Mít Thái giá rẻ, nông dân lo lắng
Sản lượng tăng giữa lúc tiêu thụ giảm làm giá mít Thái xuống thấp và kéo dài khiến nông dân lo lắng.
- 01-12-2021Mít Thái chưa bao giờ rẻ như thế, chỉ 2.000 đồng/kg
- 08-06-2021Mít ruột đỏ giá cao gấp 10 lần mít Thái vẫn cháy hàng
- 17-02-2021Đầu năm, mít Thái tại Tiền Giang được giá
Hồi cuối tháng 11, nhiều vựa trái cây tại TP HCM rao bán mít Thái nguyên trái giá 12.000 đồng/kg, nay giảm còn 10.000 - 11.000 đồng/kg; mít xẻ miếng (bỏ cùi, bỏ hạt xung quanh) từ 25.000 đồng/kg còn 20.000 đồng/kg.
Theo ông Huỳnh Trung Chánh, chủ một vườn mít tại Tiền Giang, giá mít tại vườn loại rẻ nhất chỉ 1.000 đồng/kg, cao nhất 12.000 đồng/kg. "Hàng nội địa thường là mít chín cây hoặc trái dưới 9 kg/quả, giá chỉ 1.000 - 5.000 đồng/kg. Trước đây, lâu lâu mới có đợt mít rộ mùa giá rẻ, còn nay giá thấp kéo dài khiến nông dân lo lắng, nhất là các vườn mới chuyển đổi sang trồng mít, chưa thu hồi được vốn đầu tư" - ông Chánh nói.
Mít Thái giá rẻ ngay thời điểm cuối năm
Báo cáo của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sản lượng mít năm nay ước đạt 524.000 tấn, tăng 10% so với năm 2020. Trong tháng 12, mít tiếp tục thu hoạch rộ tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang. Nếu diễn biến của dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp sẽ ảnh hưởng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu thì việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết theo thông lệ hằng năm, hiện nay là thời điểm giá mít cao vì là mùa đông của Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Vì vậy, giá mít rẻ lúc này là bất thường. Trung Quốc đang giảm mua mít Việt Nam vì yếu tố dịch bệnh cũng như một số vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm. Vì vậy người trồng cần phải kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vì thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước.
Người lao động