MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẹ Việt ở Úc lý giải: Vì sao học sinh nước này học theo kiểu "đuổi bướm hái hoa" nhưng nhiều em ra đời vẫn thành công?

31-07-2023 - 19:05 PM | Sống

Theo chị Hằng, học sinh ở Úc, nếu không phải là học lớp chọn (Opportunity classes) hay trường chuyên (Selective schools) thì việc học hành khá là nhàn.

Khi mới sang Úc vài năm, mẹ chồng chị Hoàng Hằng, (giáo viên mầm non tại Úc, đồng thời là chủ kênh Youtube Hey, Hằng - chia sẻ những phương pháp học tập hiệu quả cho học sinh, sinh viên), từng nhận xét: “Học sinh ở đây không đi học mà là đi đuổi bướm hái hoa! Học hành gì mà về nhà chẳng thấy làm bài tập!”. Xong có lúc bà lại băn khoăn: “Cứ thế này thì lớn lên chúng nó làm gì có nhiều kiến thức trong đầu, thi Đại học thế nào được nhỉ?”.

Theo chị Hằng, học sinh ở Úc, nếu không phải là học sinh lớp chọn (Opportunity classes) hay trường chuyên (Selective schools) thì việc học hành khá là nhàn. Ấy vậy mà khi các em lớn lên, khối lượng kiến thức trong đầu không hề ít ỏi, rất nhiều người lớn có thể sẽ ngạc nhiên và bất ngờ khi giao tiếp cùng các em.

Mẹ Việt ở Úc lý giải: Vì sao học sinh nước này học theo kiểu "đuổi bướm hái hoa" nhưng nhiều em ra đời vẫn thành công? - Ảnh 1.

Con gái chị Hằng (ngoài cùng bên trái) là một trong những người đạt số điểm tuyệt đối tại kỳ thi đại học toàn nước Úc.

Vậy cách dạy và học ở các trường học Úc có những đặc điểm gì nổi bật? Tại sao học hành có vẻ “nhàn tênh” như vậy mà khi ra đời những học sinh đó vẫn thành công, thậm chí thành công hơn những học sinh ngày đêm mải miết ôn bài, ôn tới mức học thuộc lòng cả bộ sách luyện thi?

Theo chị Hằng, thực ra không có ai đi “hái hoa bắt bướm” cả ngày theo nghĩa đen mà vẫn học giỏi được cả vì thành công không đến với những người lười biếng. Sự “nhàn tênh” trong học tập ở đây được thể hiện qua chương trình học, phương pháp dạy và phương pháp học.

Ở một số trường công, và chủ yếu là tại khu vực gia đình chị Hằng sinh sống, thủ đô Canberra, việc học nhìn qua tưởng như không có gì nhưng thực sự về bản chất lại khai thác một cách cực kỳ hiệu quả năng suất hoạt động của não bộ học sinh.

Chương trình học, phương pháp dạy và phương pháp học "nhàn tênh"

"Trong suốt những năm các con mình học lớp 7 - lớp 10, mình chưa hề mua cho con một cuốn sách giáo khoa nào. Tiệm sách cũng có bán sách cho học sinh nhưng số lượng rất ít và chủ yếu là sách tham khảo, giáo viên không dùng những tài liệu này để dạy trên lớp. Nghĩa là ngày nào đi học con cũng chỉ đeo một cái ba lô nhẹ tênh, trong đó có vài dụng cụ học tập, một hai cuốn vở và thức ăn sẽ là thứ chiếm chỗ nhiều nhất trong chiếc ba lô đó.

The Australian Curriculum - Chương trình giảng dạy của Úc cung cấp cho các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh một hiểu biết rõ ràng về những gì học sinh nên học chứ không bắt buộc nhà trường phải áp dụng chính xác một bộ sách giáo khoa nào.

Chẳng hạn như học sinh lớp 9 của một trường chuyên ở Sydney chỉ được phát 2 cuốn sách giáo khoa môn Toán và Khoa học, các môn còn lại không có. Trong khi đó, ở trường High school của con mình trừ môn ngoại ngữ ra thì hoàn toàn không dùng một cuốn sách giáo khoa nào khác", chị Hằng chia sẻ.

Vì thế sẽ không lạ nếu như một phụ huynh có con học phổ thông ở Úc khi được hỏi là con mình học gì ở trường công, họ có thể trả lời là “Tôi không biết!”. Không phải vì họ không quan tâm chu đáo đến việc học của con, mà vì ở đây không có một “công thức chung” trong bài giảng và phụ huynh cũng không thể nắm được tuần tới bài học cụ thể trên lớp của các con là gì.

