Metro số 1 khó về đích đúng hẹn
Khó khăn về nguồn vốn đang là mấu chốt có thể khiến dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên trễ hẹn vào năm 2020.
- 17-11-2017Trách nhiệm Bộ Tài chính đến đâu khi chậm giải ngân vốn cho tuyến metro 1?
- 17-10-2017Tuyến Metro 1 đội vốn, vì sao?
- 29-09-2017Tuyến metro 1 TPHCM: Đội vốn, nguy cơ vỡ kế hoạch về đích năm 2020
Theo kế hoạch đến năm 2020, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP HCM, tính đến thời điểm này, dự án có nguy cơ trễ hẹn.
"Cầu cứu" vì thiếu tiền
BQLĐSĐT TP HCM vừa có thêm công văn khẩn gửi Thường trực HĐND TP đề nghị chấp thuận chủ trương tiếp tục tạm ứng vốn khoảng 1.000 tỉ đồng trong năm 2018 để chi trả cho các nhà thầu về khối lượng đã thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1). Theo đó, dù cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BKHĐT về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước nhưng dự án tuyến metro số 1 vẫn chưa được bố trí vốn do phải chờ ý kiến của Quốc hội.
Dự án metro số 1 đoạn trên cao đi qua địa bàn quận 2 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo BQLĐSĐT, tính đến thời điểm này, các gói thầu đều đạt tiến độ đề ra. Cụ thể gói thầu 1a (gồm nhà ga Bến Thành và đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã đạt 114/114 tấm tường vây khu vực Nhà hát TP và 213/254 tấm tường vây đoạn đào hở trên đường Lê Lợi, tổng khối lượng đạt 28%. Gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son), hiện đã hoàn tất khoan đào hầm phía đông từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP chiều dài 781 m và đang triển khai khoan hầm phía tây, tổng khối lượng thực hiện đạt 57%. Gói thầu 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương) đạt khoảng 74%. Gói thầu số 3 (mua sắm lắp đặt hệ thống cơ điện đầu máy, toa tàu, đường ray và bảo dưỡng) tổng khối lượng đạt 26%...
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng BQLĐSĐT TP, cho biết hiện dự án tuyến đường sắt đô thị đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Cụ thể đến cuối năm 2017, giá trị thi công dự án đã đạt trên 5.400 tỉ đồng nhưng Chính phủ chỉ mới phân bổ hơn 2.000 tỉ đồng. Do gặp khó khăn về nguồn vốn, một số nhà thầu đã có thư thông báo sẽ cắt giảm tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công.
Ngoài ra, ông Quang còn cho biết TP đang kiến nghị các bộ và Chính phủ cơ chế thanh toán theo tiến độ dự án thay cho thanh toán theo từng đợt phân bổ vốn như hiện nay. "Nếu không được bố trí vốn, các nhà thầu sẽ cho chuyên gia về nước, TP phải trả lãi và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng với một khoản tiền khá lớn…" - ông Quang nói.
Tiếp tục kiến nghị ứng vốn
Để sớm được bố trí vốn cho dự án, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về thay đổi tổng mức đầu tư theo quy định, đồng thời hỗ trợ TP trong việc ứng vốn. UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thống nhất hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 tại kỳ họp sớm nhất. Trong khi chờ Quốc hội thông qua, TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT hỗ trợ, ưu tiên tạm ứng vốn cho TP để tiếp tục triển khai dự án này và bảo đảm việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án metro số 1, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nhằm rà soát, thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 và số 2 của TP HCM. Đề nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến góp ý để hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình thẩm định, bảo đảm đến cuối tháng 3 phải thẩm định xong, làm cơ sở để bộ này hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp vào tháng 5.
Trước Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã tiến hành thị sát gói thầu 1b thuộc tuyến metro số 1. Tại đây, ông Tuyến cho biết TP hứa sẽ bảo đảm kinh phí để dự án tiếp tục triển khai nhằm bảo đảm đúng tiến độ.
Nhiều tuyến metro trễ hẹn
Tuyến số 2 (giai đoạn 1) Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,042 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2024 nhưng hiện chỉ mới trình hồ sơ dự án điều chỉnh và đang chờ Chính phủ xem xét, dự kiến cuối năm mới tiến hành phát hồ sơ mời thầu. Nguyên nhân chậm trễ là do giai đoạn đầu các chuyên gia trong nước thực hiện nên không đủ khả năng, sau đó có chuyên gia tư vấn nước ngoài vào cuộc nên dự án phải điều chỉnh lại. Đối với một số tuyến khác như tuyến số 5 (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang tiến hành hồ sơ mời thầu; tuyến 3a, tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến số 5 (giai đoạn 2)… đang trình hồ sơ dự án.
Riêng dự án nghiên cứu kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hiện UBND TP HCM đã giao Sở GTVT chủ trì xem xét, tham mưu UBND TP trước khi UBND các tỉnh, TP (TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương) họp xem xét thống nhất hướng tuyến, địa điểm, quy mô thực hiện.
Người lao động