Meta dự định chi 10 tỷ USD làm tuyến cáp quang toàn cầu
Nguồn tin thân cận xác nhận Meta đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang ngầm dưới biển quy mô lớn với chiều dài hơn 40.000 km, kết nối toàn cầu.
Theo báo cáo từ công ty phân tích mạng Sandvine, các nền tảng của Meta, bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp, cùng hàng tỷ người dùng, chiếm 10% lưu lượng truy cập Internet cố định và 22% lưu lượng truy cập di động. Việc đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng mạng tăng cao hơn nữa. Để đảm bảo cơ sở hạ tầng đủ mạnh mẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Meta quyết định tự kiểm soát hệ thống đường truyền của mình.
Dự án này dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 10 tỷ USD. Đặc biệt, Meta sẽ là chủ sở hữu và người sử dụng duy nhất của tuyến cáp ngầm, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của công ty. Ông Sunil Tagare, chuyên gia hàng đầu về cáp quang ngầm, cho biết Meta sẽ khởi đầu với ngân sách khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD khi dự án kéo dài qua nhiều năm.
Các nguồn tin thân cận với Meta xác nhận dự án đang trong giai đoạn đầu. Công ty dự kiến sẽ công bố chi tiết hơn vào đầu năm 2025, bao gồm lộ trình, dung lượng và lý do chiến lược đằng sau việc triển khai dự án này.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng có thể kéo dài nhiều năm trước khi tuyến cáp đi vào hoạt động hoàn toàn. Nguyên nhân là số lượng công ty đủ khả năng thực hiện các dự án hạ tầng lớn, như SubCom, hiện đã kín lịch phục vụ các khách hàng lớn, bao gồm Google. Nhà phân tích ngành công nghiệp cáp biển Ranulf Scarborough nhận định: "Hiện tại, nguồn cung tàu chuyên dụng để lắp đặt cáp rất khan hiếm. Giá thuê tàu đang ở mức cao và đã được đặt trước nhiều năm".
Khi hoàn thành, tuyến cáp này sẽ cung cấp một đường truyền dữ liệu riêng biệt cho Meta trên toàn cầu. Theo các nguồn tin, tuyến cáp dự kiến kéo dài từ bờ biển phía Đông của Mỹ đến Ấn Độ qua Nam Phi, sau đó nối đến bờ biển phía Tây của Mỹ từ Ấn Độ qua Australia, tạo thành hình chữ "W" bao quanh thế giới.
Trong hơn 40 năm qua, cáp quang ngầm đã đóng vai trò nền tảng trong hệ thống truyền thông toàn cầu. Điều quan trọng trong dự án lần này là ai sẽ đầu tư và sở hữu tuyến cáp, cũng như mục đích cụ thể đằng sau đó.
Meta hiện đang đồng sở hữu 16 mạng lưới cáp ngầm, trong đó có tuyến cáp 2Africa - một dự án bao quanh lục địa châu Phi, theo báo cáo từ Telegeography. Được biết, dự án này có sự tham gia của các nhà mạng lớn như Orange, Vodafone, China Mobile, Bayobab/MTN và nhiều đơn vị khác. Meta cùng với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon và Microsoft hiện chỉ tham gia với vai trò đồng sở hữu hoặc người mua dung lượng, thay vì sở hữu toàn phần bất kỳ tuyến cáp nào.
(Theo TechCrunch)
vtv.vn