Mẹ Việt dạy song ngữ cho con từ thuở lọt lòng: ‘Mong MinHee sẽ thật "Minh Hy" - thông minh, tích cực và luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp’
Với phương pháp dạy song ngữ cho con từ khi còn trong bụng mẹ, hành trình chinh phục ngoại ngữ của cô bé MinHee và những trải nghiệm làm mẹ đầy cảm xúc của chị Quỳnh Anh có lẽ sẽ truyền cảm hứng tích cực cho nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ trong ngày lễ đặc biệt - Ngày của mẹ này.
- 14-05-2023Có bố mẹ nổi tiếng hàng đầu showbiz, cặp song sinh của Hồ Ngọc Hà - Kim Lý được nuôi dạy như thế nào?
- 14-05-2023Thực phẩm "3 đỏ, 3 vàng, 3 xanh" giữ gìn sức khỏe trong mùa hè lại toàn là món ăn bình dân ai cũng quen mặt
- 14-05-2023'Anh em như thể tay chân' nhưng cha mẹ qua đời, tôi từ chối cho anh em đến nhà sum họp: Quyết định đau đớn vì nỗi khổ khó nói
Làm mẹ vốn là một trong những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhiều phụ nữ. Cái tiếng gọi nghe thật thân thương mà ấm áp nhưng cũng là cái tiếng rất đỗi nặng lòng khi những gì mà một người mẹ phải trải qua suốt cả một đời để lo cho gia đình, con cái, mà tựu chung chúng ta vẫn thường gọi qua cụm từ là sự "hy sinh".
Hành trình làm mẹ là một đường chạy không bao giờ dừng lại và đối với phụ nữ thế giới hiện đại ngày nay quả thật không thiếu cách tư duy cùng phương pháp dạy con khác nhau để con trẻ có thể phát triển, thấy nhiều thứ đẹp đẽ thú vị, cảm nhận được hạnh phúc thuần khiết và trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.
MinHee (tên thật Nguyễn Minh Hy), 3 tuổi, hiện đang sống cùng bố mẹ tại Hà Nội chính là cô bé song ngữ tài năng được nhiều người yêu mến trong cộng đồng yêu thích học tiếng Anh. Dù chưa đến tuổi đi học nhưng cô bé đã có khả năng giao tiếp tiếng Anh tự nhiên, trôi chảy như người bản xứ khiến nhiều người phải thán phục.
Cô bé MinHee và mẹ Quỳnh Anh.
Với cách phát âm dễ thương, bập bẹ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh cùng sự kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn của bố mẹ đã tạo nên dấu ấn riêng biệt khiến các video trên kênh TikTok "Em bé nói tiếng Anh" nhanh chóng thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem.
Và đằng sau sự tỏa sáng vượt trội của MinHee trong khả năng ngôn ngữ chính là người mẹ hết mực nhẫn nại - Chị Đỗ Quỳnh Anh (28 tuổi), một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, người đã dạy con tiếp xúc với ngoại ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Được gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của mẹ MinHee ngay trước thềm Ngày của Mẹ, tôi như thấu hiểu được hành trình làm mẹ và có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ hơn về việc dạy song ngữ Anh - Việt cho trẻ khi còn nhỏ.
Hành trình dạy con song ngữ ngay từ thuở lọt lòng của người mẹ hiện đại
Bản thân là một cô giáo dạy tiếng Anh, đồng thời được truyền cảm hứng từ kênh Youtube "Alex.D Music Insight" của một ông bố người Việt song ngữ cho hai con từ khi một tuổi nên từ khi mới mang bầu bé MinHee, chị Quỳnh Anh đã ấp ủ mong muốn sau này con mình có thể giao tiếp tiếng Anh được thuần thục, tự nhiên và hòa nhập với môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam.
Theo mẹ MinHee, độ tuổi từ 0-6 là thời điểm vàng để có thể cho con học ngôn ngữ và chị không muốn bỏ lỡ cơ hội. Đó cũng là lý do chị tạo mọi môi trường thuận lợi nhất cho việc học tiếng Anh của con.