Phụ huynh chỉ có thể biết thông tin về bài giảng sau khi trò chuyện hỏi han con, và thực sự chỉ có thể nhớ được một cách khá chung chung, chẳng hạn như kỳ này con học về Tốc độ phản ứng hóa học (môn Hóa), Lực (môn Vật lý), Thế hệ bị đánh cắp (môn Lịch sử)...

Phụ huynh nào muốn biết kỹ lưỡng hơn về bài học của con ở trường thì có thể hỏi con password (mật khẩu) để log in (đăng nhập) vào tài khoản google classroom. Tuy nhiên ở đây chẳng có mấy đứa trẻ cảm thấy thoải mái nếu bị cha mẹ quản lý một cách chặt chẽ đến mức như vậy.

Chị Hằng chia sẻ, cách giảng dạy mới mẻ ở đây cũng từng khiến chị thấy bỡ ngỡ: "Nhớ lại hồi con vào học cấp 1, mình cứ loạn lên đi tìm mua SGK cho con mà không có ở đâu bán cả. Thực sự hồi đó mình rất stress vì không biết con học gì trên lớp. Cho đến sau này quen dần đi thì không còn nghĩ đến việc đó nữa.

Có lần cả nhóm bạn con mình đến nhà chơi, mình có hỏi ý kiến là các con thấy thế nào khi đi học không có SGK, nó có gây ra khó khăn gì không? Các bạn ấy trả lời là cảm thấy bình thường, khi cần ôn tập cứ giở ghi chú ra xem và lên internet học thêm là được. Lúc đó mình nghĩ có lẽ các con không stress mà là chính mình stress vì không có SGK.

Bên cạnh đó, chuyện giáo viên ở bên này không thông báo với gia đình về việc con học hành như thế nào thì cũng gây ra nhiều bất tiện cho phụ huynh. Có hồi mình chủ quan không quan tâm nhiều đến việc học của con, sau đó mới tá hỏa khi nhận được điểm tổng kết cuối kỳ. Sau cú sốc đó mình trò chuyện với con nhiều hơn để biết về bài vở của con, cùng con vào google classroom để xem lời phê của thầy cô sau mỗi bài kiểm tra/ bài tập về nhà, từ đó mà nắm được con cần tập trung thêm ở điểm nào".

Chị Hằng cho rằng, việc phụ huynh không được phép biết số điện thoại của thầy cô là để tránh việc gọi điện làm phiền thầy cô ngoài giờ học. Nếu có chuyện muốn liên lạc với giáo viên thì phụ huynh phải thông qua nhà trường trước để xin email hoặc nhà trường sẽ chuyển giúp thông tin tới cho giáo viên.

Trước buổi họp phụ huynh thì mỗi người sẽ vào mạng đăng ký một khung giờ riêng và sau đó được trao đổi với giáo viên trong khoảng 6 phút. Vì thời gian họp riêng biệt như thế nên nhà này sẽ không rõ được thông tin của nhà khác, không biết học sinh trong lớp ai giỏi hơn, ai kém hơn trừ khi nghe từ miệng của chính con mình. Mà các con cũng chỉ thỉnh thoảng mới biết điểm số của bạn bè thân thiết do các bạn tự nói ra, chứ không ai tò mò hỏi điểm của các bạn khác trong lớp.

Chính vì vậy mà các con chơi với nhau phần lớn là vô tư, không quan tâm hay ganh đua với điểm số của bạn; và phụ huynh có con học kém cũng không cảm thấy có gì phải tự ti khi gặp phụ huynh khác vì vấn đề điểm số không phải là thứ họ quan tâm nhất.

Học sinh phổ thông sẽ học được kiến thức gì khi đến trường?

Chị Hằng kể, hồi còn học ở trường phổ thông, chị sợ nhất là môn Lịch sử, tới lúc là sinh viên khoa Văn Đại học Sư Phạm Hà Nội, lại sợ môn Địa lý do trí nhớ khá kém, chẳng bao giờ học thuộc lòng được các sự kiện lịch sử diễn ra vào ngày tháng nào hay nhớ nổi vị trí chính xác của các nước trên bản đồ thế giới.

Còn hiện tại, con chị bây giờ đi học không bị cảm giác sợ hãi một số môn học giống như mẹ ngày đó. Lý do là vì con không cần phải học thuộc ngày tháng diễn ra của các sự kiện lịch sử (tất nhiên là vẫn nên nhớ vài mốc quan trọng ví dụ như Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai bùng nổ vào năm nào…).

Điều con cần biết khi học bộ môn này chính là để hiểu tại sao sự kiện đó xảy ra, nó xảy ra như thế nào, ở đâu, do ai gây ra, sự kiện này có tác động/ có ý nghĩa gì đối với thế giới/quốc gia.

