MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở cửa sản xuất trong điều kiện “sống chung với dịch”

15-09-2021 - 10:25 AM | Doanh nghiệp

Thủ tướng cho phép mọi hàng hóa được lưu thông, chỉ trừ hàng cấm kinh doanh.

Thủ tướng cho phép mọi hàng hóa được lưu thông, chỉ trừ hàng cấm kinh doanh.

Kịch bản mở cửa là các doanh nghiệp sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình và quy mô doanh nghiệp và cơ cấu lao động mà doanh nghiệp sử dụng.

Các biện pháp chống dịch thời gian vừa qua đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp cũng đang mong đợi đến thời điểm được khởi động trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp nhìn nhận những vấn đề này trong cuộc trò chuyện với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Mở cửa sản xuất trong điều kiện “sống chung với dịch” - Ảnh 1.

- Mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, nhưng doanh nghiệp vẫn bức xúc về tình trạng “gây khó” từ những biện pháp chống dịch “cục bộ địa phương”. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh do biến chủng Delta khiến các tỉnh, thành phố đều phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có những biện pháp gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa .

Nhận thức chung của chúng ta là virus không lây lan qua đồ vật, và hàng hóa vẫn phải lưu thông để duy trì hoạt động kinh tế cũng như đời sống người dân, nhưng các biện pháp chống dịch của nhiều địa phương chỉ quan tâm đến hạn chế di chuyển của con người, bất kể sự di chuyển đó có an toàn hay không (tài xế đã có xét nghiệm âm tính, đã tiêm vaccine).

Thế nên có tình trạng các biện pháp đua nhau ban hành các hạn chế, còn các Bộ ngành lại phải “chạy theo” để gỡ. Vất vả nhất là Bộ Giao thông Vận tải. Việc đưa ra “Luồng Xanh” chính là để tạo ra một lối thoát cho dòng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh. Rồi khi Hải Phòng yêu cầu tài xế phải xét nghiệm PCR, Cần Thơ yêu cầu xe đến thành phố phải sang tải... Bộ đều đã phải lên tiếng.

Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị cho phép mọi hàng hóa được lưu thông, chỉ trừ hàng hóa cấm kinh doanh. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ra văn bản chỉ đạo việc này.

Nhưng thực tế, tình trạng lấy lý do “hàng không thiết yếu” để ngăn xe tải qua chốt vẫn diễn ra. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, làm gì còn khái niệm “hàng thiết yếu” hay “hàng không thiết yếu” nữa, mọi xe chở hàng hóa đều phải được lưu thông bình thường, miễn là xe đã được cấp mã QR Luồng Xanh hoặc tài xế có xét nghiệm âm tính trong vòng 72h. Tôi nhấn mạnh chữ “hoặc”, tức là chỉ cần một trong hai điều kiện thôi, chứ không phải cả hai điều kiện đều phải đáp ứng như một số địa phương đã đòi hỏi.

Chúng ta chỉ có thể yên tâm “sống chung” khi đã có trang bị đầy đủ, đó là vaccine, đó là thuốc chữa COVID-19, đó là thái độ của bản thân mỗi người trong việc chấp hành các biện pháp phòng hộ

- Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” trong thực thi các biện pháp chống dịch diễn ra như thế nào, thưa ông?

Một thực tế mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh nhiều là văn bản của Chính phủ, của Bộ ngành ban hành nhưng các địa phương vẫn không thực hiện đúng. Điển hình nhất là việc địa phương yêu cầu người từ nơi khác đến (kể cả tài xế) phải có xét nghiệm PCR âm tính, trong khi văn bản của Chính phủ và Bộ Y tế đều chỉ nói đến xét nghiệm âm tính, không phân biệt là PCR hay test nhanh.

