Mía đường lo ngay ngáy, gọi mốc 1/1/2020 là thời điểm đe doạ ngành
1/1/2020 là mốc Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) được thực thi tại Việt Nam. Đây cũng chính là thời điểm hàng vạn nông dân cũng như các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang đứng trước nhiều đe dọa sống còn.
- 30-08-2019Diễn biến sản xuất mía đường lạ lùng của Thái Lan và tác động gì đến Việt Nam?
- 22-08-2019Mía ngọt, đường đắng và nỗi lòng bà con nông dân trước cánh cửa hội nhập
- 16-06-2019Nhà máy đường 5.000 tấn mía/ngày ở Bình Định thành đống sắt
Lộ trình thực hiện cam kết ATIGA cho ngành mía đường sẽ không thể trì hoãn. Và thời hạn mở cửa ngành, xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đã cận kề cũng là lúc ngành sản xuất này ở trong nước đối diện nhiều nguy cơ. Cách duy nhất là xây dựng các chính sách phù hợp để giảm thiểu các tác động rủi ro.
Việc xem xét hoãn thực thi cam kết ATIGA trong ngành mía đường từng được lãnh đạo Chính phủ nhận định là khó khả thi, tuy nhiên mở cửa không có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh không công bằng.
Chính phủ theo đó đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu các biện pháp phòng vệ ATIGA cũng như tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong quá trình hội nhập.
Tuy nhiên, cho đến nay, trong khi thời hạn thực thi cam kết ATIGA đã đến quá gần thì có vẻ ngành mía đường vẫn chưa nhận được một câu trả lời thoả đáng. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có một kịch bản tốt được chuẩn bị cho ngành mía đường trước cánh cửa hội nhập?
Và câu hỏi này là một sự bức thiết khi sinh kế của hàng chục vạn người nông dân trồng mía, hay hoạt động của hàng loạt nhà máy chế biến mía đường bị ảnh hưởng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, Philippines và Indonesia là hai quốc gia đã gia nhập ATIGA vào năm 2015 nhưng vẫn bảo đảm được sự an toàn cho ngành mía đường trong nước, bảo đảm được đời sống cho nông dân trồng mía và lợi ích của chính phủ.
Để tránh được áp lực cạnh tranh khủng khiếp từ Thái Lan, họ đã có một kịch bản cụ thể và rõ ràng. 4 năm nay cả chính phủ Indonesia và Philippines đều sử dụng những biện pháp rất mạnh để điều chỉnh thị trường đường nội địa hướng đến bảo vệ nông dân trồng mía và các nhà máy trong nước. Đặc biệt là chính sách phân chia hạn ngạch nội địa của Philippines đã trở thành tấm khiên lớn ngăn dòng đường Thái Lan ồ ạt tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Về mặt bản chất Philippines chỉ cho tiêu thụ đường nhập khẩu vào thời điểm lượng đường trong nước thiếu hụt mà thôi.
Với Indonesia thì họ bảo đảm giá đường và giá mía ở mức hợp lý trên cơ sở bảo đảm người nông dân sống được bằng cách tính toán giá thành trồng mía + 10%, kiểm soát đường nhập khẩu nhằm ngăn chặn đường giá rẻ không được thẩm lậu vào thị trường tiêu thụ trong nước. Lượng đường nhập khẩu chỉ có thể nhập vào tương đương với lượng đường thiếu hụt.
Bà Rosemarie S. Gumera - Đại diện Cục Quản lý đường Philippines nói rằng nhìn chung, các nước trên thế giới đều đang tăng trợ cấp cho ngành sản xuất mía đường, kể cả Thái Lan.
Theo bà, nhờ có sự trợ cấp của chính phủ, đường mới có thể bán xuất khẩu ra thị trường thế giới với mức giá thấp như vậy.
"Chính phủ Việt Nam cũng phải có những hỗ trợ cho ngành mía đường phát triển ở Việt Nam. Bởi vì trên cả thế giới thì mặt hàng đường bao giờ cũng là mặt hàng nhạy cảm về mặt chính trị và chính vì vậy cho nên rất cần có sự hỗ trợ", bà nói.
Cũng đồng quan điểm, ông Dwi Purnomo Putranto, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà máy đường Indonesia cho rằng, Việt Nam cần phải có sự lựa chọn thời điểm phù hợp để áp dụng và thực hiện các quy định trong Hiệp định thương mai tự do.
"Điều quan trọng là chính phủ phải tìm hiểu mức độ sẵn sàng của ngành sản xuất trong nước, liệu họ đã thực sự sẵn sàng để mở cửa thị trường hay chưa? Thứ hai là sự hợp tác giữa các chính phủ với nhau, bởi vì các quốc gia trong khu vực chúng ta cần phải có sự hợp tác. Ví dụ chúng tôi rất muốn học hỏi từ ngành sản xuất mía đường của Việt Nam làm thế nào với một công nghệ tương đương như Indonesia mà các bạn sản xuất được loại mía đường có giá thành thấp như vậy? sự hợp tác này sẽ đem lại một sân chơi phát triển", ông nói.
Các quốc gia có sản xuất đường từ trước đến nay luôn tìm cách kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giá đường ổn định, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong sự cân đối với lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và đặc biệt ngăn chặn sự xâm lăng của đường nhập khẩu trợ giá, giá rẻ.
Giả sử việc bảo hộ của Thái Lan, Indonesia, Philippines là phù hợp với ngoại lệ theo Điều XX của GATT/WTO hay Điều 8 (Ngoại lệ chung) hay Điều 9 (Ngoại lệ vì lý do an ninh) thì Việt Nam cũng có quyền áp dụng các biện pháp tương tự, kể cả việc áp dụng việc hạn chế phân phối đường nhập khẩu trên thị trường nội địa.
Nếu các biện pháp này được áp dụng trái với quy định, việc Việt Nam thực thi cam kết một cách "nghiêm túc" có thể sẽ làm phương hại đến lợi ích chính đáng của mình. Điều này đi ngược lại với phương châm hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh bình đẳng của Việt Nam.
Vì thế, các cơ quan liên quan chủ động đặt lại vấn đề này với các đối tác để có thể tìm kiếm một giải pháp khách quan, công bằng hơn thay vì thực thi một cam kết đã không còn được các bên tôn trọng.