MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẻ lưới lớn hốt gọn nhóm cho vay nặng lãi liên tỉnh

11-01-2020 - 10:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp triệt xóa thành công đường dây "tín dụng đen" quy mô lớn hoạt động liên tỉnh ở khu vực miền Trung với sự tham gia của nhiều đối tượng cộm cán.

Để dễ bề hoạt động và lôi kéo người vay tiền, các đối tượng đã lập ra nhiều cơ sở, chi nhánh trực thuộc một Công ty rồi thuê nhân viên vừa cho vay tiền vừa đi đòi nợ. Việc triệt phá thành công đường dây "tín dụng đen" này góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Doanh nghiệp đào tạo nhân viên cho vay tiền, đòi nợ…

Vào tháng 8-2016, Công ty Tân Tín Đạt được thành lập tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng (sinh năm 1982, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh) làm giám đốc. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Công ty Tân Tín Đạt đã "phủ sóng" rộng khắp địa bàn miền Trung khi có nhiều địa điểm kinh doanh ở các tỉnh, thành phố, trong đó có địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngành nghề đăng ký hoạt động của doanh nghiệp này là buôn bán ôtô, cho thuê xe, cầm đồ… nhưng trên thực tế là tổ chức hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao.

Mẻ lưới lớn hốt gọn nhóm cho vay nặng lãi liên tỉnh - Ảnh 1.

Một trong 5 cơ sở cho vay nặng lãi của Công ty Tín Đạt ở Thành phố Huế bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triệt xóa.

Chỉ tính riêng tại TP Huế, Công ty Tín Đạt có đến 5 cơ sở giao dịch. Các cơ sở này lần lượt đóng tại địa chỉ số 174 Điện Biên Phủ; số 188 Điện Biên Phủ; số 420 Lê Duẩn; số 51 Nguyễn Sinh Cung và số 1 Hồ Đắc Di, TP Huế. Tất cả cơ sở này đều do đối tượng Nguyễn Sỹ Trung (sinh năm 1976, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đứng đầu quản lý.Sau gần 3 năm hoạt động, các chi nhánh và cơ sở của Công ty Tân Tín Đạt đóng ở địa bàn Thừa Thiên - Huế bất ngờ đồng loạt thông báo giải thể, sau đó trở thành điểm kinh doanh của một doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH MTV phát triển tổng hợp Tín Đạt (gọi tắt là Công ty Tín Đạt) có trụ sở chính đóng tại số 22 Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Để đối phó sự kiểm tra của cơ quan chức năng, Trung đứng ra làm hợp đồng thuê mặt bằng và làm giấy ủy quyền cho 5 đối tượng khác gồm: Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thị Nhụy, Hà Thị Thu Hiền, Vũ Duy Đức và Nguyễn Đức Thịnh làm quản lý hoạt động tại 5 cơ sở nêu trên.

Sau khi nhận nhiệm vụ cấp trên phân công, cả 5 đối tượng này đã tuyển dụng và thuê nhân viên làm việc tại cơ sở mình quản lý. Các nhân viên của những cơ sở này đều phải qua lớp "đào tạo chuyên môn" về nghiệp vụ cho vay, cách thức đòi nợ, sau đó mới được giao dịch trực tiếp với khách hàng, xử lý nợ… Bình quân mỗi cơ sở Công ty Tín Đạt đóng ở TP Huế có từ 4 đến 6 nhân viên hoạt động cho vay nặng lãi theo cách thức trên.

Vì cần tiền trả nợ, chữa bệnh hoặc vì các lý do khác nhau nên có rất nhiều người dân ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tin theo lời quảng cáo, dụ dỗ vay tiền của các đối tượng hoạt động tại những cơ sở của Công ty Tín Đạt. Do lãi suất quá cao, nhiều gia đình không có khả năng trả nợ đã bị các đối tượng côn đồ đe dọa, đánh đập, dẫn đến mất an ninh địa bàn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Thậm chí có nhiều gia đình tan vỡ hạnh phúc, vợ chồng ly dị, bố mẹ không nhận con vì lỡ trót vay tiền của băng nhóm "tín dụng đen" này. Nhận được phản ánh của người dân và qua công tác xác minh phát hiện Công ty Tín Đạt có nhiều dấu hiệu bất minh về tài chính, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xác lập chuyên án với quyết tâm bóc gỡ, làm rõ thủ đoạn cho vay tiền với lãi suất cao của các cơ sở thuộc Công ty Tín Đạt đóng tại Huế nhằm có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng.

