MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở cửa du lịch từ ngày 15/3: Hai bộ có ý kiến trái chiều về điều kiện với du khách

Mở cửa du lịch từ ngày 15/3: Hai bộ có ý kiến trái chiều về điều kiện với du khách

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) kiến nghị giữ nguyên nhiều quy định như trong phương án đón khách trước đó đã đề xuất, thay vì thuận theo một số góp ý thắt chặt của Bộ Y tế ngày 26/2.

Bộ Y tế siết chặt các biện pháp phòng chống dịch với du khách

Ngày 2/3, Bộ Y tế đã có phản hồi về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, trong công văn khẩn số 90/BYT-DP, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo công văn, Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 ít nhất là 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh được công nhận).

Với trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao, Bộ Y tế cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. 

Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc Covid-19 thì không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ; sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 mới được dời nơi lưu trú. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.

Về ứng dụng khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu du khách cài và sử dụng ứng dụng PC-COVID  trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam và luôn đảm bảo 5K. Trong trường hợp có các triệu chứng: ho, sốt, đau họng, sổ mũi... cần báo với cơ quan y tế để cách ly theo quy định.

Bộ VH-TT&DL không thắt chặt với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến sau khi tổng hợp phản hồi từ các Bộ liên quan. Trong đó, Bộ VH-TT&DL kiến nghị giữ nguyên nhiều quy định như trong phương án đón khách trước đó đã đề xuất, thay vì thuận theo một số góp ý thắt chặt của Bộ Y tế ngày 26/2.

Trong đó, điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi "xuất cảnh", thay vì "nhập cảnh" như Bộ Y tế đề xuất. Chứng nhận tiêm vắc- xin đủ mũi hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh được giữ nguyên.

Bộ VH-TT&DL cũng kiến nghị du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm Covid-19. Kết quả âm tính được tham gia các hoạt động du lịch. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt xét nghiệm ngay tại cửa khẩu, âm tính có thể du lịch luôn không cần cách ly.

Văn bản cũng nêu rõ quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt quốc tế, nội địa và tạo thuận lợi để hút khách đến Việt Nam. Trước đó Bộ Y tế có ý kiến du khách bắt buộc ở lại nơi lưu trú trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh và 72 giờ không nên rời khỏi nơi lưu trú, nếu muốn rời đi phải có xét nghiệm Covid-19 hằng ngày.

Hiện tại, dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các Bộ, ngành để góp ý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.

https://cafef.vn/mo-cua-du-lich-tu-ngay-15-3-hai-bo-co-y-kien-trai-chieu-ve-dieu-kien-voi-du-khach-2022030409543369.chn

Hoàng Tùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên