"Miếng bánh" FMCG hấp dẫn như thế nào khiến nhiều ông lớn muốn nhảy vào chia chác?
Trong giai đoạn vật vã tìm động lực tăng trưởng mới, nhiều tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, Digiworld, Petrolimex, Sơn Kim… đã chọn mảng tiêu dùng nhanh (FMCG) để thử sức. Vậy sức hấp dẫn của FMCG là gì khiến ai cũng xiêu lòng?
Trong khoảng vài năm gần đây, tại Việt Nam có không ít ông lớn kinh doanh bán lẻ nhóm hàng FMCG đã bật bãi, gần nhất chúng ta có thể kể đến Shop&Go và Auchan.
Tuy nhiên, thay vì chùn chân trước thất bại của 2 thương hiệu lớn này, thì dường như các doanh nghiệp Việt ngày càng "hăng máu" hơn. Có lẽ, tất cả đều nghĩ: cả hai ‘hy sinh’ là vì quản lý yếu kém, khi mình nhảy vào điền chỗ trống mình sẽ thành công.
Nhộn nhịp cuộc đua FMCG
FMCG là viết tắt của cụm từ Fast-Moving Consumer Goods - Hàng tiêu dùng nhanh, là các sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng, liên tục, vòng đời ngắn, với mức giá thấp, chẳng hạn các thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, thiết bị vệ sinh cá nhân và gia đình thuốc không kê đơn và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Theo các chuyên gia, dù sự cạnh tranh trong mảng FMCG của Việt Nam đang rất khốc liệt, nhưng vì thị trường này quá hấp dẫn, nên không ai có thể từ chối sự dụ hoặc của nó. Đó là nguyên do khiến FMCG trở thành lựa chọn đầu tiên của nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam khi muốn nhảy sang mảng kinh doanh khác, ví dụ như Petrolimex, Sơn Kim Retail, Thế Giới Di Động, Digiworld, Thaco…
Tháng 4/2019, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiết lộ rằng, họ đang có ý định tham gia mảng FMCG, bằng cách lập chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng mặt hàng có thể từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm. Nền tảng để Petrolimex mạnh miệng tuyên bố như vậy là bởi họ có hệ thống 2.500 cửa hàng xăng dầu khắp cả nước và đối tác chiến lược JX Nippon Oil. JX Nippon Oil là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hiện tại, ở các cửa hàng Petrolimex mới chỉ bán các sản phẩm liên quan đến ngành xăng dầu, ví dụ như bảo hiểm xe máy và ô tô, dầu nhớt… Thật ra, Petrolimex đã nung nấu ý định phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi ở các cây xăng - như nhiều nước tiên tiến, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, kế hoạch của họ mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, chưa phát triển rầm rộ.
Khác với Petrolimex, Sơn Kim Retail nói là làm, tháng 8/2017, báo chí Hàn Quốc loan tin là GS25 sẽ vào Việt Nam bằng cách liên doanh với Sơn Kim, thì đầu tháng 1/2018, doanh nghiệp này đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Quận 1 – TP. HCM. Hiện tại, Sơn Kim Retail đã phát triển gần 40 cửa hàng GS25 tại TP. HCM và kế hoạch ban đầu của họ là sẽ mở 2.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.
Một cửa hàng tiện lợi GS25 vừa khai trương tại Quận Tân Phú - TP. HCM.
Trong tất cả, Thế Giới Di Động chính là nhà đầu tư thính nhạy nhất, khi từ năm 2015 họ đã nhận thấy được tiềm năng của mảng FMCG tại Việt Nam và cho ra đời mô hình kinh doanh siêu thị mini tên Bách Hóa Xanh – lai giữa siêu thị lớn như Co.op Mart hay Big C với cửa hàng tiện lợi.
Tốc độ phát triển của Bách Hóa Xanh khá tốt, năm 2017 họ có 283 siêu thị mini, năm 2018 là 405 và hiện họ đã có trên 500 siêu thị, dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ tăng lên 700 siêu thị trên khắp cả nước. Sở dĩ, Thế Giới Di Động tăng tốc độ mở cửa hàng trong năm 2019 là bởi họ đã tìm ra mô hình đúng cho chuỗi Bách Hóa Xanh.
