Mẹ Việt kể chuyện dạy con 4 tuổi đọc trôi chảy tiếng Việt, tự học tiếng Anh và tiếng Pháp
Bí quyết để một cô bé 5 tuổi say sưa học ngoại ngữ 3-4 tiếng mỗi ngày và coi đó là một niềm vui, niềm hạnh phúc của mình mà mẹ Việt này chia sẻ có thể sẽ khiến bạn bất ngờ, đó là: Hãy dạy con cách tự học!
- 03-10-2016Bố mẹ Việt Nam đừng cố nuôi con hoàn hảo, hãy học cách thức dạy con này của người Đức
- 04-08-2016Thì ra đây là cách dạy con học tiếng anh cực nhanh, nói cực chuẩn
- 20-07-2016Chúng ta nên dạy con về bài học thất bại
Cô bé Nhã Uyên có vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, xinh xắn và có phần bẽn lẽn, thế nhưng, sự bền bỉ và niềm đam mê của cô bé dành cho việc học ngoại ngữ và luyện đàn thì có thể khiến bất cứ người lớn nào phải ngã mũ khâm phục. Là cô bé chưa biết đọc nốt nhạc nhưng có thể chơi hàng loạt các bản giao hưởng kinh điển một cách thuần thục và đầy cảm xúc, Nhã Uyên còn dành phần lớn thời gian của mình cho việc học ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Nhã Uyên có một niềm yêu thích đặc biệt với ngôn ngữ, có thể đọc tiếng Việt trôi chảy từ khi 4 tuổi, đến nay cô bé còn đang tự học tiếng Pháp và các môn học khác bằng tiếng Anh. (Ảnh: NVCC)
Như mọi em bé cùng lứa tuổi khác, Nhã Uyên thích nhất là truyện Fairy Princess Test, mê phim Công chúa Tóc mây (Tangled) và xem nhiều nhất là phim hoạt hình Peppa Pig và Pocoyo… Từ những sở thích rất “trẻ con” ấy, Nhã Uyên có thể dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để cảm nhận và khám phá ngôn ngữ theo cách của riêng mình một cách đầy hào hứng. Cô bé chính thức học tiếng Anh “sâu” hẳn từ lúc 4 tuổi rưỡi - lúc đã biết đọc tiếng Việt thành thạo. Hàng ngày Nhã Uyên có tối đa là 3 tiếng học tiếng Anh chia đều ra 3 buổi sáng, chiều và tối, mỗi buổi một tiếng. Đến nay, cô nhóc 5 tuổi “bé hạt tiêu” này đã đọc hiểu những câu chuyện dài hay nói chuyện thành thạo tự nhiên bằng tiếng Anh, ngoài ra còn tự học tiếng Pháp và một số môn học khác bằng tiếng Anh nữa.
Mẹ&Bé đã có cuộc trò chuyện với chị Đặng Ngọc Linh, mẹ của bé Nhã Uyên để hiểu hơn về hành trình đầy đam mê của bé.
Chào chị, chị đã phát hiện ra đam mê học ngoại ngữ của con gái như thế nào?
- Việc học ngoại ngữ của bé đến một cách rất tự nhiên. Từ khi con tập nói thì bên cạnh việc dạy các từ tiếng Việt, ba mẹ cũng dạy bé nói các từ tiếng Anh. Do đó, con cũng học tiếng anh theo kiểu, “sun” là mặt trời, “teapot” là ấm trà. Đến 4 tuổi thì Nhã Uyên mới được làm quen với tiếng Anh bài bản hơn, từ các apps học đơn giản như flashcards và học phonics.., cho đến việc hát hò các bài hát tiếng Anh. Từ lúc này, con mới tỏ rõ là rất thích tiếng Anh, có thể nhớ và thuộc rất nhanh, nói theo khá chuẩn, và cứ khi nào đến giờ học tiếng Anh là con hét lên sung sướng khi được…học.
Chị có thể chia sẻ kĩ hơn về quan điểm cho con học ngoại ngữ “biết nghe, biết nói trước khi biết đọc và biết viết” mà chị đã áp dụng trong việc dạy con?
