Mẹ đảm Đà Nẵng chia sẻ bí quyết "vàng" trồng rau quả theo mùa trên sân thượng, quanh năm năng suất trái sai trĩu cành
Sở hữu vườn rau rộng khoảng 100m2 trên sân thượng, mẹ đảm Đà Nẵng rất "mát tay" trong việc trồng cây.
- 31-08-2021Khu vườn bạt ngàn các loại dưa và nho trên sân thượng 50m² của mẹ đảm Sài Gòn
- 30-08-2021Khu vườn sân thượng "nhỏ nhưng rau gì cũng có" của mẹ đảm ở Hà Nội
- 28-08-2021Sân thượng 25m² phủ kín rau quả tốt tươi nhờ kinh nghiệm tận dụng mai cua xin ngoài chợ làm nước tưới của mẹ đảm Đồng Nai
Từ mù tịt về trồng cây thành "chuyên gia" nông nghiệp
Ngày nhỏ, mỗi lần theo mẹ về ngoại ở miền Bắc, chị Trần Thị Hòa (Đà Nẵng) đều ấn tượng với cuộc sống tự cung tự cấp của những người họ hàng nơi thôn quê. Từ rau củ quả đến gà, lợn, cá... mọi người đều có thể tự nuôi trồng được. Khi đó, chị thầm ao ước bản thân mình cũng có 1 khu vườn riêng để trồng những loại cây mình thích.
Cách đây khoảng 2 năm, sau khi xây dựng xong ngôi nhà mới, chị Hòa đã dành hẳn khoảng sân thượng rộng 100m2 của mình để hô biến thành vườn rau. Khu vườn trên nóc nhà của chị được chia làm 2 phần: Sân trước và sân sau.
Bắt tay vào làm nông nghiệp, nhưng chị Hòa không có 1 chút kiến thức nào về trồng trọt. Tuy vậy, người phụ nữ này lại rất chịu khó góp nhặt từng chút kinh nghiệm từ làm đất, gieo hạt, trồng cây đến phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc cây... trên các diễn đàn về cây trồng.
Chị Hòa chụp ảnh bên "chiến lợi phẩm" của mình.
Mẹ đảm cho hay: "Thời gian đầu vợ chồng tôi tự mua chậu, đất, phân bón... về cải tạo khu vườn. Khi bắt tay vào việc biến sân thượng thành nơi trồng cây, tôi đặc biệt chú trọng đến hệ thống thoát nước, chống thấm kỹ trước khi lát gạch và chọn loại gạch sân vườn chống trượt nhưng vẫn có lớp men dễ chà rửa. Ngoài ra vườn còn có hệ thống mái che bằng nhựa mica, giàn cho cây dây leo và lấy được ánh nắng...
Mỗi ngày chúng tôi đều có mặt tại vườn lúc 5-6 giờ và 20-21 giờ, nhiều lúc muốn bắt hệ thống tưới tự động nhưng nghĩ phải tự tưới tay mới theo dõi được sự phát triển, sâu bệnh để còn "cứu cây" kịp thời".
Sau 2 năm làm vườn, chị Hòa đã tạo cho mình được 1 "cơ ngơi" lớn. Mùa nào thức nấy, vườn rau quả của chị luôn năng suất, tươi tốt, quả sai trĩu trịt. Đặt biệt là các giống dưa, cà chua, rau xà lách, các loại bầu, bí, mướp...
Vườn rau nhà chị Hòa quanh năm năng suất, tốt tươi.
Bà mẹ Đà Nẵng cho hay, muốn cây cho năng suất tốt, phần giống quyết định đến 40% sự thành công. Mọi người nên chọn những giống F1 ở cơ sở bán uy tín. Khi ươm hạt thì nên ngâm với nước khoảng 40 độ C trong vòng 2 tiếng. Sau đó bỏ hạt vào bông ướt hoặc giấy ướt, bọc kỹ lại trong vòng 24 tiếng thì cho ra gieo.
