MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở cửa du lịch trước áp lực cạnh tranh: Làm gì khách đến và quay trở lại?

Ai cũng hiểu rằng sẽ cần có thời gian để du khách quay trở lại, không phải cứ mở cửa là có khách. Tuy nhiên, cũng không phải cứ ngồi im rồi khách sẽ đến nhà.

Hôm nay là ngày đầu tiên cho 3 ngày nghỉ dịp lễ giỗ tổ 10/3 âm lịch. Mỗi một kỳ nghỉ dài thường mọi người đã có những kế hoạch và đa phần trong đó là du lịch . Hết kỳ nghỉ này là kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày và đây cũng là một dấu mốc quan trọng của du lịch khi đánh dấu vào mùa du lịch nội địa. Nhưng đó là trước đây - thời điểm trước dịch còn nay điều đó liệu có còn đúng?

Hội chợ du lịch quốc tế VITM là một trong các hoạt động đầu tiên, đánh dấu thời điểm bắt đầu phục hồi ngành. Khung cảnh ở VITM Hà Nội 2022 không quá nhộn nhịp như những năm trước. Số lượng gian hàng của các công ty cũng ít hơn nhường vị trí trung tâm cho du lịch các địa phương xúc tiến điểm đến và là nơi trưng bày của các doanh nghiệp lữ hành lớn.

Du khách bày tỏ mong muốn đi du lịch nhưng tâm lý e dè còn khá nặng sau đại dịch. Đặc biệt với du lịch quốc tế - nguồn thu khổng lồ cho những doanh nghiệp du lịch lớn, lượng chốt đơn tương đối ít.

Lữ hành Vietravel cho hay, năm 2019, trong 4 ngày ở hội chợ, đơn vị này thu về đến 25 tỷ đồng. Năm nay, doanh thu đạt khoảng gần 6 tỷ đồng. Việc khôi phục ngành ngay khi vừa mở cửa chưa thể kỳ vọng nên nhiều doanh nghiệp đang đặt mục tiêu phấn đấu từ từ, theo lộ trình 30 - 50 - 70 -100% rồi mới tính tiếp chuyện phát triển. Với nhiều doanh nghiệp, việc tham dự hội chợ chủ yếu giới thiệu bộ sản phẩm mới để đo nhu cầu thị trường, đồng thời, kết nối lại chuỗi dịch vụ đã bị phá vỡ.

Cơ hội phục hồi du lịch

Mở cửa du lịch trước áp lực cạnh tranh: Làm gì khách đến và quay trở lại? - Ảnh 1.

Ba tháng đầu năm, lượng khách nội địa là 26 triệu lượt, đạt hơn 1/3 mục tiêu đề ra trong cả năm 2022. Ảnh minh họa.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong quý I/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 91.000 lượt, tăng 89% và khách nội địa đạt 26,5 triệu lượt, tăng 58% so với cùng kỳ 2021.

Thực tế, mở cửa không phải chỉ là một quyết định hành chính, với du lịch càng thể hiện rõ. Nhưng ở thời điểm này, du lịch đang đứng trước những mốc thời gian quan trọng và cơ hội là không hề ít.

Ghi nhận mỗi ngày, nền tảng đặt phòng Vntrip tiếp nhận từ 3.000 - 4.000 cuộc gọi đặt phòng khách sạn và vé máy bay. Khoảng 20 ngàn booking đã được khách chốt từ tháng 4 đến tháng 9...dù mức vé máy bay trong nhiều ngày của mùa cao điểm tăng cao hơn ngày thường khoảng 40%.

Du khách ưa chuộng các combo du lịch tự túc vì mức giá hấp dẫn, lịch trình tự do và có thể chủ động di chuyển bằng ô tô.

Theo khảo sát, nghỉ dưỡng biển đang chiếm hơn 60% các tour tuyến du lịch. Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu kín tới 90% phòng trong hai ngày 30/4 - 1/5. Càng gần đến kỳ nghỉ, lượng khách mua tour càng tăng, dự kiến trong tuần sau, lượng đặt tour của các công ty lữ hành sẽ đạt đến 70 - 80% kế hoạch đề ra.

Ba tháng đầu năm, lượng khách nội địa là 26 triệu lượt, đạt hơn 1/3 mục tiêu đề ra trong cả năm 2022.

Áp lực cạnh tranh khi nhiều quốc gia mở cửa đón khách

Ai cũng hiểu rằng sẽ cần có thời gian để du khách quay trở lại, không phải cứ mở cửa là có khách. Tuy nhiên, cũng không phải cứ ngồi im rồi khách sẽ đến nhà. Vậy du lịch Việt Nam cần làm gì, thay đổi ra sao sau khi đã mở cửa?

Các chuyên gia cho rằng, công việc xúc tiến, quảng bá du lịch vào thời điểm này là vô cùng quan trọng.

Ông Phùng Quag Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho hay: "Cần có ngay các đoàn farmtrip của các hãng lữ hành, nhà báo nước ngoài đến thực địa ở Việt Nam để chứng kiến sự sẵn sàng của du lịch Việt Nam với du khách quốc tế. Đây là cách kết nối thị trường nhanh nhất, hiệu quả nhất".

"Đối với du khách Hàn Quốc, Việt Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, du khách chỉ biết một vài nơi. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam nên đẩy mạnh quảng bá thêm nhiều địa điểm đó nữa, ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…", ông Lee Jae Hoon - Trưởng đại diện văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ.

Khi khách đã đến nhà, để giữ chân họ được lâu và mong họ quay trở lại thì lại cần bày ra một bàn tiệc đủ hấp dẫn. Đó chính các sản phẩm du lịch đặc trưng đúng như xu hướng của du khách hậu COVID-19.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay: "Đà Nẵng đang khuyến khích các doanh nghiệp, tăng trải nghiệm cho du khách, tăng các sản phẩm về thiên nhiên xanh, an toàn, du lịch y tế… Các sản phẩm rất đặc thù và đi sâu vào nhu cầu chuyên biệt của du khách".

Mở cửa du lịch trước áp lực cạnh tranh: Làm gì khách đến và quay trở lại? - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, công việc xúc tiến, quảng bá du lịch vào thời điểm này là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa.

Du lịch Việt mở cửa, đón nhận cơ hội, nhưng cũng nhận không ít thách thức đến từ sự cạnh tranh quyết liệt khi rất nhiều quốc gia trên thế giới và cả các "đối thủ" trong khu vực cũng đã bắt đầu mở cửa đón khách. Tuy nhiên, dù xuất phát chậm, Việt Nam lại có lợi thế của người đi sau.

"Thái Lan đã có dấu hiệu của sự bão hòa, trong khi những quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam, lại nổi lên là điểm đến mới với những sản phẩm du lịch càng ngày càng hấp dẫn", ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.

Dù là thách thức hay cơ hội, du lịch Việt Nam cũng đang bước vào sự cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia, bởi đại dịch đã đưa ngành công nghiệp không khói toàn thế giới về lại điểm xuất phát. Những quốc gia nào có sự chuẩn bị tốt hơn, sẽ tiến nhanh hơn trên quá trình phục hồi.

Vây doanh nghiệp du lịch cần làm gì để thị trường phục hồi? Cái khó về chính sách quan trọng nhất là mở cửa đã được tháo gỡ nhưng phục hồi không phải chỉ là một quyết định hành chính mà phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, điều này đã được làm tốt chưa?


Theo Ban Thời sự

VTV.VN

Trở lên trên