MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía đường lại kêu khó, Bộ Tài chính siết xuất khẩu đường nguồn gốc nước ngoài

26-02-2020 - 10:13 AM | Thị trường

Bộ Tài chính chỉ cho phép xuất khẩu những loại đường sản xuất từ 100% nguyên liệu mía trong nước, quy định thời gian tái xuất là 275 ngày.

Bộ Tài chính vừa cho biết đã nhận được công văn của Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa kiến nghị chính sách, biện pháp phù hợp với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong cạnh tranh giữa sản phẩm đường trong nước với sản phẩm đường nhập khẩu.

 Mía đường lại kêu khó, Bộ Tài chính siết xuất khẩu đường nguồn gốc nước ngoài  - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch mía đường ở ĐBSCL - Ảnh NLĐ

Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp ngành mía đường, Bộ Tài chính đã điều chỉnh một số chính sách quản lý xuất nhập khẩu.

Cụ thể, điều chỉnh quy định xuất khẩu tiểu ngạch đường qua biên giới theo hướng chỉ cho phép xuất những loại đường sản xuất từ 100% nguyên liệu mía trong nước. Cùng đó, không cho phép xuất khẩu tiểu ngạch các loại đường có nguồn gốc nước ngoài như đường tạm nhập tái xuất, đường sản xuất xuất khẩu (tức nhập đường thô, sản xuất đường tinh luyện xuất khẩu).

Ngoài ra, siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức tạm nhập, tái xuất bằng cách áp thuế ngoài hạn ngạch khi nhập khẩu và là đối tượng hoàn thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính cũng cho biết đã siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu bằng cách quy định thời gian tái xuất 275 ngày, phải nộp thuế ngoài hạn ngạch khi nhập khẩu và là đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu.

Cơ quan này cũng đã tiến hành rà soát các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường để theo dõi, quản lý; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong xuất, nhập khẩu đường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với hải quan địa phương và các lực lượng chức năng khác nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép đường vào nội địa để tiêu thụ.

Theo lộ trình cam kết ATIGA, kể từ ngày 1-1-2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, áp thuế suất nhập khẩu chỉ 5%.

Tuy vậy, trước thực trạng cung đường tăng cao, lượng đường nhập lậu lớn tác động tiêu cực đến ngành sản xuất đường trong nước, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi xóa bỏ thuế quan đến 1-1-2020 để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.

Thời gian bảo hộ nêu trên được cho là cơ hội để ngành mía đường tái cơ cấu, thích ứng dần với những thay đổi từ thị trường thế giới. Song đến nay, khi thời điểm các cam kết trong ATIGA liên quan đến mía đường chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước vẫn tỏ ra thụ động và mong muốn bảo hộ nhiều hơn.

Theo Đình Phong

Người lao động

Trở lên trên