"Đất ươm mình sử dụng xơ dừa đã qua xử lý có trộn thêm ít phân trùn quế. Tốt nhất chúng ta nên ươm hạt vào từng bầu, khi trồng dễ hơn. Khi cây được khoảng 4 lá thật thì sang chậu to là vừa đẹp.
Đất trồng sử dụng 50% đất cũ, trộn với 30% đất mới tơi xốp có tro trấu, xơ dừa (đã qua xử lý), cám gạo, đậu tương... 20% còn lại là phân gà, bò, trùn quế, lân, NPK và 1 ít vôi bột. Mọi người nên phơi đất thật khô trước khi trộn với nhau. Sau đó trộn đều đất, tưới đẫm nước, ủ trên 10 ngày thì trồng cây được.
Về chậu trồng cây thì nên chọn loại to. Khi trồng, mật độ càng thưa thì cây càng phát triển tốt. Dưới đáy chậu bao giờ mình cũng lót 1 lớp phân rác rồi mới đổ đất lên. Trước khi trồng mình trộn vào đất ít nấm ủ Trichoderma (nấm đối kháng) để phòng các bệnh nấm rễ, thêm 1 ít lân để kích thích rễ phát triển.
Đất trộn đã đủ dinh dưỡng, nên từ lúc chuyển sang chậu lớn đến khi cây gần trưởng thành thì không cần bón thêm phân nữa mà chỉ phun phòng sâu bệnh. Mình có thể phun phòng sâu bệnh 10 ngày/lần bằng tỏi, ớt gừng ngâm với rượu hoặc thuốc lào ngâm. Khi cây ra hoa thì mới bắt đầu bón phân tiếp. Khi hoa nở, mình sẽ tưới phân 2 ngày/lần luân phiên (phân thường là đạm cá ủ, phân gà viên, phân vỏ chuối trứng... pha loãng)".
Chị Hòa thường gieo mầm vào hũ riêng, sau đó mới cho ra chậu.
Cách trồng cây vụ đông xuân "bách phát bách trúng"
Mới đây, mẹ đảm Đà Nẵng đã chia sẻ loạt kinh nghiệm trồng cây rau, củ, quả theo mùa đông xuân (vụ mùa từ cuối tháng 9 - khoảng tháng 4 dương lịch năm sau). Có thể nói, những kinh nghiệm chị có được khá sát thực tế, được đúc kết từ những kiến thức mẹ đảm học hỏi được, song song với đó chính chị đã thực hành trồng và chăm sóc cây.
"Giống chuẩn, đúng thời vụ, đúng kỹ thuật chăm sóc đã thắng 70% rồi. Khí hậu hợp với cây trồng sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển, ít sâu bệnh hơn.
Ông bà ta có câu "muốn ăn bầu thì trồng đầu tháng 9". Về vụ đông xuân này, mọi người có thể trồng những loại cây họ dây leo như dưa leo, các loại bầu, bí, mướp. Ngoài ra còn các loại cà như cà chua, cà pháo, cà bát... Các loại rau ưa lạnh như các loại họ nhà cải như bắp cải, cải thảo, cải ngồng, cải thìa..., su hào, xà lách, cải xoăn kale..." - chị Hòa nói.
Vườn rau xanh mướt của mẹ đảm Đà Nẵng khiến dân mạng không ngừng trầm trồ.
Những loại cây chị Hòa thường trồng vào vụ đông - xuân.
Về giống cà chua bạch tuộc, mẹ đảm thường trồng vào đầu tháng 11. Khi đó, Đà Nẵng đã ít bão gió hơn. Giống này khác với cà chua thường ở chỗ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, làm giàn cho cây leo và tạo tán. Đồng thời phải cho hoa nở đồng loạt thì mới có được giàn cà chua chín quả mọng đẹp.