- Mình đồng ý với quan điểm này. Nhã Uyên cũng học theo đúng trình tự như vậy, đầu tiên là nghe và nói, khởi đầu là nghe và bắt chước lại được đúng cách phát âm và ngữ điệu. Con học cách nói các câu đơn giản và các câu trao đổi hàng ngày trước đến khi thật quen thuộc. Sau đó con học sight words để có thể nhận biết từ, và cuối cùng mới là học viết chữ. Với trình tự học này, các con có thể bắt đầu học từ rất nhỏ, từ lúc chưa biết nói thì được nghe ngoại ngữ thông qua các bài hát tiếng Anh, lúc tập nói thì bắt chước nói theo, các con lớn hơn thì mới cần học đọc và viết.
Chị có chia sẻ, Nhã Uyên tự học tiếng Pháp qua tiếng Anh, con làm thế nào để có thể tự học như vậy khi còn rất nhỏ? Bố mẹ hỗ trợ và định hướng con như thế nào?
- Mình tạo điều kiện để bé làm quen với việc tự học rất nhiều. Mình cài các apps điện thoại học ngoại ngữ và từ điển để con tự tra từ, hoặc tự search google trên máy tính khi có chủ đề không biết. Khi con có vốn tiếng Anh đủ khá rồi (con có thể đọc hiểu rất nhiều truyện dài bằng tiếng Anh) thì con có thể dùng tiếng Anh để học các ngôn ngữ khác hoặc các môn học khác. Có rất nhiều tài liệu học các bộ môn rất hay, nhưng lại bằng tiếng Anh. Hiện tại thì Nhã Uyên học tiếng Pháp trên videos, apps và sách bằng tiếng Anh khá thoải mái.
Để con luôn hào hứng với việc học và tìm hiểu những điều mới mẹ, mẹ Nhã Uyên để con trải nghiệm việc học qua các trò chơi, ứng dụng hoặc các bài hát. (Ảnh: NVCC)
Dường như đối với Nhã Uyên, việc học ngoại ngữ cũng giống như là đang chơi vậy, điều này có đúng không ạ?
- Đối với chính con thì đúng, vì con thực sự rất yêu thích ngoại ngữ, và các hình thức học cũng rất thú vị, không phải ngồi viết nhiều hay là làm bài tập ngữ pháp, mà thông qua truyện đọc, truyện tương tác, video, chơi games, hát hò... rất nhiều nên con luôn thấy vui vẻ mỗi khi đến giờ học.
Nhìn vào lịch tập đàn và học ngoại ngữ hàng ngày của Nhã Uyên quá “khủng”: từ 7-8 tiếng, chị có nghĩ như vậy là hơi quá tải với một em bé 5 tuổi không? Làm thế nào để giúp con duy trì đam mê của mình đều đặn như vậy?
- Thời gian học như vậy thực sự là quá tải đối với một em bé 5 tuổi nói chung. Riêng với Nhã Uyên, việc học này giống như một trò chơi. Bé thực sự vui thích với nó, tự nguyện “thực hành” đầy sung sướng, đồng thời lại không phải chịu một chút áp lực nào về việc phải đạt được thành tích hay kì vọng gì từ ba mẹ, thì với chính bản thân bé lại không quá tải chút nào.
Ngoài ra, mình biết rằng thường thì các em bé rất hiếm khi có thể ngồi tập trung đủ lâu dù thích hay không. Để được như vậy thì bé trước tiên cũng cần được rèn luyện khả năng tập trung, khả năng suy nghĩ đủ sâu, đủ lâu để sau này bé có thể học một cách hiệu quả.
Vì vậy, ngay từ khi gần 4 tuổi, bé đã được luyện tập với môn cờ vua một cách cẩn thận và bài bản. Khi bé được huy chương bạc giải cờ vua lứa tuổi mẫu giáo (lứa tuổi 5-6) toàn tỉnh Lâm Đồng (trong cuộc thi từ sáng đến chiều) thì cũng là thời điểm ba mẹ bé biết được rằng bé có thể tập trung đủ lâu, đủ sâu cả vài tiếng đồng hồ cho một chủ đề nếu bé muốn.
Trên thực tế, bé có thể tự nghỉ bất kì lúc nào sau khi cảm thấy mệt hoặc chán.
- Việc học ngoại ngữ và năng khiếu của Nhã Uyên ảnh hưởng và có tác động như nào đối với các anh chị em khác trong gia đình ạ?