"Như chúng ta đều biết Tiếng anh là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, nên việc thông thạo Tiếng anh sẽ là một bước đệm rất lớn trong cuộc sống của con sau này.
Đặc biệt khi đối với thế hệ Alpha thì tiếng Anh không còn được coi là một thế mạnh như đối với thế hệ 8X - 9X nữa mà gần như là mộ từ ngôn ngữ tất yếu rồi. Hơn nữa, trẻ em tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất là trong những năm đầu đời.
Do đó, việc biết Tiếng anh thì cơ hội tự tìm hiểu, khám phá của con sẽ tăng lên rất nhiều vì hầu hết những tri thức của nhân loại đều được viết bằng Tiếng anh. Đời sống tinh thần của con cũng sẽ phong phú hơn khi được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật cùng các nền văn hoá trên thế giới,…"
Cô bé MinHee có ngoài vô cùng dễ thương và hoạt bát.
Chị Quỳnh Anh chia sẻ, bản thân chị đã có sự tìm hiểu, nắm được cơ chế, phương pháp nên chị rất tự tin và gần như không gặp khó khăn nào trong việc dạy con song ngữ. Tuy nhiên, nhiều lúc chị cũng bất ngờ về khả năng của con trong việc tiếp thu và sử dụng hai ngôn ngữ cùng một lúc.
Khi MinHee mới chào đời, chị phân công chồng nói chuyện, giao tiếp với con bằng tiếng Việt, còn mình đảm nhiệm phần tiếng Anh.
Bên cạnh đó, mỗi khi 2 mẹ con ở nhà cùng nhau, chị Quỳnh Anh luôn nói chuyện, đọc truyện, cho con nghe tiếng Anh thụ động hàng ngày, xem những kênh YouTube có chọn lọc về ngữ điệu tình huống ngữ cảnh để rèn luyện cho con tự sắp xếp nội dung khi nói chuyện 1 cách mạch lạc và rõ ràng cũng như chuẩn hơn về mặt ngữ pháp.
Và điều khiến chị ngạc nhiên nhất đó là khả năng tiếp thu của con vô cùng nhanh và MinHee chưa bao giờ chán hay tỏ vẻ không thích tiếng Anh.
"Nếu như thông thường các bé sẽ không có sự "gọi tên" được hai ngôn ngữ (ngôn ngữ nào là tiếng Anh, ngôn ngữ nào là tiếng Việt) mà chỉ là mặc định phân biệt được hai ngôn ngữ đó trong đầu và sử dụng tách biệt.
Nhưng MinHee từ sớm đã có thể phân biệt được đâu là tiếng Anh, đâu là tiếng Việt, và chưa từng một lần nói "chêm" từ, hoặc dùng lẫn lộn cả hai ngôn ngữ trong 1 câu, chỉ trừ trường hợp có một từ nào đó mà bé biết ở ngôn ngữ này rồi nhưng chưa biết ở ngôn ngữ còn lại thì bé mới bất đắc dĩ dùng để truyền tải cho bố mẹ hiểu.
MinHee cũng được tiếp thu tiếng Anh từ những nguồn khác nhau như qua âm nhạc, phim hoạt hình… nên cũng có học được một vài từ hoặc câu mà tôi chưa dạy. Và khi thấy con sử dụng được những câu đó thì tôi thấy vô cùng bất ngờ và thú vị", chị chia sẻ.
Ngoài ra, chị Quỳnh Anh cũng thường xuyên đặt câu hỏi xoay quanh một ngày đi học, tình huống hàng ngày để kích thích con nói tiếng Anh. Bất kì ở nơi đâu cũng được hai vợ chồng tận dụng để trở thành lớp học ngôn ngữ cho MinHee.
