"Mẹ ơi, con có thể chơi điện thoại một chút không?" - Câu trả lời sẽ quyết định tương lai của con cái
Trước những lời đề nghị muốn chơi điện thoại của con cái nếu như phụ huynh mềm lòng, nhận lời nhưng lại không kiểm soát, hạn chế...,không những khiến con cái gia tăng nguy cơ cận thị, còn khiến thành tích học tập trôi dốc, ảnh hưởng tới tương lai của chúng.
- 27-05-2019Bí mật về cách nuôi dạy con cái thành tỉ phú của cha mẹ Bill Gates: Con có thể quyết định độc lập nhưng không thể dễ dàng bỏ cuộc chỉ vì không giỏi thứ gì đó
- 22-05-2019"Không ai giàu 3 họ" nhưng cả gia tộc này đã giàu có suốt 15 đời nhờ bí quyết tổ truyền: Thay vì dạy con bằng tiền, hãy để chúng học bằng đức
01
Rất nhiều bậc phụ huynh phản ánh rằng, câu nói mà con trẻ hiện giờ hay nói nhiều với họ nhất đó là "Bố ơi, Mẹ ơi, con muốn chơi điện thoại".
Mỗi bậc phụ huynh khi đứng trước lời đề nghị này của con cái thường sẽ có những phản ứng khác nhau. Nhưng đại đa số đều sẽ đồng ý và đưa điện thoại cho chúng.
Do vậy, cứ đến dịp nghỉ, rất nhiều trẻ em đắm chìm trong thế giới điện thoại, say mê đến nỗi không thể tự mình thoát ra.
Theo số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em nếu sử dụng điện thoại nửa tiếng mỗi ngày, bình quân mỗi phút sẽ chớp mắt 7 lần, thời gian vỡ màng nước mắt bình quân dưới 5 giây, lâu dần thị lực sẽ bị suy giảm một cách nghiêm trọng.
Con số này khiến không ít bậc phụ huynh phải kinh hãi đồng thời bắt đầu xem xét lại cách giáo dục con cái của bản thân.
Đúng vậy, đứng trước lời đề nghị muốn chơi điện thoại của con cái, mỗi bậc phụ huynh có những phản ứng hoặc câu trả lời khác nhau và điều đó sẽ quyết định tương lai của chúng.
"Vậy thì chơi một chút thôi nhé".
Rất nhiều bậc cha mẹ vì yêu cầu công việc, không có thời gian ở bên con cái. Con cái hễ nghỉ học, không có cha mẹ bên cạnh, điện thoại liền trở thành nơi gửi gắm tinh thần của bọn trẻ. Đây là mối nguy hại vô hình ảnh hưởng tới tương lai của trẻ em.
02
Có điện thoại trong tay, con cái trở nên ngoan ngoãn hơn, cha mẹ có nhiều thời gian để tập trung vào những công việc khác của bản thân. Chỉ cần có điện thoại, cha mẹ gần như không cần phải quản thúc hay để ý tới con cái. Chúng sẽ ngoan ngoãn ngồi chơi một chỗ.
Việc con cái say mê điện thoại thực sự khiến các bậc cha mẹ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Không quấy phá, không ồn ào, ngược lại rất yên tĩnh và ngoan ngoãn.
Thế nhưng, các bậc phụ huynh đã từng nghĩ tới hậu quả của việc phóng túng con cái, để chúng tự do sử dụng điện thoại một cách thoải mái?
Điện thoại thực sự rất thú vị, ai cũng biết điều này. Ngay cả một người trưởng thành có ý thức kỷ luật nhất định, cũng khó lòng kiểm soát hay khống chế được thời gian sử dụng điện thoại của mình. Hết Zalo, Facebook rồi lại đến Tiktok… không ngừng không nghỉ thưởng thức thế giới điện thoại đầy ma lực. Nói chi đến những đứa trẻ chưa đủ ý thức tự chủ, kỷ luật?
Do vậy, trẻ con một khi cầm điện thoại, nếu cha mẹ không kiểm soát nghiêm ngặt, chúng sẽ chơi không biết mệt mỏi. Điện thoại nói riêng và các sản phẩm điện tử nói chung nếu sử dụng trong thời gian quá dài đều sẽ gây tổn hại tới cơ thể con người nhất là mắt.
Vậy nên, nếu sử dụng điện thoại vượt quá một tiếng mỗi ngày sẽ gia tăng nguy cơ cận thị cho trẻ.
Không những vậy, nếu để trẻ nhỏ hình thành thói quen chơi điện thoại, chúng sẽ không còn tập trung, để tâm đến việc học hành. Một ngày không tiếp xúc với điện thoại, trong lòng cảm thấy bất an không thoải mái. Chẳng khác gì những người nghiện game, nghiện mạng.
Do vậy, trước những lời đề nghị muốn chơi điện thoại của con cái nếu như phụ huynh mềm lòng, nhận lời nhưng lại không kiểm soát, hạn chế. Không những khiến con cái gia tăng nguy cơ cận thị, còn khiến thành tích học tập trôi dốc, ảnh hưởng tới tương lai.
Trong một lần làm khách tại gia đình người bạn, tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng:
Cậu bé trai nhìn thấy các bạn nhỏ chạc tuổi xung quanh mình đều đang chơi điện thoại. Thấy vậy, cũng bám lấy mẹ đòi chơi điện thoại. Người mẹ nhẹ nhàng cúi người xuống rồi nói với cậu con trai của mình: "Mẹ đưa con đi ra ngoài chơi nhé?"
