Minh bạch trong thu hồi đất
Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thu hồi, trưng dụng đất là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân.
- 11-05-2023Bồi thường thu hồi đất phải công bằng, minh bạch, đúng pháp luật
- 11-05-2023Thu hồi ‘đất vàng’ cho doanh nghiệp thuê nhiều năm tại Đà Lạt
- 01-05-2023Thu hồi đất để đấu giá với dự án có chênh lệch địa tô cao
2 loại ý kiến về thu hồi đất
Trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo luật lấy ý kiến nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng, thu hồi, trưng dụng đất (chương VI) là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.
Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 77.
Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, làm rõ tiêu chí về sự cần thiết đối với các trường hợp thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân do các công trình này có thể vừa phục vụ cả quốc phòng và dân dụng theo quy định tại Điều 74 dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm. Dự thảo luật đã có quy định cụ thể tuy nhiên cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. “Cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”? Thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng?”-bà Nga chỉ rõ và đề nghị cần quy định thật rõ ràng cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.
Quy định cụ thể trong luật việc xây dựng, áp dụng bảng giá đất
Về bảng giá đất, ông Thanh cũng đề nghị, quy định cụ thể trong luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất như Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu. “Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật về các phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất. Có ý kiến đề nghị thu hẹp các phương pháp định giá đất, cân nhắc ưu tiên sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh. Xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại điểm i khoản 3 Điều 155 về bảng giá đất được dùng làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm không tạo kẽ hở trong chính sách để trục lợi”-ông Thanh cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, các nội dung cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như: Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, qua rà soát nhận thấy kết quả lấy ý kiến nhân dân có quy mô và thực hiện tốt, được nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. Do đó nên có hình thức báo cáo lại với nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân. Theo đó ít nhất phải đăng tải công khai báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Tuy nhiên thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho rằng, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế.
Đại đoàn kết