Mẹ thủ khoa song bằng THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam bật mí bí quyết đơn giản của con: Không cần học thêm nhiều thầy, nhiều lớp
Trong kì tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội vừa qua, Nguyễn Nhật Huy giành ngôi thủ khoa song bằng vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với số điểm ấn tượng: 46,07/50.
- 29-06-2021MC Bạch Dương lần đầu kể: Cho con nghỉ trường chuyên khi thấy không phù hợp và những chuyến đi sắc màu, đầy ắp trải nghiệm
- 29-06-2021Chân dung nam sinh từng khiến trường "Harvard Trung Quốc" không ngần ngại hạ ngay 200 điểm để "trải thảm" mời nhập học
- 26-06-2021Trường cấp 2 có đến 57 học sinh đỗ THPT chuyên: Khoảng 1/3 đỗ 2 trường với các môn chuyên khác nhau, trong đó có 2 thủ khoa
Năm học 2021-2022, trường chuyên Hà Nội-Amsterdam tuyển sinh hệ song bằng; chỉ tiêu 2 lớp, mỗi lớp 50 HS. Với thế mạnh không chỉ ở tiếng Anh mà còn giỏi đều các môn Toán, Lý, Hóa… Phạm Nhật Huy (Hà Nội) đã đỗ Thủ khoa Hệ song bằng trường chuyên Hà Nội Amsterdam với tổng điểm 46,7/50. Trong đó Toán: 10; Lý: 9,1; Anh viết: 9,74; Hóa: 9,73; Anh nói: 7,5.
Ngoài ra, Huy cũng nhận được 85% học bổng ISV (Trường Quốc tế Việt Nam ISV) cho cả 3 năm cấp 3.
Phạm Nhật Huy (Hà Nội) đã đỗ Thủ khoa Hệ song bằng trường chuyên Hà Nội Amsterdam với tổng điểm 46,7/50.
Chị Linh Giang, phụ huynh em Nhật Huy cho rằng, để thi được Song bằng, trước hết tiếng Anh con phải tốt.
"Điểm thi đầu vào của Song bằng là tính trên 5 đầu điểm: Anh viết, Anh nói, Toán tiếng Anh, Lý tiếng Anh và Hóa tiếng Anh. Vì thế, cái cần quan tâm đầu tiên là tiếng Anh. Chỉ riêng thi tiếng Anh đã là 2/5 đầu điểm rồi, gần 1/2 số điểm đấy".
"Bạn nhà mình chưa bao giờ học tiếng Anh của các thầy cô nổi tiếng nên việc có cần cho con theo học các giáo viên dạy luyện thi chuyên không thì câu trả lời là không cần. Bạn nhà mình từ lớp 6 đến lớp 8 học 1 tuần 2 buổi tiếng Anh và chỉ học các trung tâm. Năm lớp 6 con học 1 trung tâm tiếng Anh bình thường ở Hoàng Cầu. Năm lớp 7 và 8 con học ở Summit: lớp 7 học các lớp Junior và lớp 8 luyện IELTS. Đến lớp 9 là con không học thêm tiếng Anh nữa, dành thời gian cho học thi các môn khác".
Là học sinh cấp 2 của trường chuyên Hà Nội Amsterdam, Nhật Huy cũng đã có môi trường học tập nhiều lợi thế. Ngoài thời gian học thì Huy hay xem phim tiếng Anh và chơi game online với các bạn nước ngoài.
"Con có 1 nhóm mấy bạn chơi thân qua game ở Hongkong, Indo, Philippines, nên chat và trò chuyện bằng tiếng Anh suốt, nói cả chuyện tình hình thời sự thế giới. Mình nghĩ cái đó cũng giúp con nâng cao giao tiếp tiếng Anh", chị Giang chia sẻ.
Về Toán Lý Hóa tiếng Anh, Huy bắt đầu học khi vào lớp 9. "Bạn nhà mình rất ít học thêm. Từ lớp 6 đến lớp 8 chỉ học tuần 2 buổi tiếng Anh, từ lớp 9 dừng tiếng Anh và học tuần 1 buổi luyện thi song bằng với lớp của thầy giáo ở quận Hà Đông. Lớp này thầy chỉ dạy 1 buổi/ tuần trong vòng 3h".
Nhật Huy nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Một điều chị Giang lưu ý là các con không cần học nhiều thầy, học thêm nhiều lớp. Chỉ cần con học một nơi uy tín, làm đủ bài, đọc đủ sách theo yêu cầu của giáo viên là có thừa tự tin để đi thi. "Bạn nhà mình cũng chỉ học có thế và điểm thi 3 môn này là Toán 10 và Lý Hoá cũng xấp xỉ 10".
Về học bổng Academic của ISV, chị Giang chia sẻ, đầu tiên là con nộp hồ sơ với bảng điểm 2 năm học lớp 7-8, sau đó là đi thi. Con thi tiếng Anh, Toán tiếng Anh và phỏng vấn với thầy Hiệu trưởng.
Huy cũng nhận được 85% học bổng ISV (Trường Quốc tế Việt Nam ISV) cho cả 3 năm cấp 3.
"Bạn ý vào thi, thầy chỉ hỏi là: Con thích học môn gì? Thời giờ rảnh rỗi con làm gì? Con có nhiều bạn không? Bạn con nhận xét về con thế nào? Bạn nhà mình là đứa thật thà và không khéo nói nên thầy hỏi sao nói vậy thôi. Bạn ý bảo là thích chơi game, rỗi chỉ chơi game. Bạn bè nhận xét bạn ý là chăm chỉ nhưng thực chất bạn ý không chăm mà chỉ học vừa đủ, học xong là chơi game… Lúc về mình nghĩ phỏng vấn kiểu này chắc không ăn thua, nhưng hoá ra lại được học bổng khá cao".
"Mình may mắn vì bạn nhà mình là đứa trẻ tự giác và nghiêm túc trong học hành nên bố mẹ không phải làm gì cả. Thỉnh thoảng rủ con "trốn học" đi chơi còn bị con phàn nàn nữa đấy. Tính tự lập này cũng bản tính của con chứ mình cũng không phải rèn gì nhiều, từ ngày bắt đầu đi học là con tự học hết. Cho đi học thêm lớp nào phải hỏi ý kiến con, con thích thì học, không thích là không học, không bắt được".
Trước hai lựa chọn vào cấp 3, chị Giang cho biết vợ chồng chị trao quyền quyết định cho chính con. "Bố mẹ luôn tự tin là dù con chọn học ở đâu thì con vẫn luôn thành công! Bố mẹ và cả gia đình sẽ luôn bên con trên mọi chặng đường", chị Giang chia sẻ.
Nhịp sống Việt