Mê Linh sẽ lên quận hoặc thành phố, rộng cửa đón đại bàng về đầu tư
Huyện Mê Linh (TP Hà Nội) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển với 7.000 ha đất đô thị, hạ tầng đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp
Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết vào những năm 2000, Mê Linh còn là huyện thuần nông nghiệp, không có đô thị, không có công nghiệp, chủ yếu cung cấp rau, hoa cho Hà Nội. Song đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch sang công nghiệp là chủ yếu, chỉ 1-2% là nông nghiệp.
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo.
"Tính độc lập của Mê Linh rất cao, vị trí của Mê Linh rất thuận lợi khi sát sông Hồng, trục hành lang Đông Tây. Mê Linh phải đảm nhiệm chức năng đô thị vệ tinh của Hà Nội để gánh vác thêm trách nhiệm của Hà Nội" - nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Hội thảo có sự tham gia và đóng góp ý kiến của đại diện các tổ chức tư vấn quốc tế như: Tập đoàn Haskoning - Hà Lan, Noble - Hàn Quốc, Wimberly Allison Tong & Goo - Anh; các tổ chức tư vấn quy hoạch, tập đoàn kinh tế lớn trong nước cùng nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch kiến trúc.
Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, việc quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm phát biểu.
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, huyện đã khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch.
"Quy hoạch lần này là cơ hội để huyện Mê Linh nghiên cứu các lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục Vành đai 4, Sân bay quốc tế Nội Bài làm lợi thế để nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logictics, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế tầm cỡ trong nước và khu vực" - Bí thư huyện ủy Mê Linh nêu rõ.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, nêu rõ quan điểm sẽ xây dựng huyện Mê Linh là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô.
Hà Nội đặt mục tiêu đưa huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển bảo đảm tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, trung chuyển hàng hóa và trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp.
Sơ đồ quy hoạch Vùng huyện Mê Linh.
Để sẵn sàng đón các “đại bàng” (các nhà đầu tư lớn), huyện Mê Linh đang ráo riết nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng huyện hướng tới mục tiêu trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô.
Bên cạnh đó, với lợi thế về vị trí nằm ở cửa ngõ phía bắc Thủ đô, cạnh sông Hồng, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, Mê Linh đang dần chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định tạo mọi điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư để nơi đây sẽ trở thành “đại bản doanh” của các “đại bàng”.
Vùng đất nhiều tiềm năng phát triển
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000 ha đất đô thị, cho không gian phát triển thuận lợi. Lợi thế thứ 2 là hệ thống giao thông trước mắt là Vành đai 3, Sân bay quốc tế Nội bài và đường Vành đai 4 vừa khởi công, sắp xây dựng.
Mê Linh cũng sở hữu nhiều tiềm năng khi trên địa bàn huyện được quy hoạch 3 tuyến đường vành đai, với tổng chiều dài khoảng 25 km. Ngoài ra, quy hoạch cơ bản có 45 tuyến đường trục chính liên khu vực với tổng chiều dài khoảng 230 km gồm đường Mê Linh (đường 100), đường LK40 (đường 48 m từ Trung tâm Văn hóa Thể thao - Khu Trung tâm Hành chính - Yên Vinh - KCN Quang Minh)...
nld.com.vn