MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miền Bắc vẫn phải tiết giảm 1.300 MW

Ngày 11/6, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, trong 2 ngày cuối tuần, lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc có sự suy giảm nhẹ. Dù đã có thêm nguồn điện bổ sung và nước về các hồ thủy điện gia tăng nhưng khu vực miền Bắc vẫn phải cắt điện với công suất 1.300 MW.

Theo A0, ngày 10/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 149 triệu kWh, (riêng miền Bắc là 59 triệu kWh). Nhiệt điện than huy động 439 triệu kWh (miền Bắc 262,9 triệu kWh); tuabin khí 85,9 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 79 triệu kWh, trong đó điện gió là 37,3 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 12h30 đạt 2.339,7 MW, điện mặt trời trang trại nối lưới 42,1 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 10h30 đạt 5.875 MW.

Theo A0, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy nhiệt điện vẫn gặp sự cố. Trong đó, sự cố cần sửa chữa dài ngày kéo theo thiếu hụt nguồn điện vào khoảng 2.100 MW. Sự cố ngắn ngày của Nghi Sơn 1 S1 và Sơn Động S2 khiến thiếu hụt nguồn khoảng 410 MW. Dự kiến đến ngày 12/6, tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 sẽ xử lý xong sự cố. Riêng tổ máy 2 nhiệt điện Thái Bình đã khởi động thành công và hoà lưới vào 23h15 ngày 10/6.

Miền Bắc vẫn phải tiết giảm 1.300 MW - Ảnh 1.

Về tình hình nguồn thủy điện ở miền Bắc, A0 cho biết, lượng nước về các hồ thủy điện ngày 10/6 đã khả quan hơn so với 9/6. Lưu lượng nước về hồ có tăng song các hồ lớn vẫn xấp xỉ mực nước chết. “Do khó khăn về nguồn nước, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... đạt khoảng 5.000MW. Dù đã thực hiện các giải pháp quản lý vận hành, song do khó khăn về nguồn điện, nên công suất tiết giảm tối đa ở miền Bắc vào khoảng 1.300 MW”, A0 cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc A0, tại thủy điện Lai Châu, thủy điện rất quan trọng trong hệ thống dòng chảy sông Đà đã đối mặt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Lưu lượng nước về thấp chưa từng có kéo theo thủy điện Sơn La, Hoà Bình cũng trong cảnh không còn đủ nước để chạy máy từ ngày 9/6 đến nay. Đáng lo ngại, hàng loạt hồ thủy điện khác khu vực miền Bắc vẫn đang ở mực nước chết.

“Ở Trung Quốc cũng đang đối mặt tình trạng thiếu điện và phải tiết giảm công suất. Nếu không tiết kiệm, không có giải pháp sớm thì khi nhà máy Thủy điện Hoà Bình hết nước, về mực nước chết trong vài ngày tới, chúng ta sẽ bị mất nguồn điện lên tới 1.920 MW. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho việc cấp điện không chỉ ở miền Bắc mà cả ở quy mô quốc gia”, ông Trung cảnh báo.

“Hiện nhiều chủ dự án gửi văn bản về Bộ Công Thương nói đã thực hiện đầy đủ quy định và có hồ sơ đầy đủ. Nhưng khi bảo gửi hồ sơ và kiểm tra hồ sơ thì lại không hề có như phản ánh. Chúng tôi rất hiểu nhà đầu tư rất sốt ruột vì cần đưa dự án vào hoạt động để có tiền trả ngân hàng, không bị bế tắc về trả nợ. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng trách nhiệm của chủ đầu tư cũng không nhỏ và quan trọng nhất là tất cả phải được đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật”.

Ông Phạm Nguyên Hùng,

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Không hợp thức hóa các sai phạm của dự án điện năng lượng tái tạo

Liên quan các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện của Công ty Mua bán điện thuộc EVN, cho biết, tính đến hết ngày 10/6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852 MW trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá. Có 8 nhà máy đang thí nghiệm; 14 nhà máy đã thí nghiệm xong.

Theo ông Khải, đến nay đã có 9 nhà máy vận hành thương mại (COD) với hơn công suất 470 MW đã phát điện lên lưới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 19 nhà đầu tư chưa gửi hồ sơ do vướng các quy định về chứng nhận đầu tư, giao đất, giấy phép điện lực… Cùng đó, có nhiều dự án chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Trong 85 dự án, mới có 41 dự án hoàn thành công tác xây dựng.

“Nếu 41 dự án này dù có hoàn thành tất cả các thủ tục để ký được với EVN thì số lượng đưa vào vận hành cũng không lớn. Mới có 29 dự án được gia hạn chứng nhận đầu tư. Với các dự án còn lại, nhiều dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục ở địa phương. Các chủ đầu tư liên tục gửi kiến nghị tới các bộ, ngành nhưng giấu đi các vấn đề của chính mình”, ông Khải cho hay.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, với các dự án năng lượng tái tạo đang đàm phán điện, trước hết các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường, Bộ sẽ kiểm tra và cấp phép cho các dự án trên 50 MW. Các dự án dưới 30 MW thì giao cho các Sở Công Thương địa phương làm việc với doanh nghiệp. Với tiến độ hiện nay, có thể cơ bản giải toả được các dự án, vấn đề là các dự án phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật.

“Bộ Công Thương không thể trả lời chính xác sau khi phê duyệt giá thì bao giờ được phát điện vì liên quan thẩm quyền của từng đơn vị. Dự án thiếu thủ tục ở địa phương thì cần được UBND tỉnh, thành phố cấp giấy phép. Hoặc với dự án thiếu giấy phép phòng cháy chữa cháy, môi trường thì cũng phải đáp ứng đủ quy định mới được phát điện lên lưới”, ông Hùng nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên