc dạy con về tiền bạc từ nhỏ. Con trai chị Hà - bé Nam San (sinh năm 2015) nhưng đã có "kinh nghiệm" quản lý tài chính nhiều năm.
Chị Hà chọn mốc thời gian bắt đầu vào lớp 1 để chính thức hướng dẫn con có trách nhiệm với tài chính của mình. Tuy nhiên trên thực tế, Nam San đã được bố mẹ dạy về giá trị của vật chất và tiền bạc từ lúc con bắt đầu có ý thức về học tập, quan sát mọi việc xung quanh.
Bắt đầu là nhận biết các loại tiền cũng như nhận biết sự vật khác. Ví dụ đi chợ, chị Hà chỉ cho con giá cả thực phẩm để nấu ra thức ăn. Về ăn uống nếu con để thừa, chị Hà cũng phân tích về giá trị thức ăn kết hợp cho con xem hình ảnh trên thế giới các bạn nghèo đói không có thức ăn.
Ngày khai giảng, một trong những món quà Nam San được tặng chính là ví tiền. Mỗi ngày bé chính thức nhận khoản tiền tiêu vặt có giá trị 10 cent (tầm 2.500 VND) và được quyền sử dụng món tiền đó với bất kỳ mục đích nào mà bên B không có quyền can thiệp vào.
Mỗi khi làm được việc tốt trong ngày, Nam San được thưởng một trái tim hoặc một ngôi sao và sẽ được quy đổi thành tiền thưởng vào cuối ngày. Chị Hà sẽ đưa một loạt loại tiền khác nhau như: 1, 2, 5, 10, 20, 50 cent, rồi bảo con hãy tự tìm đúng số tiền ngày đó mình nhận được.
Về phương pháp, một số cách chị Hà dạy con như: Nhận biết giá trị thực phẩm qua giá tiền khi đi chợ; Khuyến khích con làm việc chăm chỉ để được thưởng tích lũy tiền; Cho con xem là con có thể làm cuộc sống của con tốt hơn nếu con chăm chỉ làm việc để nhiều tiền: Ví dụ đi máy bay VIP… Đặc biệt, chị rất tôn trọng quyền lựa chọn của con khi con muốn mua một đồ vật nào đó.
Bên cạnh đó, bà mẹ này không quên tận dụng các ví dụ con quan sát được trong cuộc sống để phân tích cho con về giá trị của làm việc, học tập chăm chỉ và chi tiêu đúng. Khuyến khích con dùng tiền của mình để giúp đỡ.
Khi con làm việc tốt, chị Hà hay nhờ người phụ trách của tổ chức nơi con gửi quà đến viết thư/tin nhắn cho con để con cảm thấy được ghi nhận, thấy ý nghĩa và tự hào. Chị cũng gợi ý con có kế hoạch sử dụng tiền: Sẽ dùng mua đồ chơi gì, mua quà tặng nào, đi ăn dịp nào. Khi con tích lũy đạt đến một mức nhất định, sẽ cho con thử đầu tư từ tiền con tích lũy.
Nhờ có tiền riêng nên Nam San cũng làm được nhiều việc tốt như gửi hỗ trợ cho các bạn bên Ukraine, tham gia một lớp hỗ trợ tiếng Đức cho các bạn nhỏ ở Việt Nam, ủng hộ quỹ "bữa ăn 0 đồng".
Được thưởng tiền khi làm việc, Nam San cũng sẽ chịu mất tiền nếu làm sai. Chẳng hạn, giờ ăn trưa ở trường, nếu bỏ thừa lại thức ăn sẽ bị trừ số tiền bỏ thừa. Mỗi bữa ăn là 4 EUR (khoảng 100 ngàn đồng), con tự chia ra số phần và tính. Nếu làm mất đồ, hư đồ, con sẽ phải tự đền lại. Tháng trước San bỏ mất cái mũ lúc đi chơi, bị mẹ trừ mất 8 EUR (khoảng 200 ngàn đồng). Quên tắt đèn phòng, xả nước phung phí cũng sẽ bị trừ tiền.
Riêng gia đình chị Hà có những quy tắc riêng. Chẳng hạn: Không thưởng tiền tùy ý, tùy hứng để tránh trẻ không quý trọng tiền bạc; Tuyệt đối không dùng tiền để mua công việc của con.
Việc được mẹ dạy về giá trị của tiền và quản lý tài chính từ sớm giúp Nam San hiểu được giá trị của vật chất và biết quý trọng vật chất: Con đi chợ biết một món ăn sẽ tốn bao nhiêu tiền, không phung phí thức ăn. Con biết tiết kiệm: Ví dụ biết tắt đèn khi không dùng, quan sát nhắc nhở ba mẹ nếu ai quên. Mở nước vòi rửa cũng nhẹ nhàng tránh gây lãng phí…
Con biết cân nhắc khi mua đồ và không vòi vĩnh đòi hỏi: Ví dụ mẹ giao ước hôm nay đi chơi, ba mẹ sẽ mời con kem và bữa trưa. Ngoài ra nếu con muốn gì thêm thì con tự sử dụng tiền của con. Muốn mua đồ chơi cũng vậy, nếu ba mẹ không tặng thì con tự bỏ tiền ra mua và sau đó biết tích lũy bằng làm việc chăm chỉ để có tiền.
Sau đó con hiểu được cần chăm chỉ trong các công việc để hoàn thành kế hoạch và được thưởng để tích lũy tiền và được sử dụng theo mong muốn của con. Cuối cùng con hiểu được ba mẹ cũng phải làm việc rất chăm chỉ hằng ngày để con có một cuộc sống tốt nên con luôn biết ơn, chứ không phải xem đó là điều hiển nhiên.
Phụ nữ Việt Nam