MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miền Trung: Hối hả chạy đua phòng chống bão số 4

25-07-2017 - 14:10 PM | Xã hội

Do ảnh hưởng của bão số 4, mưa to kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ, khiến một số tuyến đường ở các tỉnh thành khu vực miền Trung bị ngập. Công tác phòng chống bão ở các địa phương hết sức khẩn trương.

Thừa Thiên- Huế: Sẽ di dời trên 29.000 hộ/112.309 dân

Sáng 25-7, tại buổi hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 4 với 6 tỉnh trọng điểm khu vực Bắc Trung Bộ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết do ảnh hưởng bão số 4 nên từ chiều 24-7 đến hết ngày 27-7 trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến 100-200mm. Hiện nay, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn, tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện vận hành theo Quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Tàu thuyền đã được chằng néo an toàn

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết công tác kêu gọi tàu thuyền đã được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh của các đơn vị kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn. Tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, tỉnh đã kiên quyết ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 688 tàu thuyền, đến nay hầu hết các phương tiện của tỉnh đã vào bờ và duy trì được thông tin liên lạc. Trong đó, có 3 phương tiện của Thuận An vào lưu trú tại Đà Nẵng; 1 phương tiện ở Phú Thuận vào cửa Gianh (Quảng Bình), tổng số có 39 lao động trên các phương tiện này. Theo kế hoạch chi tiết sơ tán, di dời dân khi có bão lụt, lũ quét và sạt lở đất, toàn tỉnh có trên 29.000 hộ/112.309 nhân khẩu.

Tàu thuyền vào Thuận An tránh bão

Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, nhiều tàu thuyền địa phương và một số tỉnh như Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi... đã vào neo đậu, chằng chéo an toàn trên phá Tam Giang. Trong khi đó, tại TP Huế, do mưa lớn nên nhiều tuyến đường như Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Bến Nghé... đã bị ngập nước cục bộ. Hiện, TP Huế đang triển khai gấp rút thi công hệ thống thoát nước cải thiện môi trường trên hầu hết các tuyến đường ở bờ Nam sông Hương.

Nước ngập ở đường Hùng Vương

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, cho biết đã có văn bản gửi các nhà thầu yêu cầu ngưng thi công, triển khai các biện pháp rào chắn, cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân. "Chúng tôi và các nhà thầu thi công đang tập trung lực lượng ra công trường để triển khai phòng chống, đảm bảo an toàn" - ông Tuấn Anh nói.

Giao thông đi lại khó khăn

Nhiều ô tô phải cố gắng di chuyển giữa biển nước ở trung tâm TP Huế

Để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn, Ban Chi huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các địa phương triển khai một số giải pháp ứng phó các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt; thủy điện A Lưới căn cứ vào khả năng lưu lượng đến hồ để chủ động thông tin vận hành điều tiết cho huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kong (Lào); các chủ đầu tư công trình xây dựng cơ bản đang thi công dỡ dang, chỉ đạo nhà thầu thi công có phương án bảo vệ công trình xây, đảm bảo an toàn về người, phương tiện, vật tư và tham gia trong các tình huống mưa lớn xảy ra gây ngập úng; có phương án chủ động chống ngập, bảo vệ cho hơn 25 nghìn ha lúa vụ hè thu và hàng nghìn ha hoa màu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Xây dựng bám sát tình hình và kiểm tra các công trình đang thực hiện, nhất là đối với các công trình thi công ven biển để chỉ đạo nhà thầu thi công có phương án bảo vệ công trình xây, đảm bảo an toàn về người, phương tiện, vật tư và tham gia trong các tình huống mưa lớn xảy ra gây ngập úng. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương tăng cường công tác thông tin, cảnh báo mưa bão, nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất đá qua các phương tiện thông tin để người dân chủ động phòng tránh.

Hàng ngàn tàu thuyền hối hả tìm nơi tránh bão

Cơn bão số 4 đang diễn biến hết sức phức tạp, trực tiếp đổ vộ vào các tỉnh miền Trung, tâm điểm là Quảng Bình. Trước tình thế cấp bách như hiện nay ngư dân địa phương đang nỗ lực chủ động ứng phó với bão.

Tàu thuyền Quảng Bình tránh bão

Trong sáng và trưa ngày 25-7, tại Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Để kịp thời ứng phó với bão, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị đơn vị và các địa phương triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chóng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 9 giờ sáng nay (ngày 25-7) đã có 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn. Hiện Quảng Bình chỉ còn 97 tàu với 800 lao động đang hoạt động trên biển Đà Nẵng. Các Đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.

Tại cảng cá Sông Gianh, hàng trăm tàu thuyền tấp nập vào đây để tránh bão đã được neo đậu cẩn thận, các tàu lớn đã được tăng cường bằng nhiều vật dụng nhằm tránh tổn thất khi va đập.

Tàu thuyền Quảng Bình vào nơi tránh bão an toàn

Ông Trần Đăng Thảo, Giám đốc cảng cá Gianh cho biết hiện tại đã có hơn 350 tàu, thuyền đã vào cư trú an toàn, nhiều tàu thuyền vẫn đang tiếp tục tìm neo các khu neo đậu để tránh trú, ứng phó với bão số 4.

Theo ông Thảo tạ khu neo đậu Roòn (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) hiện đã có hơn 300 tàu vào neo đậu. Tuy nhiên công suất khu neo đậu chỉ chứa đươc 280 tàu. "Chúng tôi phải bố trí, sắp xếp vị trí neo đậu cho các tàu hợp lý để tránh va đập. Dù rằng quá tải nhưng tàu ngư dân vào chúng tôi vẫn tiếp nhận" – Ông Thảo nói thêm.

Ông Lê Minh Ngân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết hiện nay theo báo cáo của Bộ đội biên phòng tỉnh thì tất cả các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Bình đã vào nơi neo đậu. "Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 2 chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương đến kiểm tra hướng dẫn các biện pháp neo đậu đúng kỹ thuật để đảm bảo thiệt hại ít nhất xảy ra", ông Ngân nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo chính quyền các địa phương triển khai ngay các biện pháp chằng chóng nhà cửa và di dời dân khẩn cấp khỏi khu vực du lịch này.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trực tiếp kiểm tra tình hình phòng, chống cơn bão số 4

Được biết, để tránh thiệt hại về người có thể xảy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng sẵn kế hoạch sơ tán dân cụ thể tránh bão đổ bộ trực tiếp chủ yếu tập trung ở vùng ven biển với 3.381 hộ/ 7.710 người tại các huyện như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Đặc biệt, đối với huyện đảo Cồn Cỏ nếu bão đổ bộ trực tiếp sẽ sơ tán toàn bộ số người có trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.

Tàu thuyền neo đậu ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh
Tàu thuyền neo đậu ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này tỉnh Quảng Trị đã có 2.287 chiếc tàu, thuyền với 6.808 người (trên tổng số 2.305 chiếc với 6.997 người) đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện đang có 18 chiếc tàu, thuyền với 189 người đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên liên lạc hướng dẫn cụ thể cho các tàu về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, hiện nay đang có 59 chiếc tàu, thuyền ngoại tỉnh với 402 người đang tránh trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Theo Q.Nhật- M. Tuấn- H. Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên