MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mệt mỏi tuổi 20 ai cũng trải qua: Cuộc đời như ở giữa đại dương không xác định với lời khuyên mơ hồ 'Hãy theo đuổi giấc mơ của mình'

25-10-2018 - 20:10 PM | Sống

Nhà phân tâm học Erik Erikson từng nói: Tuổi trẻ không phải để tìm kiếm sự thừa nhận của người khác mà là để tìm kiếm những cách thức mới nhằm trực tiếp đối mặt với những gì thực sự quan trọng.

Những người trẻ ở giữa đại dương

Ian nói với tôi rằng những năm tháng tuổi 20 của cậu giống như ở giữa đại dương, giữa một vùng nước lớn không xác định. Cậu không thấy đất liền, nên không biết cần đi về hướng nào. Cậu cảm thấy choáng ngợp trước viễn cảnh mình có thể bơi đến bất kỳ đâu hoặc làm bất kỳ điều gì. Cậu cũng đồng thời cảm thấy tê liệt trước sự thực rằng cậu không biết điều nào trong số những điều bất kỳ được coi là lựa chọn đúng đắn. Mệt mỏi và vô vọng ở tuổi 25, cậu nói rằng cậu đang đạp nước tại chỗ để có thể sống sót.

Khi nghe Ian nói, tôi cũng bắt đầu cảm thấy có chút vô vọng.

Như các nhà tâm lý học nói, tôi cố gắng "nắm bắt được rằng khách hàng của mình đang ở đâu", nhưng so sánh ẩn dụ của Ian là một vấn đề thực sự. Khi tôi tưởng tượng cảnh mình cũng ở ngoài đại dương cùng với cậu, với quá nhiều phương hướng có vẻ rất giống nhau, tôi cũng không thể tìm ra giải pháp.

"Người ta thoát khỏi đại dương như thế nào?" Tôi hỏi Ian, để xem cậu có biết cách ngừng đạp nước hay không.

"Tôi không biết," cậu nói, quay đầu khi đang suy nghĩ chăm chú. "Tôi nghĩ là cần chọn một hướng và bắt đầu bơi. Nhưng tôi lại thấy vô định và chẳng biết nên đi hướng nào. Tôi thậm chí còn không biết liệu mình có đang hướng về một cái gì đó không. Vậy tại sao lại sử dụng hết năng lượng để đi sai đường? Tôi đoán tất cả những gì tôi có thể làm là hy vọng ai đó sẽ đến trên một con thuyền hay một thứ đại loại như vậy," Ian nói, gần như đã nhẹ lòng.

Có một nỗi khiếp sợ nhất định đi cùng với câu nói "Cuộc đời của tôi phụ thuộc vào tôi". Thật đáng sợ khi nhận ra rằng không có phép màu nào cả, bạn không thể chỉ chờ đợi, không ai có thể thực sự cứu thoát bạn và tự bạn phải làm một điều gì đó. Không biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình – hoặc ít nhất là không có chút khái niệm nào về việc cần làm tiếp theo – là cách bảo vệ mình khỏi nỗi sợ ấy. Đó là sự kháng cự vì không muốn thừa nhận rằng các khả năng không phải là vô tận. Đó là một cách giả vờ rằng hiện tại chẳng hề quan trọng. Bối rối trước các lựa chọn chẳng khác gì hy vọng rằng sẽ có cách để sống mà không cần chịu trách nhiệm.

Thay vì chịu trách nhiệm, Ian hy vọng ai đó sẽ đến, vực cậu dậy và đưa cậu đến một hướng đã xác định. Điều này vẫn luôn xảy ra. Có lẽ Ian sẽ nhảy lên thuyền với một nhóm bạn hoặc cô bạn gái nào đó. Cậu sẽ đi theo họ một thời gian và lơ đãng khỏi cuộc đời của mình thêm một thời gian nữa. Nhưng tôi biết điều này sẽ kết thúc như thế nào. Một ngày cậu sẽ thức dậy ở một mảnh đất xa lạ, làm một công việc hoặc ở một nơi không hề liên quan đến Ian. Cậu sẽ ở cách xa cuộc sống mà cậu đột nhiên nhận ra là mình thèm muốn.

Với ẩn dụ về đại dương, Ian đang tự lừa mình rằng chẳng có cuộc đời nào mà cậu muốn sống cả. Điều đó giống như cậu không có quá khứ hay tương lai và chẳng có lý do gì để đi hướng này hay hướng khác. Cậu không suy nghĩ về những năm tháng mình từng sống từ trước tới giờ và cũng chẳng nghĩ về những năm tháng trước mắt. Như cậu nói, điều này khiến cậu không thể hành động. Bởi Ian không biết rằng những người trong độ tuổi 20 tự đưa ra quyết định của mình đều hạnh phúc hơn những người còn đang đạp nước, cậu tự làm mình bối rối. Điều này rất dễ mắc phải.

