Mía đường quay cuồng trong cơn bĩ cực “cung thừa, giá rẻ”
Một niên vụ mía đường “đắng” nữa lại tái diễn khi mà nguồn cung dồi dào, lượng đường tồn kho còn lớn thì giá đường liên tiếp hạ. Đáng nói, giá đường thế giới cũng rẻ kỷ lục, thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước lại đang giảm khiến các doanh nghiệp mía đường được phen lao đao.
- 30-08-2018Mía đường ĐBSCL bước vào niên vụ mới: Chưa vào vụ đã lo chuyện “giải cứu”
- 17-07-2018Ngành mía đường Đăk Lăk sẽ về đâu?
- 21-06-2018“Đường kính nhập lậu phá nát doanh nghiệp mía đường Việt Nam”
Thừa hơn 570.000 tấn đường
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết (NN&PTNT), niên vụ 2017-2018 các doanh nghiệp chế biến mía đường trong cả nước đã thu mua, sản xuất chế biến được gần 1,5 triệu tấn đường các loại, tăng khoảng 237.000 tấn so thời vụ trước.
Tính đến ngày 15-8-2018, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong cả nước là 622.040 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn do lượng đường tồn kho vụ trước còn lại, cộng với lượng đường tiêu thụ chậm trong những tháng cuối vụ thu hoạch. Như vậy, cùng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thì năm nay, Việt Nam dư thừa trên 570.000 tấn.
Ngành mía đường vẫn chưa qua cơn bĩ cực kéo dài.
Về giá bán đường, có biến động theo chiều hướng giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, giá đường đầu vụ giảm chỉ còn từ 13.500 – 14.500 đồng/kg; giữa vụ 12.000 – 12.500 đồng/kg; cuối vụ chỉ còn 10.500 – 11.500 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Đây là mức giảm lớn và sẽ giảm kéo dài do thị trường đường trên thế giới không mấy khả quan.
Điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngành đường vốn khó khăn sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Một số nguyên nhân dẫn đến thị trường đường trong nước giảm giá mạnh được cơ quan này chỉ ra. Đó là nguồn cung trên thế giới hiện đang tăng nhanh so với nhu cầu, dẫn đến giá đường thế giới giảm mạnh. Trong khi đó, lượng đường trong nước sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều.
Bên cạnh đó, nguồn cung các loại đường khác như đường lỏng (HFCS-siro ngô nồng độ fructose cao) hiện đang gia nhập vào thị trường Việt Nam dồi dào. Điều này tạo nên sức cạnh tranh mạnh đối với đường chiết xuất từ cây mía. Ngoài ra, vấn đề quản lý buôn lậu đường chưa thật sự hiệu quả, đường lậu khó kiểm soát, giá rẻ, trong khi giá đường trong nước thiếu cạnh tranh.
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, tình trạng nhập lậu đường hiện nay vẫn diễn ra công khai, thách thức dư luận và các cơ quan chức năng, nhiều nơi đường lậu đã thế chỗ bán đường trong nước.
Hiện giá đường Thái Lan nhập lậu từ các cửa khẩu biên giới so với thị trường đường nội địa luôn thấp hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Do tiêu thụ chậm nên các công ty đường phải hạ giá bán gần bằng giá đường nhập lậu để đẩy nhanh khâu tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho, tuy nhiên, lượng đường tiêu thụ vẫn chậm, tồn kho cao.
Muốn có chính sách đặc thù cho mía đường
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản nhận định, dự báo cung cầu đường cho thấy, niên vụ tới nguồn cung đường trong nước còn tiếp tục dư thừa, trong khi nguồn cung đường trên thế giới vẫn còn thừa gần 7 triệu tấn, vì vậy việc khôi phục của giá đường có thể sẽ chậm, trước sức ép cạnh tranh trong hội nhập, các nhà máy đường cần có nhìn nhận, đánh giá chính xác thị trường để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hợp lý trong thời gian tới.
Trước mắt, các nhà máy đường cần rà soát, xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng tương ứng với hình thành các trung tâm chế biến công nghiệp để tạo điều kiện xây dựng, phát triển các vùng sản xuất mía nguyên liệu ở địa phương.
Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch và quy mô hợp lý cho mỗi vùng sản xuất mía theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xây dựng hệ thống tưới nước cho cây mía, mạnh dạn đưa vào sử dụng giống mía đã qua khảo nghiệm có triển vọng; liên kết, xây dựng các cánh đồng mía lớn để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, hạ giá thành cây mía, tăng sức cạnh tranh.
Tại Hội nghị sơ kết vụ sản xuất, chế biến ngành mía đường niên vụ 2017-2018 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, một số sở NN&PTNT cho rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần kiến nghị với Chính phủ có chủ trương, chính sách đặc thù cho ngành mía đường, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm cho sau đường. Bên cạnh đó, thành lập những trung tâm nghiên cứu giống mía mới được Nhà nước hỗ trợ để từng bước hình thành chương trình sản xuất giống, đưa công nghệ cao vào tạo giống có hiệu quả.
Đồng thời, làm vai trò trung gian kết nối giữa sản xuất, chế biến đường với thị trường chi phí thấp, giá cả hợp lý nhất, để đủ sức cạnh tranh với thị trường. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu, xem xét giảm thuế VAT đối với ngành sản xuất mía đường, hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường, nhằm tháo gỡ bớt khó khăn, bảo vệ mặt hàng đường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần quan tâm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mía đường như tăng vốn vay lưu động, giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ, giúp doanh nghiệp kinh doanh ngành đường vượt qua khó khăn hiện nay.
Công an nhân dân