Một thực tế ít được phản ánh trên báo chí, nhưng trong các nhóm thảo luận của doanh nghiệp được nhắc đến rất nhiều, đó là ngay trong một tỉnh, thậm chí một huyện thì các xã thực hiện cũng rất khác nhau. Đặc biệt là các chốt tự quản của thôn, xã, người thực thi chỉ có một mục đích là không cho người qua lại, bất chấp quy định của các cấp trên. Đây là minh họa điển hình của câu nói “phép vua thua lệ làng”. Một doanh nghiệp giày ở huyện Ba Vì đã phải dừng hoạt động vì người dân địa phương không cho công nhân ở nơi khác vào làm, dù Ba Vì là Vùng Xanh. Vị giám đốc doanh nghiệp này phải thốt lên: “Tự nhiên phân vùng xong thì Vùng Xanh lại còn quản chặt hơn cả Chỉ thị 16!”. Đấy là nỗi khổ mà doanh nghiệp không kêu ai được.

Điều này xảy ra một phần vì các quy định ban hành ra rất nhiều, thay đổi liên tục, từ thành phố xuống đến huyện, huyện đến xã, xã về thôn. Cán bộ thực thi ở các chốt lại không được phổ biến thấu đáo, thậm chí chỉ là phổ biến theo kiểu “truyền miệng” chứ không có văn bản nên việc thực hiện theo cảm tính. Một doanh nghiệp cũng đã nói: “Quy định của các Bộ chỉ áp dụng được ở trên đường lớn thôi, chứ về các đường tỉnh, huyện thì còn xa vời lắm”. Tôi nghĩ, đây là điều rất cần lưu ý khi thiết kế chính sách, đó là khả năng đảm bảo thực thi đúng, đủ các nội dung của chính sách ở các cấp.

- Việc cấp mã QR Luồng Xanh tại thời điểm này có cần thiết nữa hay không?

Như trên đã nói, hàng hóa không làm lây truyền dịch bệnh nên đối tượng giám sát ở đây chỉ là con người, cụ thể là tài xế. Các biện pháp kiểm soát chỉ hướng đến việc đảm bảo tài xế thuộc đối tượng an toàn. Đối tượng an toàn trước đây chỉ có một cách xác định - đó là có chứng nhận xét nghiệm âm tính (bất kể là test nhanh hay PCR) trong vòng 72 h. Bây giờ, với độ phủ tiêm vaccine như hiện nay, nên đưa thêm một tiêu chí an toàn nữa là tài xế đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine.

Mã QR Luồng Xanh được cấp cho xe, không phải cấp cho tài xế. Mà một xe thì có thể do các tài xế khác nhau điều khiển. Vì vậy, một chiếc xe được cấp mã QR Luồng Xanh không có nghĩa là tài xế đang điều khiển chiếc xe đó thuộc đối tượng an toàn. Cách kiểm soát như vậy tưởng chặt, nhưng vô hình trung lại không đạt được mục đích.

Hơn nữa, mã QR Luồng Xanh được cấp cho các xe chở hàng thiết yếu để đi qua chốt. Nhưng với chỉ đạo như trên của Phó Thủ tướng, không còn khái niệm hàng thiết yếu nữa, hay nói cách khác, hàng hóa nào cũng là thiết yếu. Hàng hóa, cũng giống như phương tiện (xe tải), không phải là đối tượng kiểm soát. Như vậy thì việc cấp mã QR Luồng Xanh không còn ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Mở cửa sản xuất trong điều kiện “sống chung với dịch” - Ảnh 3.

Khi mở cửa trở lại thì an toàn phòng dịch vẫn phải là điều kiện đặt lên hàng đầu.

- Ông đã từng nói đến một sách lược lâu dài, “sống chung với dịch” từ đầu tháng 8. Vậy ông nhìn nhận việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh “sống chung với dịch” như thế nào?

Loại trừ được hoàn toàn dịch bệnh khỏi cuộc sống là điều ai cũng mong muốn. Nhưng thực tế là chúng ta không thể làm được điều đó trong tương lai gần, trong khi nền kinh tế không thể “đóng băng” mãi. Nên việc “sống chung với dịch” là quan điểm tất yếu, và nhiều nước chứ không riêng Việt Nam đều đã chấp nhận như vậy.