Mệt mỏi tuổi 20 ai cũng trải qua: Cuộc đời như ở giữa đại dương không xác định với với lời khuyên mơ hồ Hãy theo đuổi giấc mơ của mình - Ảnh 1.

Lời khuyên mơ hồ: Hãy theo đuổi giấc mơ của mình

Ian dành thời gian bên những người không quyết đoán. Tại cửa hàng xe đạp mà cậu làm việc, bạn bè cậu quả quyết rằng cậu chưa cần ra quyết định vội – "Chúng tôi cũng vậy mà!" họ hào hứng. Trong giờ làm, họ bàn bạc rất nhiều về việc không bao giờ ổn định và phản bội bản thân, nhưng họ lại ổn định với tình trạng bán thất nghiệp và phản bội tương lai của chính mình. Tôi ngờ rằng Ian đang ở văn phòng của tôi vì bằng cách nào đó cậu biết rằng những cuộc trò chuyện kia đầy những lời dối trá không chủ đích.

Khi Ian tìm đến cha mẹ để xin lời khuyên về cuộc đời mất phương hướng của mình, cậu lại phải nghe những lời nói dối khác. Cha mẹ cậu nói, "Con là tuyệt nhất! Không có điều gì là không thể!" Họ nhắc cho cậu nhớ rằng cậu có thể làm mọi thứ một khi đã quyết tâm. Họ không hiểu rằng sự khuyến khích thiếu rõ ràng này chẳng có ích gì. Nó không mang đến sự can đảm mà là sự bối rối.

Những người trong độ tuổi 20 như Ian được nuôi lớn bằng những mệnh lệnh mơ hồ – "Hãy theo đuổi những giấc mơ của mình!", "Hãy vươn đến những vì sao!" – nhưng thường họ không biết làm thế nào để làm được những điều đó. Họ không biết làm thế nào để đạt được những gì mình muốn, hoặc thậm chí họ cũng chẳng biết mình muốn gì. Như Ian nói, gần như tuyệt vọng, "Mẹ tôi nói với tôi và tất cả mọi người nghĩ rằng tôi tuyệt vời đến thế nào và bà tự hào về tôi ra sao. Tôi chỉ muốn nói: ‘Vì cái gì cơ chứ? Chính xác thì điểm mạnh của con là gì?’"

Thay vì mù quáng tin vào lời khen của mẹ, từ lâu Ian đã cảm thấy những lời của bà quá chung chung và không có nhiều ý nghĩa. Cậu cảm thấy bị lừa – và có lý do để chứng minh cho suy nghĩ đó. Cuộc sống không phải là vô hạn và Ian cũng vậy. Những người ở độ tuổi 20 thường nói họ ước mình có ít lựa chọn hơn, nhưng tại thời điểm này, Ian không có nhiều lựa chọn như mọi người nói. Và cậu càng chờ đợi để bắt đầu thì lựa chọn của cậu sẽ càng ít đi.

Mệt mỏi tuổi 20 ai cũng trải qua: Cuộc đời như ở giữa đại dương không xác định với với lời khuyên mơ hồ Hãy theo đuổi giấc mơ của mình - Ảnh 2.

Bàn thử mứt

Có một nghiên cứu kinh điển trong ngành tâm lý học mang tên thí nghiệm mứt. Thí nghiệm này được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Sheena Iyengar tại Đại học Stanford, người đã nảy ra ý tưởng rằng cửa hàng tạp hóa sẽ là nơi lý tưởng để tìm hiểu cách con người đưa ra các lựa chọn. Những trợ lý nghiên cứu của Iyengar giả làm người bán mứt và đặt các mẫu mứt trên bàn ăn thử tại một cửa hàng có nhiều thực khách sành ăn.

Trong một điều kiện thí nghiệm, 6 vị mứt sẽ được bày để khách hàng nếm thử: đào, anh đào đen, nho Hy Lạp đỏ, cam, kiwi và sữa đông vị chanh. Một điều kiện thí nghiệm khác là trong 24 vị mứt được đưa ra có 6 vị nêu được trên và 18 vị khác. Ở cả hai trường hợp, khách hàng nếm thử mứt có thể dùng phiếu mua hàng để mua một hộp mứt với giá thấp hơn.

Phát hiện quan trọng của nghiên cứu là trên bàn có 24 mẫu thử thu hút nhiều sự chú ý hơn nhưng kết quả lại ít người mua hơn. Khách hàng kéo đến rất đông, nhưng phần lớn trở nên choáng ngợp và không hề mua loại mứt nào. Chỉ 3% số khách hàng đến bàn bày 24 mẫu thử thực sự mua mứt. Ngược lại, những khách hàng đến bàn có 6 vị mứt dễ dàng quyết định nên mua lọ mứt nào và khoảng 30% trong số họ đã mua mứt.

Mệt mỏi tuổi 20 ai cũng trải qua: Cuộc đời như ở giữa đại dương không xác định với với lời khuyên mơ hồ Hãy theo đuổi giấc mơ của mình - Ảnh 3.