Cậu bé hớn hở nhận lời ngay, sau đó dắt tay mẹ cùng đi ra bên ngoài chơi. Câu trả lời cũng như cách phản ứng của người mẹ này thực sự rất thông minh. Nhiều lúc, trẻ con sở dĩ muốn chơi điện thoại là do chúng cảm thấy cô đơn và nhàm chán.
Hoặc thấy mọi người xung quanh đều chơi điện thoại, khiến trẻ nảy sinh tâm lý muốn chạy theo phong trào. Nếu lúc đó, có người đồng ý đưa chúng đi chơi, chúng sẽ cảm thấy mình được quan tâm, không còn thấy bị cô đơn nữa.
Như vậy, sự chú ý sẽ thay đổi từ việc muốn chơi điện thoại sang việc có người cùng đi chơi với mình.
03
Phản ứng nhanh nhạy và hợp lý của cha mẹ sẽ giúp trẻ nhỏ rời xa điện thoại. Cùng trẻ ra bên ngoài chơi không những giúp trẻ tránh xa khỏi những chiếc điện thoại đầy ma lực, mà còn giúp trẻ mở rộng kiến thức.
Đưa trẻ ra bên ngoài chơi, giúp trẻ biết được rằng thế giới bên ngoài càng thú vị hơn so với thế giới điện thoại. Giúp trẻ thỏa mãn tính hiếu kỳ và khám phá tri thức.
Những đứa trẻ trưởng thành và lớn lên trong môi trường này không những có tầm nhìn rộng mở mà còn có kiến thức phong phú và không bị đắm chìm trong thế giới điện thoại, internet và game online.
Bởi vậy, khi đối mặt với lời đề nghị muốn chơi điện thoại của trẻ, phụ huynh hoặc là đồng ý hoặc là tìm cách từ chối khác. Câu trả lời khác nhau sẽ quyết định việc hình thành nên những đứa trẻ với tư tưởng và nhân cách khác nhau.
Với những bạn nhỏ đam mê điện thoại, phụ huynh nên làm như thế nào?
1, Thay đổi sự chú ý của trẻ
Một khi trẻ đã quá say mê với thế giới điện thoại, phụ huynh cần phải có những biện pháp ngăn chặn thích đáng. Nếu như để trẻ tiếp tục chơi hiển nhiên là một sự sai lầm tai hại. Làm như vậy sẽ càng tăng thêm sự ỷ lại của trẻ với điện thoại.
Thế nhưng nếu cưỡng chế ngăn chặn cũng không phải là biện pháp tốt. Bởi làm như vậy trẻ sẽ có những phản kháng hết sức quyết liệt. Do vậy cách tốt nhất đó là thay đổi hoặc chuyển hướng sự chú ý của trẻ.
Khi trẻ đưa ra lời đề nghị muốn chơi điện thoại, các bậc phụ huynh có thể trả lời bằng cách đưa trẻ ra ngoài chơi, đi dạo công viên, chạy bộ, đọc sách…
Hoặc làm những việc mà trẻ cảm thấy thích thú để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ vào chiếc điện thoại. Phải giúp trẻ hiểu rằng, ngoài điện thoại còn có rất nhiều những thứ thú vị khác đang chờ trẻ khám phá.
2, Biết cách từ chối
Trẻ con tuy nhỏ nhưng vẫn hiểu và tiếp thu những đạo lý mà cha mẹ dạy dỗ. Do vậy, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian nói chuyện và giảng giải đạo lý, lẽ phải cho chúng nghe.
Khi con trẻ đưa ra đề nghị muốn chơi điện thoại, phụ huynh không nên lập tức từ chối một cách gay gắt. Thay vào đó có thể giải thích một số tác hại của việc chơi điện thoại, giúp trẻ nhận ra rằng, thực ra chơi điện thoại không tốt như những gì chúng nghĩ, chơi điện thoại cũng có rất nhiều điểm tai hại.
Ví dụ như gây cận thị, phải đeo kính mắt rất khó chịu… khiến trẻ cảm thấy "sợ" và muốn tránh xa điện thoại.
3, Bồi dưỡng, phát triển đam mê và sở thích của trẻ
Vào các dịp nghỉ lễ, trẻ em thường có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Nếu như quá nhàm chán, trẻ sẽ tự động nghĩ tới việc muốn chơi điện thoại. Do vậy, phụ huynh cũng hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bồi dưỡng phát triển một số niềm đam mê và sở thích của trẻ.
Nếu có thời gian, các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ ra bên ngoài, tiếp xúc nhiều với thế giới tự nhiên, khiến trẻ cảm thấy hứng thú, hiếu kỳ và muốn khám phá.
Nếu như thực sự không có thời gian để đưa trẻ ra ngoài chơi, các bậc phụ huynh có thể mua một số các loại đồ chơi trí tuệ có ích như Toy block, ghép hình… Hoặc cũng có thể giúp trẻ xây dựng thói quen đọc sách bằng những cuốn sách thú vị.
Tóm lại, các bậc phụ huynh nên học cách tận dụng các loại đồ chơi, trò chơi có ích để bồi dưỡng và phát triển đam mê cũng như sở thích của trẻ. Giúp trẻ không còn suy nghĩ muốn chơi điện thoại.
Các bậc cha mẹ ạ, đừng vì công việc hoặc lý do cá nhân mà để trẻ sa vào thế giới điện thoại ma lực. Bởi nó có thể sẽ hủy hoại tương lai của cả một thế hệ.
Trí Thức Trẻ