Năm 2018 là năm bản lề của chuỗi Bách Hoá Xanh khi thương hiệu này quyết liệt di dời gần như toàn bộ những cửa hàng cũ nằm sâu trong khu dân cư ra các trục đường đông đúc hơn, tập trung hoàn thiện mô hình cửa hàng chuẩn "thịt tươi – cá lội" với nhiều lựa chọn hàng tươi sống hấp dẫn. Họ cũng mở thêm nhiều cửa hàng lớn với diện tích lên đến 300m2 cùng sự đầu tư đa đạng hơn về chủng loại và số lượng hàng hoá, đặt tại các khu vực đông dân cư hay gần chợ truyền thống – chấp nhận đối đầu trực tiếp cùng chợ truyền thống.
Website Bachhoaxanh.com cũng sẽ là điểm nhấn của Thế Giới Di Động trong năm 2019, khi nó được sẽ tập trung vào đa dạng hoá các lựa chọn sản phẩm và nâng cao chất lượng trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Đích đến cuối cùng của Bachhoaxanh.com là thống lĩnh thị trường bán lẻ hàng FMCG trong tương lai.
Khác với 3 "đồng nghiệp" trên, Digiword gia nhập ngành hàng FMCG với vai trò nhà cung cấp chứ không phải bán lẻ.
Năm 2017, Digiworld triển khai thêm 2 ngành hàng mới là chăm sóc sức khỏe – healthcare và FMCG. Cũng giống như mảng thiết bị điện tử, ngành hàng mới FMCG sẽ dựa vào thế mạnh cốt lõi về chuỗi 5 dịch vụ của Digiworld: phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần và dịch vụ hậu mãi; nhằm giúp các nhà sản xuất FMCG thâm nhập, phát triển thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể quên THACO, với dự án mở các trung tâm thương mại khắp Việt Nam.
Tại Đại hội cổ đông năm 2019, THACO xác nhận là trong tương lai, họ sẽ mở trung tâm thương mại theo mô hình "Một điểm dừng - Nhiều dịch vụ", trong đó có: showroom ô tô, siêu thị, khu ẩm thực, cửa hàng bán lẻ, cụm nhà hàng và trung tâm vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị và sân vườn. Trong quý IV/2019, tập đoàn này sẽ chính thức đưa vào vận hành trung tâm thương mại tên Socar ở khu đô thị Sala – Quận 2.
Ngành hàng tiêu dùng đang trở thành động lực tăng trưởng chính của nhiều doanh nghiệp
Sở hữu cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới, với 56% dân số dưới 30 tuổi (theo Nielsen), tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%, cao hơn cả Indonesia và Malaysia 5%, và Philippines, Thái Lan và Singapore cùng là 4%.
Nhiều báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế có chung nhận định, Việt Nam nổi lên như một thị trường hàng tiêu dùng đầy hứa hẹn.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động
"Hơn 90% thị phần đang nắm giữ bởi chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ. Tại Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc siêu thị mini", ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động giải thích nguyên do vì sao họ chọn mảng FMCG và cụ thể là siêu thị mini, để tiếp tục giữ mục tiêu mà nhiều người từng cho là ‘không tưởng’ – mỗi năm doanh thu tăng trưởng 50%.
Hiện doanh thu trung bình các siêu thị Bách Hóa Xanh khai trương trước ngày 1/4/2019 đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Ngay sau khi vượt mốc 500 cửa hàng trong tháng 4/2019, lần đầu tiên, chuỗi BHX có 2 cửa hàng có doanh thu vượt 4 tỷ đồng/tháng. Cả hai cửa hàng này đều nằm tại tỉnh lẻ và phục vụ trung bình 1 ngày từ 1.000 đến 1.200 lượt khách. Bách Hóa Xanh hiện đạt sản lượng bán rất tốt với các loại trái cây nội như: ổi (300 tấn/tháng), dưa hấu (700 tấn/tháng), chuối (500 tấn/tháng), cam (200 tấn/tháng).
Mục tiêu cuối năm 2019, chuỗi Bách Hoá Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí quản lý ở cấp độ công ty. Bách Hóa Xanh cũng đang nỗ lực thương lượng với các nhà cung cấp hàng FMCG còn lại để tăng biên lợi nhuận gộp lên 1% đến 1,5%, chậm nhất cuối năm 2019.
