MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung đối thủ đáng gờm của ông Trump: Giàu gấp 17 lần Tổng thống, không cần nhận tài trợ tranh cử và cũng không cần nhận lương nếu đắc cử

26-11-2019 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Nói về lợi thế của sự giàu có, "nhóm" của Bloomberg khẳng định rằng khối tài sản của ông cho phép ông nhanh nhạy hơn đối với những lo ngại của người dân, vì ông không phải là người mang tư lợi cá nhân.

Sau nhiều lần truyền thông Mỹ suy đoán về việc liệu tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg có tham gia vào chiến dịch chạy đua vào Nhà trắng năm 2020 hay không, thì mới đây ông đã chính thức tuyên bố mình sẽ trở thành đối thủ của Tổng thống Donald Trump.

Nhân viên ngân hàng trở thành tỷ phú ngành truyền thông

Michael Bloomberg sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Medford, bang Massachusetts. Sau khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins ngành kỹ thuật điện tử, ông nhận được tấm bằng MBA tại Đại học Harvard. Ra trường, ông làm việc tại ngân hàng Salomon Brothers tại New York với mức lương khởi điểm 9.000 USD/năm. Tại đây, ông dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về cổ phiếu và trái phiếu. Năm 1972, ông được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo của công ty và trở thành giám đốc bộ phận IT sau 5 năm.

Đến năm 1980, ông rời khỏi ngân hàng với khoản tiền 10 triệu USD và quyết định tận dụng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm đã có để thành lập công ty riêng, với tên gọi Innovative Market Solutions, cung cấp dịch vụ giúp các doanh nhân sử dụng dữ liệu dễ dàng hơn. Sau đó, công ty này ra mắt thiết bị đầu cuối Bloomberg và nhận được đơn đặt hàng 22 chiếc từ Merrill Lynch, cùng khoản đầu tư 30 triệu USD.

Chân dung đối thủ đáng gờm của ông Trump: Giàu gấp 17 lần Tổng thống, không cần nhận tài trợ tranh cử và cũng không cần nhận lương nếu đắc cử - Ảnh 1.

21 năm sau, ông quyết định dấn thân vào con đường chính trị và tranh cử chức thị trưởng thành phố New York, là ứng viên của đảng Cộng hoà. Ông đã giành chiến thắng và nhậm chức năm 2002, đúng thời điểm thành phố này phải vực dậy từ những tàn dư của vụ khủng bố 11/9. Kết thúc 12 năm làm thị trưởng New York, ông dành toàn thời gian để làm từ thiện. Năm 2015, ông từ chức CEO của Bloomberg L.P.

Đối thủ giàu gấp 17 lần ông Trump

Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu ở Mỹ là một điều phổ biến và ai cũng biết. Thế nhưng, tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự chênh lệch lớn còn đến từ khối tài sản của người giàu và người giàu. Hãy nhìn vào cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2020. Giá trị tài sản ròng của Tổng thống Donald Trump ước tính là 3,1 tỷ USD. Con số này là rất lớn so với hầu hết mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, 3,1 tỷ USD vẫn thấp so với khối tài sản của đối thủ mới đây nhất của ông, đó là tỷ phú Michael Bloomberg - hiện nắm giữ 53 tỷ USD.

Khi có cách quản lý hợp lý, khối tài sản lớn, cũng như bất kỳ khoản đầu tư nào, cũng có thể tăng lên theo cấp số nhân. Vị tỷ phú này lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Forbes 400 - những người giàu nhất nước Mỹ với tài sản trị giá "hơn 350 triệu trở lên", vào năm 1992, sau khi các thiết bị đầu cuối của Bloomberg L.P với các thông tin về thị trường chứng khoán, trái phiếu toàn cầu trở nên phổ biến ở Phố Wall. Ở thời điểm đó, ông Trump vẫn đang chật vật để "cứu" đế chế của mình sau một thương vụ mua bán khiến ông chìm sâu trong nợ nần, thậm chí còn đứng trên bờ vực phá sản.

Đến năm 1996, ông Trump đã trở lại danh sách Forbes 400, với khối tài sản ước tính khoảng 450 triệu USD. Khi đó, Bloomberg đã có trong tay khoảng 1 tỷ USD, dựa trên giá trị cổ phần ông nắm giữ trong mảng kinh doanh dữ liệu tài chính.

