Mẹ Nhật Nam: Từ vụ 39 người tử vong trên xe container, "Có ai trong chúng ta coi con cái là phương tiện để đạt được ước mơ của đời mình?”
Chỉ cần đứa con có khiếm khuyết gì đó, bất toàn gì đó là bố mẹ thất vọng. Đứa con khi đó lớn lên với cảm giác như mình còn nợ ai đó một điều gì chưa trả. Và chúng có thể có những quyết định nông nổi cho cuộc đời với mong muốn “trả nợ”.
- 26-10-2019Vụ 39 thi thể trong container: Tại sao rất nhiều nạn nhân không mặc quần áo khi xe lạnh đến âm 25 độ C?
- 01-02-2019Em bé thoát chết ly kỳ dưới bánh xe container: Cư dân mạng cho rằng thần linh đã cứu giúp nhưng hãy nhìn phản xạ nhanh đến khó tin của người mẹ mà xem
- 30-07-2018Tài xế container thất thần sau va chạm khiến 13 người chết: "Tôi đã cố hết sức đạp phanh, nhưng chiếc xe rước dâu vẫn lao vào tôi"
Cái chết trong giá lạnh của 39 con người khiến ai nấy bàng hoàng. Trong nỗi đau, nhiều người trách móc bố mẹ của các em đã trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy các em đến cái chết.
Nguyên nhân vì họ ít học, ít hiểu biết. Họ suy nghĩ đơn giản và thiển cận.
Nhưng chúng ta, những tầng lớp tạm coi là được học hành tử tế, được đi đây đi đó, được làm trong công sở bàn giấy không phải “chân lấm tay bùn”, liệu chúng ta có thấy trong họ có… chính mình!
Có ai trong chúng ta cũng dồn áp lực lên con cái, coi con cái là phương tiện để đạt được ước mơ của đời mình? Có hai kiểu tình thương con rất khác nhau: hoặc thương con như chính đứa con mình có hoặc thương con như là hình ảnh mà mình muốn phô ra cho người khác thấy.
Nếu thương theo kiểu thứ hai, chỉ cần đứa con có khiếm khuyết gì đó, bất toàn gì đó là bố mẹ thất vọng.
Đứa con khi đó lớn lên với cảm giác như mình còn nợ ai đó một điều gì chưa trả. Và chúng có thể có những quyết định nông nổi cho cuộc đời với mong muốn “trả nợ”.
Có ai trong chúng ta cũng thường “sính ngoại”, nghĩ rằng, “tây” là hơn hết. Trong giáo dục, bố mẹ sẵn sàng trả học phí cao hơn khi đó là thầy ngoại không cần biết trình độ sư phạm của thầy đó như thế nào. Chúng ta luôn vẽ ra viễn cảnh về “đồ tây”, “nhà tây”, “trời tây” mà không nói đến những cực nhọc nơi xứ người.
Có ai trong chúng ta sẵn lòng đưa con đi du học bất kể nó có muốn hay không? Nhiều gia đình nghĩ du học là giải pháp thần kì biến đứa con hư, đứa con thiếu tự lập, đứa con chưa chăm học trở thành người tốt, người giỏi ngay lập tức mà không biết trình độ ngoại ngữ của con đến đâu, khả năng thích ứng của con thế nào.
Báo chí mải mê đưa tin những học bổng khủng, những trường Ivy mà ít kể đến những trường hợp du học sinh bị trầm cảm, bị đuổi học vì đi làm trái phép hoặc ăn tiêu của bố mẹ như “phá trời”. Chính vì thế, biết bao công ty du học nhận một cục tiền rồi đưa học sinh sang những trường chất lượng kém, xa xôi hẻo lánh đến kinh hoàng.
Có ai trong chúng ta sẵn sàng tước đi sự dũng cảm và trí tưởng tượng của giới trẻ để mong muốn đặt kinh nghiệm của mình lên, cho rằng chỉ có suy nghĩ của người đi trước mới là đúng?
Có ai trong chúng ta chỉ luôn coi trọng giá trị vật chất, ngồi với nhau là khoe nhà bên hồ, khoe xe hơi tiền tỉ. Hạnh phúc chỉ đi kèm với tiền bạc chứ không gắn với ý nghĩa của một cuộc sống đẹp.
Có ai trong chúng ta cũng sẵn sàng “lách luật”: Đi ra ngoài đường vượt đèn đỏ; bị công an phạt thì “gọi điện thoại cho người thân”; đi vào cơ quan công quyền thì cậy mối quan hệ thân quen để làm trước; chưa được sự cho phép của gia đình nhưng đưa ảnh nạn nhân không che mặt trong khi cảnh sát Anh, người trực tiếp điều tra thì khẩn khoản “xin đừng đưa danh tính của nạn nhân”…
Có ai trong chúng ta luôn dạy con coi lao động chân tay là “kém sang” nên học nghề là không ổn, phải nhất định vào đại học, phải thành cán bộ và nếu làm quan thì càng tốt?
Có ai trong chúng ta chỉ hướng cho con niềm vui khi nghe tiếng vỗ tay, lời khen từ người khác chứ không cần cảm nhận sự bình yên thanh thản khi nghe tiếng cười tự trong lòng?…
Những ồn ào qua nhanh. Vài hôm nữa cái chết của 39 người lại chìm vào quên lãng. Rồi khi ra sân bay chúng ta vẫn thấy hàng hàng những em mặt ngơ ngác bước chân đi với hành trang tri thức đơn giản và thô kệch nhưng vẫn mang trên vai ước vọng đổi đời.
Vậy nên thay vì chia ra hai phe để tranh cãi và trong khi chờ đợi một sự thay đổi có tính cục diện, mỗi người hãy yên lặng để ngẫm lại, nhìn thật sâu vào lòng mình xem thực sự mình đã làm gì và sẽ làm gì tiếp theo, liệu có sai lầm nào mình đang mắc phải trong việc giáo dục cho con cái, cho thế hệ trẻ.
“Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy”.
Mình mong muốn xin dừng phán xét, hãy dành cho lớp trẻ sự yên tĩnh trong cách hiểu toàn diện của từ này, để chúng còn cơ hội phát triển và biết đâu nhờ đó mà thay đổi.
Helino