"Chậu trồng nhà mình có chiều dài - rộng - cao lần lượt là 1,5m - 1m - 0,6m. Mỗi chậu mình sẽ trồng khoảng 3 cây. Đất trồng và phân bón tương tự như đã chia sẻ ở trên... Cà chua là loại không ưa quá nhiều phân đạm như phân gà, phân dê. Sau 1-2 tuần cây phát triển thì mình cắt hết nhánh phụ, chỉ để cây nuôi thân chính. Lưu ý khi cắt chừa lại 2cm, chứ đừng cắt sát thân quá, như vậy vết cắt không bị ảnh hưởng thân cây.
Sau đó uốn thân cây vào với giàn để cây phát triển sẽ leo dần. Những nhánh phụ lúc này phát triển thêm mình sẽ không tỉa nữa. Một số loại bệnh cây cà chua thường bị đó là tuyến trùng rễ, bọ phấn chích hút, xoăn ngọn, nấm, thối thân, sương mai do thời tiết, héo xanh..." - mẹ đảm cho hay.
Vườn cà chua sai trĩu cành của người phụ nữ Đà Nẵng.
Để phòng những bệnh trên thì chị Hòa chia sẻ rất cặn kẽ. Chẳng hạn như đối với bệnh tuyến trùng thì trước khi trộn đất nên phơi nắng 2 ngày. Khi trồng có thể xen cây hoa vạn thọ ngay gốc cà chua. Rễ vạn thọ có rất nhiều kháng sinh có thể bảo vệ bộ rễ cà chua rất tốt.
Với bệnh bọ phấn thì mẹ đảm khuyên nên trồng xen cây sen cạn quanh chậu cà chua. Vì đây là loài khắc tinh của bọ phấn. Bênh xoăn ngọn thì có nhiều nguyên nhân, thường do đất thừa phân, tưới phân quá nhiều, dư lượng đạm. Về phòng nấm cho cây thì mọi người có thể ngâm nước vôi trong pha loãng rồi phun lên 2 mặt lá và cây vào buổi sáng sớm và chiều tối (tuần/1 lần), hoặc pha loãng thuốc lào ngâm rượu (phun tuần/1 lần). Còn bệnh héo xanh thì chị Hòa cho rằng thường gặp lúc cây ra hoa và nuôi quả mà nguyên nhân thường là do thối rễ hoặc cây không đủ nước, dinh dưỡng nên kiệt sức, chết đột ngột.
Bí quyết để trồng các loại dây leo như bầu, bí, mướp sai quả, mẹ đảm cho biết, đầu tiên phải sử dụng chậu thật to để trồng cây. Dưới đáy chậu, chị lót 1 lớp phân rác ủ khô, bên cạnh đó là từ 1-2kg chuối chín mục, ít đầu cá và ruột cá nước ngọt. Sau đó chị Hòa rắc 1 ít Trichoderma lên, xong lấp đất đã trộn lên trồng. Mọi người tuyệt đối không dùng đất vừa trồng các họ dây leo để trồng tiếp (vì sẽ dễ bị lây bệnh cũ từ vụ trước).
Trộn đất đủ dinh dưỡng nên lúc cây con đến gần trưởng thành, chị Hòa không bón phân thêm mà chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Chỉ đến khi cây ra hoa, chị mới luân phiên tưới 2 ngày/lần các loại phân hữu cơ tự tạo pha loãng. Mẹ đảm tưới đến khi các trái đạt trọng lượng như ý thì mới giảm phân. Lúc này chị tưới thêm dịch chuối. 1 lưu ý mẹ đảm cần phải chú trọng đó là lượng nước để nuôi cây trong thời kỳ này. Mọi người nhớ tưới nước thường xuyên thì quả mới mọng và đậu quả.
Vườn bí sai trĩu cành của mẹ đảm Đà Nẵng.
Nhà chị Hòa trồng đủ các loại mướp và dưa, loại nào cũng rất năng suất.
Về trồng dưa lưới, mẹ đảm Đà Nẵng cũng có rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Chị bật mí cách trồng: "Trồng dưa lưới nên chú trọng 3 giai đoạn phát triển nhất của cây. Đó là trước khi thụ phấn 1 tuần, sau khi thụ phấn 20 ngày và lúc quả tạo ngọt.