Cho vay với lãi suất "cắt cổ" 700%/năm

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ công tác điều tra, xác minh, thu thập thông tin, đơn vị xác định, tuy đăng ký tên gọi khác nhau nhưng về bản chất, Công ty Tín Đạt đóng ở Huế và Công ty Tân Tín Đạt đóng ở TP Vinh là một.

Mẻ lưới lớn hốt gọn nhóm cho vay nặng lãi liên tỉnh - Ảnh 2.

Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên - Huế đọc lệnh bắt giữ đối tượng Nguyễn Duy Dương (áo trắng), quản lý một cơ sở cho vay nặng lãi ở địa bàn TP Huế.

Các đối tượng được thuê quản lý tại các cơ sở thuộc Công ty Tín Đạt tại Huế thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin và giao dịch tiền bạc với đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng, Giám đốc Công ty Tân Tín Đạt ở TP Vinh. Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này là yêu cầu người vay tiền đưa ôtô, xe máy có đăng ký chính chủ, giấy CMND của người vay và làm thủ tục mua tài sản trên, sau đó sử dụng tài sản này làm hợp đồng cho người vay thuê lại tài sản.

Quá trình người vay muốn vay bao nhiêu tiền thì các đối tượng tự định lượng giá trị để mua tài sản tương ứng. Bên cạnh đó, đối với những cá nhân không có tài sản nhưng vay số tiền thấp, các đối tượng vẫn thực hiện thủ tục cho vay.

Hoạt động cho vay, phương thức cho vay, cách thức quản lý tiền cho vay và tiền thu nợ… đều được các đối tượng của Công ty Tín Đạt thực hiện trên phần mềm mạng internet, và phần mềm này do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng theo dõi, quản lý.

Qua điều tra, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế làm rõ, lãi suất các đối tượng cho vay dao động từ 109,5%/năm đến 182,5%, cá biệt có trường hợp cho vay với lãi suất hơn 700%/năm. Theo điều tra ban đầu, chỉ tính tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8-2016 đến nay, các đối tượng đã cho 1.420 lượt người với gần 21.000 hồ sơ vay tiền, tổng số tiền cho vay hơn 21,2 tỷ đồng; số tiền băng nhóm này thu lợi bất chính lên đến 4,6 tỷ đồng.

Với quyết tâm xóa sổ đường dây cho vay nặng lãi này, trong ngày 2-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 5 tổ công tác phụ trách kiểm tra, triệt xóa 5 cơ sở chi nhánh của Công ty Tín Đạt tại Huế, qua đó bắt giữ 5 đối tượng quản lý các cơ sở này, gồm: Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thị Nhụy, Hà Thị Thu Hiền, Vũ Duy Đức và Nguyễn Đức Thịnh cùng một số đối tượng có liên quan để điều tra làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cắt cử một tổ công tác lên đường ra TP Vinh để phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An tổ chức khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty Tân Tín Đạt tại TP Vinh, bắt giữ các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Việc lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhanh chóng bắt giữ các đối tượng cho vay nặng lãi, xóa sổ các điểm giao dịch của Công ty Tín Đạt tại Huế đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân.

Ông Phạm Xuân Khánh, Tổ trưởng Tổ dân phố 3, phường Trường An, TP Huế cho hay: "Cơ sở của Công ty Tín Đạt đóng ở đường Điện Biên Phủ thuộc địa bàn phường được Công ty này thuê lại và hoạt động cho vay tài chính khoảng hơn 2 năm nay. Cơ sở chỉ mở cửa giao dịch vào ban ngày và các nhân viên ở cơ sở này rất ít khi trò chuyện với mọi người dân xung quanh. Phải đến khi chứng kiến cảnh lực lượng Công an ập vào cơ sở để khám xét, bắt giữ các đối tượng thì tôi và người dân mới vỡ lẽ đây là địa điểm hoạt động cho vay nặng lãi".

Theo phản ánh của người dân, không chỉ hoạt động cho vay với lãi suất "cắt cổ", nhóm đối tượng này còn hung hăng, côn đồ, sẵn sàng gây thương tích nếu con nợ "trả nợ" không đúng hẹn. Bà Nguyễn Thị H., một trong những nạn nhân ở TP Huế trở thành con nợ của Công ty Tín Đạt sau khi trót lỡ vay số tiền 10 triệu đồng từ Công ty này.