Mặt khác, dù thừa nhận thị trường FMCG đang có sự cạnh tranh khốc liệt cả ở bán lẻ lẫn phân phối, nhưng Digiworld tin rằng "khi vào một thị trường đang tăng trưởng thì ai cũng có phần. Nếu ai đi đúng hướng và làm tốt hơn, người đó sẽ chiếm được phần to hơn trong miếng bánh đang tăng trưởng".
Và, nhìn vào thành quả mà mảng FMCG mang lại cho Digiworld sau hơn 2 năm có thể thấy, nhận định của doanh nghiệp này hoàn toàn chính xác. Kết thúc quý I/2019, ngành hàng tiêu dùng của Digiworld đạt doanh thu 53 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 15% so với kế hoạch năm. Kế hoạch từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm, ngành hàng FMCG của Digiworld tăng trưởng gấp đôi.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld chia sẻ trong Đại hội cổ đông 2019: "Tăng trưởng năm 2019 của Digiworld hầu như đã được đảm bảo bởi hai hợp đồng mới được ký cuối năm 2018 và đầu năm 2019 là Nokia trong ngành điện thoại di động cùng Nestlé trong ngành hàng tiêu dùng.
Kế hoạch doanh thu ngành hàng tiêu dùng của Digiworld đến năm 2021.
Với mục tiêu trở thành công ty tỷ đô, thử thách lớn hơn dành cho Ban điều hành là phải đưa ngành thiết bị văn phòng thành trụ cột tăng trưởng trong ICT, đồng thời phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng. Tôi tin rằng, với xu thế không thể đảo ngược của chuyển đổi số, mảng thiết bị văn phòng sẽ đạt tăng trưởng trung bình 25% và sẽ vượt mảng máy tính trong vòng 3 năm tới. Còn ngành hàng tiêu dùng, với quyết tâm và nhiệt huyết của tập thể Digiworld, sẽ có những bước phát triển đột phá hơn nữa trong tương lai."
Mặc dù chưa tham gia vào ngành hàng FMCG như 2 đồng nghiệp, song FPT Retail cũng đánh giá thị trường này rất cao.
Bà Nguyễn Bạch Điệp – Giám đốc FPT Retail chia sẻ với chúng tôi: thật ra, quy mô thị trường của mảng FMCG cực lớn, lớn hơn vài lần so với những mảng hiện tại mà công ty bà đang kinh doanh (thiết bị di động và dược phẩm), nên về bản chất là rất hấp dẫn. Thứ hai, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm hơn 20%, còn kênh bán hàng truyền thống chợ - tiệm tạp hóa vẫn chiếm tới 80%, nên ai cũng thấy nó tiềm năng và quả thật nó rất tiềm năng.
Về cửa hàng tiện lợi, so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, số lượng tại Việt Nam vẫn còn ít. Ở Indonesia, nếu chỉ tính 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, đã có 17.000 cửa hàng, chưa đếm số lượng cửa hàng của các doanh nghiệp nhỏ; còn tại Việt Nam, doanh nghiệp nhiều nhất là Vinmart có chưa đến 2.000 cửa hàng, nhiều chuỗi khác chỉ được vài trăm.
Bà Điệp cũng cho rằng, bài toán quan trọng nhất của các doanh nghiệp đầu tư vào cửa hàng tiện lợi bây giờ là phải đẩy nhanh độ phủ sóng, xây dựng hạ tầng, xây dựng hệ thống sẵn sàng chờ cơ hội đến - tức là lúc thị trường bùng nổ. Thế nên, trong giai đoạn này, doanh nghiệp đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi phải sẵn sàng chịu lỗ và phải chấp nhận lỗ.
"Giống như tôi nói, bài toán vẫn là thời điểm. Càng ngày giới trẻ càng thích sự tiện lợi, sạch sẽ - mát mẻ - mua ngay – làm ngay, không thích chờ đợi, không thích di chuyển xa. Tuy nhiên, muốn thay đổi hoàn toàn thói quen của người tiêu dùng Việt phải qua vài thế hệ và cần thời gian. Quan trọng là chúng ta phải biết thời điểm đó là bao giờ", bà Nguyễn Bạch Điệp kết luận.
Có lẽ, vì không có nhiều tiền để liên tục chịu lỗ cũng như cảm thấy còn rất lâu người tiêu dùng Việt mới thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng, nên FPT Retail chọn mảng dược phẩm để thử sức trước thay vì FMCG?!
Trí thức trẻ