20 ngày từ khi ngâm hạt đến hạ thổ, trong đất đã có phân nên không bổ sung nữa (chỉ tưới nước lã ngày 1 lần, giai đoạn này mỗi cây cần lượng nước khoảng 1 lít ). Sau 20 ngày khi cây được hơn 10 lá thật, mình sẽ bổ sung phân (gà, dơi, bánh dầu, đạm cá). 4 loại phân luân phiên tưới 3 ngày/lần, pha với nước tưới thật loãng. Giai đoạn này cắt hết nhánh phụ, chừa nhánh phụ từ nách lá thứ 10 trở lên. Mọi người nhớ phun rong biển tuần/lần và phun phòng bọ trĩ, nấm, sâu hại... tuần/lần. Tưới phòng rễ cũng tuần/lần bằng Trichoderma, HUMIC-S hoặc IMO.
Được 24 ngày thì phun canxi và bổ sung NPK (loại 20/10/10BM). Mình rất chú trọng trước và sau khi thụ phấn 1 tuần (trước giúp đậu quả, sau thì bổ sung canxi tránh nứt quả). Sau khi thụ phấn thì cần bổ sung NPK loại 15/9/20 (cali cao). Giai đoạn này ta có thể ngâm NPK để tưới. Khi nào tưới phân hữu cơ thì trộn NPK thêm vào. Như vậy chất lượng phân bón sẽ đều hơn và cân bằng được các chất và không bị mất cân bằng dinh dưỡng.
Ngoài ra cần phun rong biển kết hợp phun phòng tránh cháy lá, tăng năng suất. Mình thường 2 ngày tưới phân gà, dơi, bánh dầu, đậu tương một lần. Khi tưới nhớ pha thật loãng nhé! Nước thì mỗi cây trung bình khoảng 2 lít nước. Mọi người đừng quên tưới nước vì giai đoạn này nước rất quan trọng đối với cây.
Sau 20 ngày thụ phấn thì ta mới tưới dịch chuối (vì dịch chuối nhiều cali nó sẽ tạo ngọt nên làm ngừng phát triển trọng lượng quả). Khoảng 20-30 ngày tiếp theo thì mọi người giảm phân, ngừng bón NPK, và tăng cường thêm dịch chuối, giảm dần lượng nước. Khi được 35 đến 45 ngày sau thụ phấn, trọng lượng quả ngừng tăng. Lúc này, mình chỉ tưới mỗi dịch chuối và giảm dần lượng nước (áp dụng tùy loại giống nữa)".
Thu hoạch những trái dưa sai trĩu cành. Chất lượng quả ngon, ngọt. Mẹ đảm biết rằng phương pháp trồng cây của chị đã thành công.
Vườn dưa sai trái trĩu cành của chị Hòa.
Việc trồng nông sản trên sân thượng của chị Hòa không chỉ nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình, mà một phần để lan tỏa lối sống xanh sạch. Mẹ đảm Đà Nẵng vẫn thường giao lưu với những người yêu cây, trồng cây ở khu vực mình sinh sống.
"Tôi thích ngắm những chậu rau phát triển trong vườn nhà, hào hứng khi nhìn thấy cây trổ hoa hoặc tới kỳ thu hoạch. Không gì hạnh phúc hơn khi thấy người thân thưởng thức những cọng rau giòn, ngọt tự tay mình chăm bón. Những trái ngọt mình trồng. Hơn nữa, việc thường xuyên leo lên sân thượng trồng rau giúp tôi giữ dáng và thỏa mãn sở thích bài trí, chụp ảnh.
Trong những ngày giãn cách vì dịch Covid-19, vườn cây giúp cho tôi và gia đình khuây khỏa. Đặc biệt đây là nguồn cung cấp thực phẩm sạch tuyệt vời cho gia đình" - Chị Hòa bộc bạch.
Nhịp sống Việt