Trong suốt những năm học ở High school, năm nào các con cũng đều được học môn Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được dạy luân phiên giữa 2 semester (học kỳ) của năm (học kỳ 6 tháng). Nếu 6 tháng đầu học Lịch sử thì học kỳ sau sẽ học môn Địa lý, và thông thường hai môn học này sẽ do cùng một giáo viên đảm nhiệm.

Đề bài thi môn Lịch sử

Bài thi môn Lịch sử của học sinh ở High school hay thường gặp phải là: Sử dụng OPVL source analysis (Origin, Purpose, Value and Limitation - Nguồn gốc, Mục đích, Giá trị và Hạn chế) để phân tích một bức tranh, một tấm hình hoặc nhiều tấm hình hoặc một bài báo/ đoạn trích trong một bài báo có liên quan đến một sự kiện lịch sử.

OPVL là một kỹ thuật để phân tích các tài liệu lịch sử. Với các bài thi như thế này, học sinh không cần phải học thuộc các chi tiết về ngày tháng mà chủ yếu sử dụng tư duy logic để phân tích tài liệu kết hợp với kỹ năng viết và quan sát.

Ví dụ như kỳ này học sinh đang học về Chiến tranh Thế giới thứ hai, thì đề thi của các con có thể sẽ là bài phân tích một tấm áp phích về người phụ nữ với khẩu hiệu: “We can do it!”. Trong đề bài giáo viên chỉ cung cấp cho học sinh một chi tiết - đó là nguồn và thời gian phát hành tấm áp phích.

Mẹ Việt ở Úc lý giải: Vì sao học sinh nước này học theo kiểu "đuổi bướm hái hoa" nhưng nhiều em ra đời vẫn thành công? - Ảnh 2.

Tấm áp phích về người phụ nữ với khẩu hiệu: “We can do it!”

Vậy học sinh sẽ trả lời câu hỏi như thế nào? Dưới đây là một ví dụ tham khảo.

“Vì tấm áp phích có niên đại từ năm 1942 đến năm 1943, điều này cho thấy nguồn gốc của tấm áp phích là từ Thế chiến thứ hai. Phần thông tin phía dưới bên phải của tấm áp phích cũng nói rằng nó được tạo ra bởi J. Howard Miller và được phát hành bởi Westinghouse cho Ủy ban Điều phối Sản xuất Thời chiến.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, việc hàng triệu nam giới phải gia nhập quân đội Mỹ gây ra tình trạng thiếu nhân lực trong lực lượng lao động trong khi nhu cầu về các công việc thời chiến ngày càng tăng lên. Điều này dẫn đến việc phụ nữ phải rời bỏ nhiệm vụ nội trợ để đảm nhận các công việc thời chiến trong các ngành công nghiệp quốc phòng và hỗ trợ quốc gia trong thời chiến.

Do đó, tấm áp phích này có thể được tạo ra với mục đích thúc đẩy chương trình nghị sự về việc phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Nó được thể hiện rõ qua hình minh họa một người phụ nữ mặc đồng phục lao động, quấn khăn buộc tóc gọn gàng và một huy hiệu trên cổ áo ghi “Westinghouse Electric” nghe giống như tên của một công ty.

Những yếu tố về của trang phục của người phụ nữ đem đến gợi ý rằng cô ấy là một công nhân chứ không phải là một bà nội trợ như tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Người phụ nữ cũng đang uốn bắp tay và dòng chữ "Tôi có thể làm được!" thúc đẩy ý tưởng rằng phụ nữ cũng có sức mạnh và năng lực để làm những công việc mà thường chỉ nam giới tham gia trong thời kỳ đó.

Mục đích của việc thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động là rất rõ ràng, tuy nhiên nó mang thành kiến vì đây là quan điểm được truyền tải từ các công ty. Vì “Westinghouse for the War Production Co-Ordinating Committee” có khả năng có mối liên kết với “Westinghouse Electric” vì cả hai đều có tên “Westinghouse”.

Điều này có nghĩa là Ủy ban Điều phối Sản xuất Thời chiến sẽ ủng hộ phụ nữ đi làm - có nhiều hơn nhân viên lao động vào thời điểm đó đồng nghĩa với việc đem đến lợi ích cho Westinghouse Electric. Do đó, tấm áp phích này không miêu tả sự thật, mà là áp phích mang tính chất tuyên truyền vì nó thúc đẩy quan điểm chính trị rằng phụ nữ nên tham gia sản xuất, giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành để hỗ trợ quân đội.