Có những lúc con quên từ hay phát âm chưa đúng, chị ngay lập tức sửa cho bé. Còn khi con mới học được từ này, nhưng lúc sau quên mất, thay vì khó chịu hay cáu gắt, chị Quỳnh Anh vẫn kiên nhẫn lặp lại nhiều lần cho con nhớ và áp dụng vào thực tiễn.
Theo mẹ MinHee, nếu cha mẹ không tắm cùng một nguồn ngôn ngữ, không xem cùng một loại chương trình, tài liệu học với con thì không thể đồng điệu và giao tiếp với con được.
"Sai lầm phổ biến nhất tôi thấy của bố mẹ Việt trong việc dạy và cho con học tiếng Anh hiện nay là dùng cả hai ngôn ngữ khi nói chuyện với con và khiến con phải qua một bước trung gian khi học hai ngôn ngữ.
Ví dụ như: quả táo tiếng Anh là 'Apple', con mèo tiếng Anh là 'Cat' thay vì dạy con rằng hai từ 'quả táo' và 'Apple' cùng một lúc thì khi chỉ vào quả táo sẽ giúp con ghi nhớ 2 ngôn ngữ cùng lúc và đi thẳng vào trí nhớ của con cùng hình ảnh quả táo."
Nhờ việc áp dụng các phương pháp dạy tiếng Anh, tạo môi trường giao tiếp 1 cách thường xuyên để con tập phản xạ, nên giờ đây khi mới 3 tuổi, bé MinHee đã giao tiếp thành thạo bằng cả hai ngôn ngữ, khi được người lớn hỏi bằng tiếng gì, con sẽ đáp lại bằng tiếng đó.
Thậm chí hiện tại, bé MinHee cũng đang dần tập làm quen và tiếp xúc thêm với tiếng Trung cùng tiếng Hàn.
"Tôi cũng đã và đang dạy con thêm một chút tiếng Trung và tiếng Hàn nhưng chỉ là ở mức độ nhẹ ví dụ như các từ vựng và câu giao tiếp cơ bản.
Tôi mong muốn con có thể biết thêm một ngôn ngữ châu Á (tiếng Trung/ Hàn/ Nhật) để bé có thể thích nghi và tồn tại được ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Về các lĩnh vực khác ngoài ngôn ngữ thì tôi sẽ theo dõi dần cùng với quá trình trưởng thành của MinHee để tìm ra lĩnh vực mà con thực sự có năng khiếu và có đam mê để có hướng hỗ trợ và đầu tư đúng đắn cho con", chị Quỳnh anh chia sẻ.
“Việc dạy song ngữ phải dựa vào phương pháp của cha mẹ và hình thành tư duy tự lực, tự học cái mới”
Từ quá trình dạy song ngữ cho con, chị Quỳnh Anh rút ra một số quy tắc mà các bậc phụ huynh có thể lưu ý khi đồng hành cùng con trên hành trình chinh phục tiếng Anh từ khi còn nhỏ.
- Đầu tiên là “One parent - One language”, nghĩa là cha mẹ mỗi người một thứ tiếng và phải nhất quán. Bố nói tiếng Anh thì mẹ nói tiếng Việt, không được dịch từ Anh sang Việt hoặc ngược lại. Việc này sẽ làm chậm tư duy ngôn ngữ của não.
- Quy tắc thứ hai là “Input”, nghĩa là phải gia tăng lượng ngôn ngữ vào trí não của con, có thể là phim, truyện, âm nhạc..., phải có âm thanh, thêm hình ảnh, hoặc tốt nhất là người tương tác.
- Quy tắc thứ ba là luôn cổ vũ, khích lệ, và tương tác với trẻ. Ngôn ngữ nào, độ tuổi nào cũng cần sự tương tác, khích lệ khi người nói thành công với những câu từ nhỏ và tích lũy nhỏ nhiều sẽ thành to lớn. Cha mẹ cũng tuyệt đối cấm kị trong việc chê bai, nặng lời khi trẻ nói sai hoặc dùng từ chưa đúng mà chỉ cần lặp lại là được.