Tuần tiếp theo, tôi kể cho Ian về thí nghiệm mứt và nói ra băn khoăn của mình rằng liệu cậu có cảm thấy bị choáng ngợp trước những khả năng lựa chọn đầy tham vọng của cuộc đời hay không.

"Tôi có cảm thấy bị ngợp trước suy nghĩ rằng tôi có thể làm mọi thứ với cuộc đời mình," cậu nói.

"Vậy thì hãy cụ thể nhé. Hãy nói về việc chọn mứt," tôi đề nghị.

"Tôi đang ở bàn bày 6 mẫu mứt hay là 24 mẫu đây?" cậu hỏi.

"Đó là một câu hỏi xuất sắc. Tôi nghĩ rằng một phần của việc ra quyết định ở độ tuổi 20 là nhận ra rằng chẳng hề có cái bàn bày 24 vị mứt nào cả. Đó là chuyện hoang đường."

"Tại sao đó lại là chuyện hoang đường?"

"Những người trong độ tuổi 20 nghe mọi người nói rằng họ đang đứng trước một chuỗi những lựa chọn vô tận. Nghe mọi người nói rằng cậu có thể làm bất cứ điều gì hay đi bất cứ đâu cũng giống như đang ở trong đại dương mà cậu miêu tả. Nó giống như đang đứng trước cái bàn bày 24 mẫu mứt. Nhưng tôi chưa từng gặp người nào trong độ tuổi 20 mà có trong tay 24 lựa chọn thực sự khả thi. Mỗi người chỉ có một chiếc bàn bày nhiều nhất là 6 mẫu."

Ian ngây người nhìn tôi, vì vậy tôi tiếp tục.

"Cậu đã dành hơn hai thập kỷ để định hình bản thân. Cậu đã có kinh nghiệm, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, bằng cấp, cản trở và cả ưu tiên. Cậu không phải vừa mới bước chân vào cuộc đời, hay như cậu nói, là vào đại dương. 25 năm qua đều có ý nghĩa. Cậu đang đứng trước 6 vị mứt và cậu biết mình thích vị kiwi hay anh đào đen hơn."

"Tôi chỉ muốn mọi chuyện tốt đẹp," Ian nói. "Tôi chỉ muốn mọi việc thuận lợi."

"Cậu đang làm mọi thứ mơ hồ," tôi thách thức. "Cậu đang trốn tránh không muốn biết những gì mình đã biết."

"Vậy cô nghĩ rằng tôi đã biết mình nên làm gì?"

"Tôi nghĩ là cậu biết điều gì đó. Tôi nghĩ rằng có những hiện thực. Hãy bắt đầu từ đó."

"Vậy đây giống như câu hỏi xổ số."

"Câu hỏi xổ số là gì vậy?" Tôi hỏi.

"Cô biết đấy," Ian tiếp lời, "đó là khi ta tự hỏi ta sẽ làm gì với cuộc đời mình nếu ta thắng xổ số. Khi đó ta sẽ biết mình thực sự muốn làm gì."

"Đó không phải câu hỏi đúng," tôi phản đối. "Đó không phải là hiện thực. Câu hỏi xổ số có thể khiến cậu suy nghĩ về những gì cậu sẽ làm gì khi tài năng và tiền bạc không còn quan trọng nữa. Nhưng thực tế là chúng quan trọng. Câu hỏi mà những người ở tuổi cậu cần hỏi bản thân là họ sẽ làm gì với cuộc sống nếu không trúng xổ số. Cậu có thể làm tốt điều gì để trang trải cho cuộc sống mà cậu mong muốn? Và cậu sẽ yêu thích điều gì đủ để không ngại làm việc đó dù ở hình thức nào trong vài năm tới?"

"Tôi không biết gì về những điều ấy cả."

"Không thể như vậy được."

Trong vòng vài tháng sau, Ian kể cho tôi về những trải nghiệm của cậu ở chỗ làm và ở trường. Trong một khoảng thời gian dài, tôi chỉ lắng nghe. Ian nói và chúng tôi cùng nghe những gì cậu nói. Sau một thời gian, tôi suy ngẫm về những thông tin cụ thể tôi nghe và quan sát được.

Thuở nhỏ, cậu thích vẽ. Tuổi thơ cậu thích chơi LEGO và xây dựng. Cậu bắt đầu với chuyên ngành kiến trúc, nhưng không hoàn thành vì nó cho cậu cảm giác quá xưa cũ. Cậu lấy bằng chuyên ngành khoa học nhận thức vì thích công nghệ và tri giác. Tôi thấy Ian nói rất dễ dàng về mơ ước tạo nên một vài sản phẩm nào đó.

Cuối cùng, Ian suy nghĩ về mọi lựa chọn có vẻ khả dĩ với cậu. Cậu sắp xếp 6 vị mứt rõ ràng, 6 điều cậu có thể sẽ làm tiếp theo.

(Nội dung trích từ cuốn sách Tuổi 20: Những năm tháng thay đổi cuộc đời)

Theo Yên Nhiên

Trí thức trẻ

Trở lên trên