Metro số 1 TPHCM sẽ vận hành thương mại khi nào?
Chủ đầu tư đặt mục tiêu sẽ hoàn thành thi công tuyến metro số 1 TPHCM vào cuối quý IV năm nay và vận hành thương mại vào tháng 7/2024.
- 30-08-2023Metro số 1 chính thức sang trang
- 28-08-2023Tất bật cho sự kiện diễn ra trong ngày mai của tuyến metro số 1
- 22-08-2023Chạy thử toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trước dịp lễ 2/9
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR, chủ đầu tư) vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.
Theo MAUR, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đã hoàn thành hơn 96% khối lượng, trong đó, tiến độ thi công của các gói thầu chính gồm: gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,93% khối lượng; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73%; CP2 (đoạn trên cao và Depot) đã hoàn thành 97,73%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) hoàn thành 92% khối lượng.
Dự án đã chạy thử nghiệm toàn tuyến từ ga Bến xe Suối Tiên (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1) vào cuối tháng 8 vừa qua. MAUR đặt mục tiêu sẽ hoàn thành công tác thi công, xây dựng cơ bản vào quý IV năm nay, hoàn thành công tác đào tạo vào tháng 6/2024.
Chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp cùng các nhà thầu và tư vấn thực hiện các mốc công việc trọng tâm để hoàn thành dự án và đưa vào vận hành.
Cụ thể, hoàn thiện hồ sơ chất lượng và phối hợp nhà thầu công tác nghiệm thu các gói thầu xây dựng vào tháng 1/2024. Đến tháng 2/2024 sẽ hoàn thành công tác đào tạo do Tư vấn NJPT thực hiện.
Tháng 3/2024, hoàn thành lắp đặt các hệ thống cơ điện, tiếp tục kiểm tra và khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh thiết bị/máy móc trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành công tác phối hợp nhà thầu cơ điện (CP3 và CP4), triển khai mua sắm, lắp đặt hệ thống cơ điện, hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng O&M trong tháng 5/2024.
Dự kiến trong tháng 6/2024 sẽ hoàn thành thi công cầu bộ hành của các ga trên cao; đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành dự án. Dự kiến sẽ khai thác toàn tuyến vào tháng 7/2024.
Dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km (đoạn đi ngầm 2,6km; đoạn trên cao 17,1km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao và 1 Depot). Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ tháng 8/2012 và nhiều lần phải lùi ngày hoàn thành.
Theo MAUR, tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng bởi các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng. Cụ thể, các khiếu nại của nhà thầu chưa giải quyết triệt để; tăng số lượng tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp; các phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng (Chỉ số giá cho gói thầu số 1b; hạng mục kết nối lối lên xuống F4, F5 của Nhà ga trung tâm Bến Thành...); ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Công tác chuẩn bị vận hành khai thác còn nhiều khó khăn, vướng mắc như giá vé cho giai đoạn đầu vận hành, khai thác đang triển khai lấy ý kiến; công tác đào tạo cho nhiên viên vận hành, khai thác chưa hoàn tất...
Ngoài ra, để hoàn thành công tác thi công xây dựng và tiến hành chạy thử trên toàn tuyến vào quý IV năm 2023 theo kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Trong đó, tập trung ở các công việc quan trọng của hợp đồng gói thầu CP3 gồm: Đào tạo, bảo dưỡng, bảo trì, phối hợp với Tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, công tác phối hợp giao diện với các nhà thầu thi công của dự án (gói thầu CP1a, gói thầu CP1b, gói thầu CP2, Nhà thầu thi công tòa nhà Công ty O&M); các công việc phối hợp liên quan đến đẩy nhanh tiến độ thi công Cầu bộ hành các nhà ga trên cao thuộc gói thầu CP2.
Theo MAUR, metro số 1 TPHCM là một trong các dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam, phía Việt Nam hầu như chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án, từ đó dẫn đến việc các hình huống cần phải xử lý trong suốt quá trình thực hiện dự án cần phải hài hòa giữa quy định của Nhà tài trợ nguồn vốn ODA, quy định pháp luật trong nước và thông lệ Hợp đồng quốc tế theo FIDIC.
"Các công việc chưa có tiền lệ cần phải được sự xem xét thấu đáo và đưa ra giải pháp phù hợp từ phía chủ đầu tư lẫn từ phía các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến thời gian giải quyết các nội dung này chưa thể nhanh chóng như mong đợi"- chủ đầu tư dự án cho biết.
Tiền phong