Giá trị của tấm áp phích này là ở chỗ nó cung cấp thông tin liên quan đến một quan điểm chính trị trong Thế chiến thứ hai cũng như cách thức thúc đẩy hoặc quảng cáo thông qua tuyên truyền. Phụ nữ được nhìn nhận như là một lực lượng quan trọng của nền kinh tế và hỗ trợ đất nước trong thời chiến, đồng thời phụ nữ có khả năng làm những công việc thường được coi là công việc của "nam giới".

Tuy nhiên, có những hạn chế đối với tấm áp phích này vì nó không hẳn đáng tin cậy. Áp phích là một hình thức tuyên truyền, nghĩa là nó mang tính tính thiên vị và chủ quan. Nó ủng hộ việc phụ nữ tham gia lực lượng lao động vì vào thời điểm đó các công ty cần nhiều lao động hơn, bao gồm cả Westinghouse Electric.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy ý kiến của công chúng và phụ nữ nói chung về chủ đề này, vì thế kiến thức có thể thu được từ áp phích có phần hạn chế. Ngoài ra, không có bằng chứng thực tế nào chứng minh cho lập trường này nên tấm áp phích thiếu tính khách quan".

Qua ví dụ về bài kiểm tra môn Lịch sử ở trên, chúng ta có thể đoán được ngay được tại sao phần lớn học sinh ở đây không sợ học môn Lịch sử. Vì chúng không bị bắt buộc phải học thuộc lòng, chúng học để hiểu và áp dụng kiến thức đó vào lập luận và phân tích tài liệu; và trên một khía cạnh nào đó, phải nói rằng những đề bài kiểm tra như thế này thật thú vị vì nó gần gũi với cuộc sống.

Đề bài thi môn Kinh tế

Còn đây là một ví dụ về câu hỏi học sinh có thể gặp phải khi học môn Kinh tế:

Giả sử chủ đề học sinh đang học trên lớp là về Lãi suất ngân hàng trung ương (lãi suất qua đêm). Kiến thức bạn sẽ học được từ lớp sẽ là: “Thuật ngữ Lãi suất ngân hàng Trung ương có thể được định nghĩa là lãi suất mà các ngân hàng phải trả để vay vốn từ các ngân hàng khác qua đêm và được quy định bởi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA).

Lãi suất do các ngân hàng thương mại ấn định nhìn chung sẽ tăng giảm theo lãi suất ngân hàng Trung ương. Ví dụ, nếu lãi suất ngân hàng Trung ương tăng, lãi suất ngân hàng thương mại sẽ tăng và ngược lại".

Trong bài kiểm tra của học sinh sau đó sẽ xuất hiện câu hỏi mở rộng dựa trên những gì các em đã được học ở trên. Tức là học sinh không thể chỉ dựa vào việc học thuộc lòng kiến thức đã biết mà cần phải suy nghĩ sâu hơn. Trong trường hợp này, câu hỏi có thể sẽ là: “Sử dụng kiến thức của bạn để giải thích tại sao lãi suất ngân hàng Trung ương cao hơn thường tương quan với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn?”.

Và dưới đây sẽ là một ví dụ về cách trả lời:

“Lãi suất ngân hàng Trung ương (Lãi suất qua đêm) được định nghĩa là lãi suất mà các ngân hàng phải trả để vay tiền qua đêm và nó thường ảnh hưởng đến lãi suất mà các ngân hàng thương mại đặt ra. Lãi suất ngân hàng Trung ương tăng có thể sẽ gây ra sự gia tăng lãi suất. Điều này có nghĩa là việc vay mượn trở nên đắt hơn và nó sẽ mang tới hai tác động chính, đó là:

Thứ nhất, lãi suất cao hơn làm gia tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp nên ngân quỹ để thuê và trả lương cho người lao động bị giảm, điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Thứ hai, lãi suất ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì họ sẽ giảm bớt chi tiêu do chi phí vay nợ tăng, đặc biệt là khoản vay mua nhà. Khi người tiêu dùng giảm chi tiêu tức là lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm.

Doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu giảm đi bằng cách giảm bớt sản xuất, dẫn đến việc thuê ít nhân viên hơn và thậm chí sa thải nhân viên, góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Do đó, lãi suất ngân hàng Trung ương cao hơn thường gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao hơn do các khoản vay trở nên đắt hơn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng".

Như vậy, kiến thức mà học sinh được học trên lớp đã được các em áp dụng vào thực tế cuộc sống, dùng tư duy logic để phân tích vấn đề. Như vậy, giáo viên không chỉ dạy học sinh kiến thức mà quan trọng nữa là dạy các em cách suy nghĩ, phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Và vì mỗi học sinh có những khả năng khác nhau và sự nỗ lực khác nhau nên kết quả cuối cùng vẫn là có người sử dụng được hiệu quả những bài giảng của giáo viên, có người không.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ số

Trở lên trên