Nhã Uyên có chị gái và em trai. Tác động rõ nét nhất là bé có thể cùng chị gái nói chuyện tiếng Anh với nhau như bình thường mỗi khi chơi đồ hàng, nên một cách tương hỗ hai chị em cùng nhau tập luyện tiếng Anh. Bé cũng có thể giúp ba mẹ dạy em trai mới một tuổi rưỡi tập làm quen với tiếng Anh mỗi khi trông và chơi với em giúp mẹ. Bé chơi đàn thì cả nhà đều vui vẻ.
Các tác động khác kiểu như thúc đẩy chị em trong nhà thì không có vì về cơ bản, mỗi chị hay em sẽ đều có năng khiếu riêng và được tạo điều kiện thúc đẩy riêng, nên không có sự cạnh tranh phấn đấu hơn thua hay “cần làm gương để học hỏi” với nhau.
Hiện nay cho con học tiếng Anh sớm, thậm chí từ 0 tuổi là xu hướng được nhiều bố mẹ theo đuổi. Quan điểm của chị về điều này như thế nào ạ?
- Nếu có đủ điều kiện về thời gian, tiền bạc và công sức thì cho con học tiếng Anh sớm, ngay cả từ 0 tuổi cũng tốt lắm chứ. Mình tin rằng thông thường hoặc là mình đánh giá quá thấp năng lực hoặc ngược lại, đánh giá quá cao năng lực của con mình, hoặc của khả năng “tạo điều kiện” dạy con của ba mẹ bé (chính là mình). Rất khó để đánh giá đúng.
Vì thế mình cứ nên thử đủ cách và nên làm hết sức mình trong khả năng, rồi tùy vào năng lực hấp thụ của con mình mà nương theo đó cho bé học. Không nên kì vọng vào con và vào chính mình quá, nếu con giỏi thì tuyệt vời, nếu con chưa giỏi, cũng không sao cả. Việc kì vọng lớn sẽ tạo áp lực khủng khiếp lên bản thân con và chính cả mình nữa. Lúc đó cuộc sống của mình và hành trình vào đời của bé sẽ biến thành địa ngục.
Mình rất khâm phục các bà mẹ có thể dạy con từ 0 tuổi . Làm được vậy cần rất nhiều nỗ lực và năng lực ở đủ mọi cấp độ và khía cạnh. Bản thân mình thì chưa làm được như vậy.
Bé Nhã Uyên (ngoài cùng bên trái) đi chơi cùng chị gái và em trai. (Ảnh: NVCC)
Chị có bí quyết gì để khơi dậy đam mê cũng như hào hứng của con đối với việc học không?
Theo suy nghĩ của mình thì rất khó hoặc là không thể khơi dậy đam mê của bé nếu từ tính cách gốc, bé không có khuynh hướng thiên về đam mê đó. Nếu bé rất thích vẽ mà không thích đàn, thì không thể khơi dậy đam mê học đàn được, và ngược lại. Nếu bé không thích ngôn ngữ, mà thích lắp ráp đồ chơi lego, tư duy thuần logic thì cũng không thể khơi dậy đam mê học ngôn ngữ. (Thay vì vậy, hãy khơi dậy đam mê vẽ hoặc lắp lego, chơi cờ hoặc học lập trình cho bé.)
Vì thế điều quan trọng là phải quan sát cẩn thận các khuynh hướng và sở thích của mỗi bé, cho con thử nghiệm các ý tưởng, các bộ môn xem bé có thích đủ lâu, có ham mê đủ lâu, và có sự “tinh tế” nào đó trong đó hay không. Em bé nào cũng có ít nhất 1 vài điều đặc biệt. Và khi biết được khuynh hướng hay sự “khéo léo” của con trong bộ môn đó rồi, thì việc khơi dậy đam mê lại vô cùng dễ dàng. Nhiều khi chỉ cần đơn giản là cho con thêm thời gian, tạo thêm môi trường cho con tiếp xúc với bộ môn đó và tự niềm đam mê bẩm sinh của con sẽ được trỗi dậy. Các ý tưởng hiện thực hóa cho 1 bộ môn với các em bé thì vô cùng nhiều, và rất phổ biến, tìm ở đâu cũng có.
Lúc đó, các em bé sẽ tự tiến bộ vượt bậc, mà ba mẹ cũng sẽ nhàn hơn, lại rất vui vẻ cả nhà, không mấy khi phải ép buộc gì.
Cảm ơn chị về những chia sẻ vô cùng bổ ích.
Trí thức trẻ/ afamily