"Cách đây không lâu, gia đình có người bị bệnh, phải vào Bệnh viện điều trị nên theo sự chỉ dẫn thông tin ở các tờ rơi quảng cáo, tôi tìm đến trụ sở chi nhánh Công ty Tín Đạt ở Huế để làm thủ tục vay 10 triệu đồng. Dù biết sẽ trả lãi cao nhưng vì đang cần tiền để chạy chữa, thuốc thang điều trị cho người thân nên tôi đồng ý ký vào giấy vay tiền với mức lãi trả góp 60.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn vay tiền, lãi mẹ sinh lãi con, giờ tiền vay nợ của tôi đã gấp nhiều lần so với số tiền gốc vay ban đầu. Ngày nào không trả tiền lãi thì các đối tượng lại tìm đến nhà gây chuyện hoặc gọi điện thoại đe dọa, chửi bới. Mới đây, lúc tôi đang đứng ở quầy hàng thì chúng lại tìm đến đòi nợ. Không cho tôi trình bày, các đối tượng đã liên tiếp đánh vào người tôi rồi còn hăm dọa sẽ "xử lý" cả gia đình tôi nếu không chịu trả nợ", bà H. buồn bã kể lại.

Liên quan đến vụ án này, qua khám xét tại các cơ sở của Công ty Tín Đạt, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tiến hành tạm giữ nhiều hồ sơ tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Tấn công mạnh nhóm tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"

Ngoài triệt xóa đường dây cho vay nặng lãi liên tỉnh kể trên, thời gian gần đây, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an TP Huế cũng đã liên tiếp bắt giữ các đối tượng hoạt động theo kiểu cho vay nặng lãi.

Mẻ lưới lớn hốt gọn nhóm cho vay nặng lãi liên tỉnh - Ảnh 3.
Công an Thành phố Huế đọc quyết định bắt giam Hoàng Minh Sơn về hành vi cho vay nặng lãi.

Điển hình như ngày 2-12-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Đình Đoàn (sinh năm 1990, trú quận Đống Đa, TP Hà Nội) khi từ tháng 5-2019 đến thời điểm bị bắt, Đoàn đã cho gần 30 người ở địa bàn Phú Lộc vay tiền với tổng số tiền gốc lên đến hàng trăm triệu đồng; lãi suất là 0,33%/ ngày, 120%/năm, Đoàn thu lợi bất chính gần 70 triệu đồng.

Hay mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng Hoàng Minh Sơn, Lê Đức Thắng (sinh năm 1992); Mai Văn Phúc, Nguyễn Xuân Tiến (sinh năm 1997, đều trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Bằng hình thức cho vay trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày, lãi suất từ 1% đến 2%/ngày với tiền phí đi thu các khoản vay từ 5% đến 10% tổng tiền gốc, nhóm đối tượng trên đã thực hiện giao dịch 96 hợp đồng với số tiền gốc cho vay gần 2 tỷ đồng, tiền thu lợi bất chính hơn 360 triệu đồng.

Qua điều tra, Cơ quan công an xác định, lãi suất mà các đối tượng cho vay vượt từ 18 đến 36 lần so với mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Được biết trong năm 2019, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực đấu tranh làm rõ, qua đó phá thành công nhiều chuyên án, triệt xóa nhiều đường dây hoạt động "tín dụng đen", bắt giữ các đối tượng, trong đó phần lớn là các đối tượng ngoại tỉnh vào tạm trú tại địa bàn để hoạt động cho vay nặng lãi.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên -Huế khẳng định: "Việc phá thành công các chuyên án, xóa sổ những ổ nhóm "tín dụng đen", đòi nợ không chỉ góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn mà còn xây dựng, củng cố thêm lòng tin của quần chúng nhân dân và của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lực lượng Công an.

Thời gian tới, Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục truy quét mạnh loại đối tượng này. Bên cạnh đó, Cơ quan công an khuyến cáo đến người dân cần hết sức cẩn trọng việc vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo của Công ty tài chính núp bóng hoạt động "tín dụng đen". Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm các thủ tục vay mượn tiền theo đúng các quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy về sau".

Theo Anh Khoa

Công an nhân dân

Trở lên trên