Mì ngoại "lấn lướt": Sức ép lớn với doanh nghiệp nội
Thị trường mì gói là một trong những thị trường tiềm năng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của rất nhiều loại mì ăn liền ngoại nhập thời gian gần đây đang đặt ra nhiều sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
- 29-03-2017Không chỉ Miliket, đến ông lớn như Masan cũng phải lao đao khi thị trường mì gói lao dốc
- 17-11-2016Thị trường mì gói Việt: Cuộc chiến của khẩu vị và chất lượng
- 05-09-2016Rau câu, mì gói… Nhật tấn công thị trường Việt
Thị trường đầy tiềm năng
Theo số liệu do Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (World Instant Noodles Association - WINA) công bố gần đây, VN xếp thứ 4 thế giới về mức tiêu thụ mì gói , sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Nếu tính từ năm 2010 đến nay, người Việt tiêu thụ trung bình mỗi năm xấp xỉ 5 tỉ gói mì. Làm một phép toán đơn giản, dân số trung bình của Việt Nam năm 2016 là 92 triệu người, tính ra mỗi năm một người dân Việt ăn hơn 50 gói mì - tương đương 1 gói/tuần.
Theo WINA, sở dĩ thị trường mì Việt có dấu hiệu phục hồi là do lượng sản phẩm ngày càng đa dạng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Mặc dù sản phẩm mì tại thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn khá chậm. Đây cũng là dấu hiệu chung của thị trường thế giới khi mà sản lượng tiêu thụ vẫn đi xuống.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, sản lượng khoảng 50 tỉ gói/năm. Tuy nhiên 70% thị phần mì ăn liền thuộc về ba hãng sản xuất mì gói hàng đầu Việt Nam hiện nay là Acecook Việt Nam, Masan Consumer và Asia Foods.
Sự xuất hiện của rất nhiều loại mì ăn liền ngoại nhập đang đặt ra nhiều sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Cuộc đua thị phần
Trước sự thay đổi không ngừng thị hiếu khách hàng các hãng mì nội và ngoại đều thay đổi không ngừng để người tiêu dùng không “quay lưng” với món mì ăn liền. Các nhà sản xuất này đều có các dòng sản phẩm từ thấp đến cao cấp, vị lạ, giá cả hợp lý. Thế nhưng, thực tế cho thấy thị trường mì gói VN đang phân định phân khúc rất rõ ràng và cách biệt giữa mì ngoại nhập và mì trong nước.
Hiện, nhãn hàng mì gói Việt hàng phổ thông có giá từ 3.500 - 3.900 đồng/gói, dòng khá hơn một chút giá tầm 6.500 - 7.100 đồng/gói.
Số lượng mì ngoại nhập từ Indonesia, Malaysia, Thái lan, Hàn Quốc, Nhật Bản … ngày càng chiếm ưu thế với đủ chủng loại từ mì gói giấy, mì ly, mì tô và mùi vị lạ với các thành phần mới như rau khô, thịt, cá... Những loại mì như vậy có giá từ 3.000 đồng đến hàng chục nghìn đồng/gói. Tuy nhiên do tâm lý và xu hướng nên các khách hàng trẻ tới cửa hàng thường chuộng các loại mì ngoại nhập hơn là mì nội.
Trên thực tế, giới trẻ Việt Nam hiện nay đang có xu hướng chạy theo “mốt” của các bộ phim Hàn Quốc, Nhật Bản, do đó, khi thấy những loại mì nhập ngoại được quảng cáo bởi các “thần tượng” của mình thì đổ xô đi mua.
Bên cạnh lý do đó, nhiều bà nội trợ cũng có xu hướng chuyển sang mì ngoại nhập vì lo lắng về chất lượng của các loại mì trong nước.
Xu hướng chọn mì giá cao, hàng nhập tốt đang tăng nhưng các doanh nghiệp nội khó chen chân được vào phân khúc này vì tâm lý một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng ngoại giá cao nhưng vẫn ngần ngại, thậm chí nhất quyết không mua hàng nội giá mắc, nhất là với những sản phẩm như mì gói.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Thanh Năm, chưa biết thị phần và vai trò của các DN dẫn đầu ngành mì có “đổi ngôi” sớm hoặc có chuyển động nào khác hay không nhưng ít nhất, với một thị trường kinh doanh không dễ “ăn liền” mà ngày càng trở nên “khó xơi”, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải nỗ lực, “động não” trong cạnh tranh, sản xuất, tiếp thị hơn và sau cùng đó luôn là cơ hội tốt hơn cho lựa chọn của người tiêu dùng.