Miệt mài đấu thầu thuốc, thiết bị y tế bao năm qua, tiết kiệm được những gì?
Một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, minh bạch, công khai nhưng các cơ sở y tế tư nhân áp dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được thuốc, thiết bị y tế giá rẻ hơn cơ sở y tế công lập.
Cùng đấu thầu, cơ sở y tế tư nhân luôn đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu chiều nay (6/11), đại biểu Trần Thị Nhị Hà, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhà thuốc bệnh viện là nơi cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.
Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó ở cùng thời điểm hoặc không cao hơn giá trúng thầu tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong 12 tháng.
Do đặc thù nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh nên không dự trù trước được danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó đề xuất được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải đi mua bên ngoài, vừa bất tiện vừa khó kiểm soát chất lượng, giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
“Quy định khoản 1, điều 2 và khoản 2 điều 55 Luật Đấu thầu gây không ít khó khăn cho nhà thuốc bệnh viện. Khi triển khai thực tế, rất nhiều sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn đến Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập và xin hướng dẫn nội dung này”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, đối với việc mua vaccine dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo đại biểu, chúng ta đang phải chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn trong việc đấu thầu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí cả thuốc hiếm, biệt dược gốc và thiết bị y tế hiện đại.
Mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, minh bạch, công khai nhưng việc các cơ sở y tế tư nhân áp dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được thuốc, thiết bị y tế giá rẻ hơn cơ sở y tế công lập.
“Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và như một lời thách thức lớn lao cho công tác đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Nữ đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh.
Người bệnh sẽ phải chịu thêm thuế/phí
Đồng quan điểm đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 như sau: Đối với việc mua sắm thuốc không thuộc đối tượng BHYT chi trả, mua vaccine tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, hàng hóa bán lẻ (bao gồm mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập) thì cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Hiện nay nếu sửa như dự thảo Luật là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện công lập.
Nguyên do mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào áp giá. Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian các bước không thể cắt ngắn được.
Trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác. Hiện nay cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.
“Nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây có cả chi phí tổ chức đấu thầu và các chi phí, thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm. Người dân sẽ lại phải chịu tăng thêm chi phí này”, đại biểu đoàn Thái Bình nêu ý kiến.
Nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn có nguồn thu khác như: căng-tin, tạp hóa. Nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM cho rằng những quy định về mua sắn thuốc trực tiếp là không cần thiết, thay vào đó là chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, đàm phán giá…
“Thực tế trên thị trường vừa qua chúng ta đã thấy rồi. Tại sao bao nhiêu năm không thiếu thuốc? Bây giờ mới thiếu? Không thể đổ thừa hết cho Covid-19, không thể nói đứt hàng sau chiến tranh… Chúng ta phải nhìn thấy rõ ràng là chúng ta tự làm khó mình. Chúng ta tự làm khổ mình”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, mục tiêu số một là làm sao bảo đảm việc nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm thuốc, chất lượng…
“Còn giá cả thì liệu đã có những công trình nào? kết quả nghiên cứu nào để đánh giá lại, qua những năm miệt mài đấu thầu. Như vậy tiết kiệm được cái gì?”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.
VOV