Có nhiều cha mẹ, ông bà lo lắng rằng việc dạy cho trẻ tiếng anh từ quá sớm, trước cả khi con nói sõi tiếng Việt sẽ làm con bị loạn ngôn ngữ và chậm nói. Theo chị Quỳnh Anh điều này hoàn toàn không đúng.
Bởi khoa học đã chứng minh não bộ của trẻ những năm đầu đời rất nhạy cảm với ngôn ngữ và nếu chúng ta có phương pháp đúng đắn trong việc giới thiệu ngôn ngữ cho trẻ thì trẻ hoàn toàn có thể tiếp nhận nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
Bằng chứng rất rõ ràng là trong những gia đình đa quốc tịch thì những đứa trẻ sẽ nói được đồng thời cả tiếng mẹ đẻ của bố và mẹ.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Quỳnh Anh.
"Ví dụ như một gia đình có bố là người Mỹ, mẹ là người Tây Ban nha thì đứa trẻ hoàn toàn có thể giao tiếp bằng cả hai thứ tiếng khi còn nhỏ. Hay như bé có họ hàng là người Ý, bố là người Việt, mẹ là người Trung, thì bé hoàn toàn có thể thông thạo 2 thứ tiếng trở lên là tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Ý.
Điều quan trọng nhất khi đồng hành song ngữ cùng con là sự KIÊN TRÌ vì không chỉ với tiếng Anh mà ngôn ngữ nào cũng vậy. Trong những năm đầu đời bé chưa biết nói thì dù tiếng Anh hay tiếng Việt hầu như tất cả chỉ là độc thoại mà thôi.
Nhưng nó không hề vô nghĩa. Mỗi câu, từ, mỗi khoảng thời gian bạn dành nói tiếng anh với con đều là một sợi dây liên kết hình thành tấm lưới chắc chắn chứa đựng ngôn ngữ của con sau này."
Nhờ việc thành lập kênh TikTok cá nhân có tên "Em bé nói tiếng Anh" (@growwithminhee), chị Quỳnh Anh mong muốn sẽ lan tỏa niềm đam mê, yêu thích tiếng Anh đối với các em nhỏ cũng như bậc phụ huynh.
Tại đây, chị thường xuyên đăng tải các clip con gái nói tiếng Anh hàng ngày, những khoảnh khắc đáng yêu, giản dị của MinHee khi cùng cha mẹ giao tiếp bằng cả hai ngôn ngữ.
Khi các clip nhận trên nhận được sự tương tác và phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng, cuộc sống của gia đình MinHee cũng có sự thay đổi. Bên cạnh việc mong rằng qua đó có thể truyền cảm hứng, động lực học tiếng Anh cho nhiều em nhỏ cũng như chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh thì chị cũng rất vui khi MinHee được mọi người nhận ra và ủng hộ.
"Mình vẫn là một cô giáo tiếng Anh, bố MinHee đi làm như bình thường và MinHee vẫn đều đặn đi học mẫu giáo mỗi ngày."
Đối với chị Quỳnh Anh, hành trình làm mẹ còn rất dài ở phía trước, chị mong muốn rằng sẽ truyền được năng lượng tích cực của mình cho con càng nhiều càng tốt.
Chị hy vọng mỗi bà mẹ trên thế giới này hãy yêu con thật nhiều, nhưng cũng yêu cả bản thân mình, bởi vì hạnh phúc là thứ được lan truyền, chỉ khi mẹ không bực bội với cuộc sống thì con cái mới có được trọn vẹn niềm vui.
"Không có cách nào trở thành người mẹ hoàn hảo. Thế nhưng lại có cả triệu cách để trở thành người mẹ hạnh phúc.
Bạn nên yêu thương chính bản thân mình, giữ sức khoẻ, sống thiện lương để làm tấm gương cho con. Ngoài ra cần chăm chỉ hơn để có điều kiện kinh tế tốt hơn cho con. Và quan trọng nhất là để không uổng phí cuộc đời mình", chị Quỳnh Anh tâm sự.
Thể thao & văn hóa