Mirae Asset: Mức giảm giá của VND được kỳ vọng ở mức vừa phải trong năm 2023
Ngoài ra, Mirae Asset dự báo, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Tăng trưởng tín dụng sẽ khó cao như các năm trước.
- 08-01-2023Lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm 2022 đạt kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,2%
- 08-01-2023USD giảm sâu, giá vàng tăng vọt phiên cuối tuần
- 07-01-2023Nhiều CTCK dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm 2023
Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trước mắt, nền kinh tế VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Ở khía cạnh tích cực, thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2%, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngõ, và triển vọng kinh tế chưa quả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản. Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, MiraeAsset cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Trong ngắn hạn, cho vay cá nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, do các bất ổn về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung; vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.
Về lãi suất, các chuyên gia của Mirae Asset đưa ra dự báo, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất do do với lãi suất điều hành (LSĐH) của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19, mức LSĐH của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng LSĐH trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong Quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.
Về tỷ giá, nhóm phân tích cho rằng mức giảm giá của VND sẽ ở mức vừa phải trong năm 2023. Trước đó, trong năm 2022, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên, Đồng Việt Nam (VND) mất giá tương đối thấp khi so với mức mất giá của các đồng tiền châu Á khác trong năm 2022. Đáng chú ý, Việt Nam đã bán khá nhiều USD để ổn định thị trường ngoại hối, với dự trữ ngoại hối giảm từ gần 110 tỷ USD vào cuối tháng 1 xuống còn khoảng 85,8 tỷ USD vào cuối tháng 9. Cùng với áp lực lạm phát gia tăng, NHNN cũng đã tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 6% (bằng mức trước Covid) với hai lần tăng liên tiếp, mỗi lần 100 điểm cơ bản, lần lượt vào ngày 23/9 và 25/10/2022.
Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, không chỉ riêng Fed, sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Với kì vọng này, dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt trong nửa đầu năm 2023 trước khi nới lỏng dần. Như vậy, mức giảm giá của VND được kỳ vọng sẽ ở mức vừa phải nhờ cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN. Ngoài ra, việc củng cố chính sách tài khóa (với tỷ lệ nợ công năm 2021 là 43,1% GDP) và bộ vốn đệm để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài (nhờ dòng vốn FDI ổn định và thặng dư tài khoản vãng lai) sẽ giúp ổn định vĩ mô nói chung.
Nhịp sống thị trường