MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mê hồn trận giá ghế massage

25-10-2020 - 15:25 PM | Thị trường

Mua ghế massage khá tốn kém trong khi người sử dụng có thể gặp nhiều rắc rối như hỏng hóc kỹ thuật, không được trả hàng lỗi, bán lại rẻ "như cho"...

Mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư một chiếc ghế massage với giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Một số người không dư dả thì lựa chọn mua ghế đã qua sử dụng với giá giảm hơn 50% so với giá gốc.

Chất lượng: Hên xui!

Khảo sát một số đại lý bán hàng, chúng tôi được giải thích ghế massage có giá cao bởi được tích hợp nhiều chức năng rất hấp dẫn như: nhiệt năng hồng ngoại, massage đa điểm, chip cảm ứng, công nghệ con lăn 3D - 4D - 5D, thiết bị AVS ru ngủ, kết nối bluetooth, tương tác giữa người và máy… Nhiều dòng máy có xuất xứ từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nên giá thành sau khi tính thuế thường khá cao.

Ông Lê Tùng, người có nhiều năm kinh doanh ghế massage tại quận 5 (TP HCM), cho biết mặt hàng này khá kén khách, khó tiêu thụ nên chi phí mặt bằng, lưu kho rất lớn. Dòng vốn của người kinh doanh vì thế cũng thường bị "giam" cả năm, thậm chí nhiều năm. Để bù đắp chi phí, họ buộc phải đẩy giá bán cao lên gấp 2-3 lần so với giá trị thật khiến ghế massage trở thành một món hàng đắt đỏ.

Ông Bùi Thanh Tấn, nhân viên tiếp thị ghế massage của một doanh nghiệp tại TP HCM, tiết lộ một số lượng lớn ghế massage bày bán trên thị trường Việt Nam được nhập từ Trung Quốc với giá khá "mềm". Nhưng khi giới thiệu, người bán thường "nổ" là hàng châu Âu, Nhật, Hàn… để "lấy lòng" khách hàng. Khi khách tin sản phẩm có xuất xứ từ những nước có quy chuẩn sản xuất cao và uy tín, người bán càng dễ đẩy giá lên. "Nếu nói thật là hàng Trung Quốc, dù giá có rẻ, nhiều khách vẫn không muốn mua do e ngại về xuất xứ, chất lượng" - ông Tấn nói.

 Mê hồn trận giá ghế massage  - Ảnh 1.

Ghế massage được bày bán khá nhiều trên thị trường với đủ loại giá

Nhân viên bán hàng còn thường đưa người mua vào "mê hồn trận" giá cả do đa phần khách không thực sự hiểu biết về nguồn gốc cũng như các thông số kỹ thuật. Một nhân viên tiếp thị ghế massage kể trong trường hợp khách "chê" giá cao, người bán sẽ tư vấn khách mua dòng khác rẻ hơn 5-6 triệu đồng, trong khi giá thực có thể thấp hơn tới 15-20 triệu đồng. Khi đó, dù khách có tiếp tục trả giá xuống thêm vài triệu đồng nữa thì cửa hàng vẫn lãi đậm. "Những loại ghế massage giá rẻ này thường sử dụng bộ cơ bằng nhựa và ít tích hợp công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất. Do vậy, sản phẩm sẽ dễ hỏng hóc và khó tìm linh kiện thay thế. Có một giải pháp là đặt gia công linh kiện để thay thế nhưng giá rất cao do phải làm khuôn mẫu riêng" - ông Tấn cảnh báo.

Một rủi ro khác với khách mua ghế massage là mặc dù sản phẩm được bảo hành từ 2-6 năm nhưng cửa hàng chỉ sửa chữa khi có lỗi kỹ thuật và không chấp nhận đổi, trả hàng. Nếu khách muốn bán lại, cửa hàng sẽ thu mua với giá chỉ vài triệu đồng trong khi số tiền khách phải bỏ ra để sở hữu chiếc ghế này lên tới 40-50 triệu đồng.

Cân nhắc mua ghế cũ

Ghế massage đã qua sử dụng hoặc hàng trưng bày được nhiều người lựa chọn bởi giá rất rẻ, nhiều chiếc giá chỉ vài triệu đồng. Tuy nhiên, người mua phải đánh đổi lại bằng không ít rắc rối.

Theo ông Trần Quốc Hiền, chủ tiệm sửa chữa ghế massage tại quận 10 (TP HCM), người mua ghế thường không biết sản phẩm đã được thay thế những linh kiện nào và chất lượng linh kiện thay thế ra sao. Bởi vậy, nếu không tìm được nơi uy tín để mua, khách không nên tin tưởng lời giới thiệu của người bán. "Đa số ghế cũ đều là hàng bị lỗi kỹ thuật hoặc đã sửa chữa nhiều lần nên dễ bị hỏng hóc lại. Linh kiện, phụ kiện của loại ghế này cũng có giá khá cao nên nếu mua ghế cũ, người dùng đối mặt với nguy cơ phải tốn rất nhiều tiền để sửa chữa" - ông Hiền lưu ý thêm.

Ngoài tốn nhiều chi phí, việc tìm nơi sửa chữa dòng ghế này cũng rất phiền phức bởi không có nhiều thợ chuyên sâu. Đa phần thợ sửa ghế vừa học vừa làm, sửa theo kiểu "chắp vá", thiếu đồng bộ. Chỉ một số ít thợ lâu năm có tay nghề cao mới sửa được loại ghế này.

Chưa kể, ghế massage mới vốn đã gặp nhiều phiền phức khi sửa chữa thì ghế đời cũ lại càng rắc rối hơn bởi công nghệ sản xuất thay đổi liên tục, chức năng được tích hợp vào ghế ngày càng nhiều nên thợ sửa chữa nhiều khi không cập nhật hết được. Chẳng hạn ghế massage toàn thân công nghệ 4D và 5D là sản phẩm hoàn toàn khác biệt với ghế massage 3D nhưng đã có trường hợp thợ sửa chữa hiểu lầm ghế công nghệ 4D, 5D được cải tiến hay nâng cấp lên từ 3D.

"Nếu đã quyết định mua ghế cũ thì không nên chọn những dòng có quá nhiều chức năng bởi chỉ cần một bộ phận hư là người dùng đã tốn vài triệu đồng để sửa chữa, thay thế. Thậm chí, có nhiều linh kiện không thể thay thế được, coi như bỏ đi cả chiếc ghế" - ông Hiền lưu ý.

Ông Hiền cũng cho hay một loại ghế được người Việt khá ưa chuộng là hàng nội địa của Nhật đã qua sử dụng do tâm lý tin tưởng đây là sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, nguồn hàng này thực chất có chất lượng kém bởi sản phẩm được vứt bỏ ở bãi, điều kiện bảo quản không tốt nên dễ hư hỏng. Nguồn hàng này khi đưa về Việt Nam đa số đều không còn sử dụng được nên phải tân trang bên ngoài, thay thế linh kiện cũ bằng linh kiện mới có xuất xứ không rõ ràng.

Theo Long Giang

Người lao động

Trở lên trên