Chân dung đối thủ đáng gờm của ông Trump: Giàu gấp 17 lần Tổng thống, không cần nhận tài trợ tranh cử và cũng không cần nhận lương nếu đắc cử - Ảnh 2.

Trong 23 năm sau đó, giá trị tài sản ròng của ông Trump tăng trưởng với tốc độ 8,8%/năm, cao hơn lợi nhuận của S&P 500 ở cùng kỳ là 6,7%. Hầu hết số tiền ông Trump kiếm được trong khoảng năm 1996 đến 1997, khối tài sản tăng từ 450 triệu USD lên 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản của Bloomberg còn tăng mạnh hơn thế qua từng năm, với 18,8%/năm.

Hiện tại, vị tỷ phú truyền thông đang nắm giữ 88% cổ phần của Bloomberg L.P, với mức doanh thu của năm 2018 là 10 tỷ USD. Trong nhiều thập kỷ qua, Bloomberg L.P đã ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, mở rộng thêm hoạt động đưa tin tài chính và kinh doanh. Năm 2009, hãng tin này mua lại tạp chí BusinessWeek từ McGraw-Hill - khi đó đang đối mặt với khoản nợ khoảng 32 tỷ USD. Nhờ khả năng sinh lời của mảng kinh doanh này, nên không khó để lý giải tại sao tốc độ tăng trưởng tài sản của ông lại ấn tượng đến vậy và vượt xa vị Tổng thống đương nhiệm.

Vị tỷ phú hào phóng, chấp nhận mức lương 1 USD/năm

Nắm giữ trong tay khối tài sản không hề nhỏ, tỷ phú Bloomberg rất tích cực làm từ thiện, ông đã quyên góp 8 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện và những hoạt động xã hội khác, như tặng 1,8 tỷ USD cho Đại học Johns Hopkins và đóng góp nhằm nỗ lực kiểm soát súng đạn.

Bloomberg đã theo học Hopskins nhờ vào khoản vay sinh viên National Defense. Ông thừa nhận tấm bằng từ đại học này đã giúp ông sống "giấc mơ Mỹ". Chia sẻ về việc đóng góp cho ngôi trường mình từng theo học, ông nói: " Tôi muốn đảm bảo rằng ngôi trường từng cho tôi một cơ hội có thể mở ra cánh cửa cơ hội đó cho những người khác!"

Hơn nữa, mới đây, theo trợ lý cấp cao của ông, tỷ phú Bloomberg sẽ không nhận bất kỳ khoản tài trợ chính trị nào trong quá trình ông tranh cử và ông cũng không nhận lương nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng. Howard Wolfson, trợ lý trưởng của ông, phát biểu trước báo giới: "Trong suốt cuộc đời mình, ông ấy chưa từng nhận một khoản tài trợ chính trị nào. Ông ấy không để mình bị mua chuộc."

Chân dung đối thủ đáng gờm của ông Trump: Giàu gấp 17 lần Tổng thống, không cần nhận tài trợ tranh cử và cũng không cần nhận lương nếu đắc cử - Ảnh 3.

Khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, phát ngôn viên của ông cho biết vị tỷ phú này đã chi 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trực tuyến để cạnh tranh với ông Trump. Nói về lợi thế của sự giàu có, "nhóm" của Bloomberg khẳng định rằng khối tài sản của ông cho phép ông nhanh nhạy hơn đối với những lo ngại của người dân, vì ông không phải là người mang tư lợi cá nhân. Wolfson cho biết Bloomberg chấp nhận mức lương 1 USD/năm nếu trở thành tổng thống, giống như thời điểm ông là thị trưởng New York.

Trong suốt 12 năm giữ vị trí lãnh đạo thành phố New York, ông chỉ nhận mức lương 1 USD/năm, nhưng lại chi tới 650 triệu USD cho cuộc tranh cử và nhiều hoạt động khác trong suốt thời gian đương nhiệm, như trả 6 triệu USD chi phí đi lại bằng máy bay riêng.

Lời tuyên bố về mức lương tổng thống của Bloomberg tương tự như những gì ông Trump đã phát biểu hồi năm 2016, dù cuối cùng ngài Tổng thống vẫn nhận hàng trăm triệu USD tiền tài trợ. Sau khi nhậm chức, ông đã quyên góp tiền lương mỗi quý cho các bộ phận của chính phủ liên bang. 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên