MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miền Trung liên kết phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VCCI).

Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VCCI).

Tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng “Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí” trình Thủ tướng Chính phủ. Liên kết, hợp tác các địa phương tại miền Trung để cùng đưa ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bứt phá.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, khu vực miền Trung có nhiều lợi thế do vị trí địa lý mang lại, có nhiều cảng nước sâu và các ngành công nghiệp dựa vào cảng biển có cơ hội phát triển như lọc hóa dầu, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lớn đều chung nhận định rằng, nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn quá yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, chưa tạo được hệ thống cung ứng đủ mạnh.

Miền Trung liên kết phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 63 dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO cho biết, xây dựng nền công nghiệp tự chủ là khát vọng của đất nước ta từ nhiều năm trước đây. Tính tự chủ của một ngành công nghiệp chính là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí. Theo ông Trần Bá Dương, để phát triển được ngành công nghiệp xương sống này đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó, quyết tâm, làm từng bước vững chắc.

“Khi chúng ta làm tốt cơ khí, chúng ta sẽ giải quyết rất nhiều nhu cầu phát sinh trong nội địa mà hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu rất nhiều. Các anh không làm cho THACO mà cùng với THACO để tạo ra một mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ” - ông Trần Bá Dương nói.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, liên kết phát triển công nghiệp miền Trung là vấn đề được đặt ra từ lâu và đã triển khai thực hiện quyết liệt nhưng trên thực tế thì hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Việc thúc đẩy liên kết ở miền Trung để tạo nên một sức bật mới trong khu vực cần tiếp tục được các địa phương phối hợp thực hiện. Ông Lê Trí Thanh đề nghị các địa phương cùng tự nhìn nhận những điểm mạnh và hạn chế riêng và cùng tháo gỡ điểm nghẽn, từ đó hình thành chuỗi liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí.

“Hiện, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp xây dựng “Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí” tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Điều này được thực hiện với sự nỗ lực và thống nhất trong việc hình thành hệ sinh thái sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung và lan tỏa đến cộng đồng trên cả nước. Chúng tôi cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và thành công” - ông Lê Trí Thanh nói.

Theo Long Phi

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên