Metro số 1 chính thức vận hành thương mại
Metro số 1 miễn phí vé 1 tháng. Hành khách dễ dàng tiếp cận với các trạm của metro số 1 bằng xe buýt, xe đạp công cộng và xe điện
- 16-12-2024Cận cảnh loạt cầu bộ hành nối Metro Bến Thành-Suối Tiên
- 14-12-2024Metro số 1 sẵn sàng cho chặng đường mới
- 10-12-2024UBND TPHCM trình 'siêu đề án' metro, đến năm 2045 hoàn thành hơn 350km đường sắt đô thị
Đúng 10 giờ hôm nay (22-12), tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại phục vụ người dân, sau 12 năm xây dựng.
200 chuyến/ngày
Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu 3 toa dài 61,5 m, có thể chở 930 khách. Trong đó, có 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa theo thiết kế là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn hầm). Thời gian tàu chạy một chuyến là 29 phút với lộ trình khoảng 19,7 km, từ Bến Thành đến Suối Tiên (đi qua 14 ga tàu).
Bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị (HURC1) - đơn vị vận hành tàu, cho biết riêng trong ngày 22-12, tàu sẽ vận hành từ 10 giờ. Trong giai đoạn 1 (6 tháng đầu) sẽ vận hành 200 chuyến/ngày với 9 đoàn tàu. Thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ. Thời gian giãn cách 8 phút/chuyến cao điểm và 12 phút/chuyến thấp điểm.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ tăng lên 276 chuyến/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và 226 chuyến/ngày vào các ngày cuối tuần, dịp lễ/Tết, nghỉ hè. Thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ 30 phút. Thời gian giãn cách giờ cao điểm 5-8 phút/chuyến, 10 phút/chuyến lúc bình thường và thấp điểm 15 phút/chuyến.
Về giá vé, trong 30 ngày đầu vận hành, người dân được miễn phí vé đi tàu metro số 1. Sau đó, hành khách đi lại sẽ mua vé với mức cao nhất 20.000 đồng/lượt và thấp nhất 6.000 đồng/lượt. Ngoài ra, hành khách có thể mua vé tháng với mức 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên 150.000 đồng (giảm 50%). TP HCM áp dụng chính sách miễn giảm giá vé cho người có công, người khuyết tật, trẻ em…
Metro số 1 chấp nhận thanh toán giá vé bằng tiền mặt, tiền xu, các loại thẻ ngân hàng trong và ngoài nước. Hành khách cũng có thể sử dụng thẻ ngân hàng sẵn có hoặc thanh toán qua Apple Pay/Google Pay/Samsung Pay để đi tàu.
Nhiều phương thức kết nối với metro
Về việc kết nối, trung chuyển hành khách đến tuyến metro số 1, đại diện HURC1 cho biết có nhiều phương án như hành khách có thể đi xe buýt thông qua hệ thống 17 tuyến xe buýt điện kết nối với các nhà ga của metro hoặc hệ thống xe buýt hiện hữu có lộ trình đi qua các nhà ga. Để tra cứu thông tin các tuyến xe buýt này, người dân vào website buyttphcm.gov.vn hoặc app Go!Bus.
Tại các nhà ga như Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Bến xe Suối Tiên được bố trí các bãi giữ xe nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi metro. Riêng các nhà ga trung tâm như Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son, hành khách có thể tiếp cận đến ga bằng xe đạp công cộng với 45 vị trí được bố trí lân cận các nhà ga. Hành khách cũng có thể đi xe điện 4 bánh Buggy hoạt động theo lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của người dân, giá vé 5.000 - 10.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cũng đầu tư bổ sung mới 23 nhà chờ xe buýt tiếp cận các nhà ga trên trục xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp và 230 điểm dừng cho các tuyến mở mới. Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các hạng mục sơn phết, lắp đặt thiết bị điện, vệ sinh, vách ngăn...
Sạch sẽ, tiện lợi
Cùng con gái trải nghiệm tàu metro số 1 trước ngày tàu vận hành, chị Đặng Thị Dung (ngụ quận Bình Thạnh), chia sẻ: Tàu chạy rất êm, chưa đến 30 phút, hai mẹ con đã có mặt ở Thủ Đức. Con gái tôi liên tục đòi mẹ chụp hình để khoe với bạn bè.
Thường xuyên đi du lịch nước ngoài, chị Lê Vũ Quý Hiền (ngụ quận 3) cho biết tàu metro 1 của TP HCM rất hiện đại, sạch đẹp và tiện ích không thua các tuyến tàu điện của châu Âu. "Đi metro, hành khách có thể thanh toán bằng nhiều hình thức linh hoạt, tích hợp. Tôi rất thích điểm này. Với giá vé hợp lý, sự tiện lợi, metro sẽ dần tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng" - chị Hiền nhận định.
Vào TP HCM công tác dịp này, anh Nguyễn Tấn Phúc (ngụ Hà Nội) cảm thấy may mắn vì được trải nghiệm tuyến metro số 1.
"Tàu điện với tôi thì không mới vì Hà Nội đã có 2 tuyến tàu điện rồi, tôi cũng thường xuyên đi làm, đi chơi bằng tàu điện. Nhưng tàu metro số 1 của TP HCM khác biệt vì tàu đi qua 3 nhà ga ngầm được thiết kế đặc biệt. Tôi rất háo hức trải nghiệm trong ngày 22-12" - anh Phúc nói.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án tàu điện ngầm đầu tiên của TP HCM với tổng mức đầu tư 211,661 tỉ yen (tương đương 43.757,15 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 38.265,55 tỉ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 5.491,6 tỉ đồng.
Dự án đi qua các quận: quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức của TP HCM và một phần đi qua TP Dĩ An - tỉnh Bình Dương.
Tổng chiều dài tuyến là 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, với 14 nhà ga: 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình tại TP Thủ Đức.
Hai lần điều chỉnh, 5 lần gia hạn
Dự án tuyến metro số 1 được UBND TP HCM phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6-4-2007 và điều chỉnh tại Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 21-9-2011.
Dự án qua 2 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư: Từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng vào năm 2011; từ 47. 325 tỉ đồng xuống 43.757 tỉ đồng vào năm 2019. Dự án đã qua 5 lần xin chủ trương lùi mốc thời gian khai thác, lần đầu các năm: 2011, 2015, 2019, 2021 và giữa năm 2024.
Trong đó, lần thứ 3 xin lùi mốc thời gian khai thác do liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, chậm bàn giao mặt bằng, khả năng cân đối vốn và điều chỉnh thiết kế. Lần thứ 4 do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến kế hoạch nhập khẩu đoàn tàu, chuyên gia kéo dài... Lần thứ 5 do chậm nghiệm thu hoàn thành, cấp chứng nhận an toàn, phòng cháy chữa cháy...
Người lao động