Tuy nhiên, vì dịch vẫn còn đấy nên chúng ta chỉ có thể yên tâm “sống chung” khi đã có trang bị đầy đủ, đó là vaccine, đó là thuốc chữa COVID-19, đó là thái độ của bản thân mỗi người trong việc chấp hành các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, súc nước muối, đó là thay đổi trong thói quen mỗi người như phải tập thể dục nhiều hơn để nâng cao thể lực... Cũng như để sống chung với lũ thì người dân phải được trang bị áo phao, nhà phao, phải được tập huấn trước những kỹ năng cần thiết khi lũ về.

Chừng nào còn phải “sống chung với dịch”, tức là dịch bệnh vẫn còn, thì cũng sẽ phải chấp nhận những thiệt hại do dịch đem đến. Ví như chi phí cho công tác phòng dịch, điều trị, thiếu hụt lao động, bỏ lỡ chi phí cơ hội do phải mất thời gian xử lý dịch bệnh ở những thời điểm cụ thể... Nhưng tựu trung, lợi ích từ việc mở cửa kinh tế, đời sống vẫn lớn hơn so với những thiệt hại kể trên.

- Kịch bản mở cửa sẽ là như thế nào, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta hiện nay mới đạt hơn 30% dân số, thưa ông?

Một doanh nghiệp đã cho biết, cứ mỗi tuần đóng cửa thì phải mất 2-3 tuần để phục hồi. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế không có nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ ngay lập tức trở lại như trước khi có dịch.

Khi mở cửa trở lại thì an toàn phòng dịch vẫn phải là điều kiện đặt lên hàng đầu. Điều kiện an toàn ở đây như đã nói ở trên, có thể thông qua các tiêu chí như người lao động đã được tiêm vaccine, hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72h. Ngoài ra, có thể đề xuất thêm những tiêu chí khác như người lao động thuộc Vùng Xanh, Vùng Cam, những nơi có ít ca lây nhiễm trong một thời gian nhất định.

Mặt khác, các doanh nghiệp ở khu vực giãn cách xã hội lâu ngày như 19 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ thì hiện nay thiếu lao động là một khó khăn phải đối diện. Qua nhiều lần kéo dài giãn cách, người lao động phải rời nhà máy tìm về quê quán để tránh dịch và giảm bớt chi phí sinh hoạt. Họ vẫn còn tâm lý ngần ngại khi trở lại những vùng có số ca nhiễm hàng ngày còn cao. Chưa kể các biện pháp hạn chế đi lại cũng làm cho họ ngại bị làm khó hoặc mất thêm chi phí để xét nghiệm.

Do vậy, kịch bản mở cửa là các doanh nghiệp sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình và quy mô doanh nghiệp và cơ cấu lao động mà doanh nghiệp sử dụng. Có doanh nghiệp có thể mở lại 20%, có doanh nghiệp có thể 50%. Quy trình lao động cũng sẽ phải khác trước đây. Doanh nghiệp bố trí người lao động làm việc giãn cách càng nhiều càng tốt. Các tổ, đội, nhóm làm việc tách biệt để trong trường hợp có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng xử lý một bộ phận liên quan mà không phải dừng hoạt động cả doanh nghiệp. Đương nhiên, việc đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian làm việc, thường xuyên rửa tay, súc nước muối mũi họng vẫn là những yêu cầu tối thiểu mỗi người lao động phải thực hiện.

- Dịch bệnh tác động đến xuất nhập khẩu như thế nào, thị trường xuất khẩu có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông? Liệu các chuỗi cung ứng có bị dịch chuyển ra khỏi Việt Nam hay không?

Cho đến nay, chưa có đơn vị nào thực hiện thống kê, điều tra về mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và nền kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, chúng ta thấy rằng 19 tỉnh, thành phố Phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp của ta vẫn duy trì được sản xuất và tiếp tục xuất khẩu, nhưng con số trên cho thấy nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn.

Về thị trường, cơ bản hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm.

Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới.

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực sự sẽ có khó khăn. Dòng tiền cạn kiệt khi không tạo ra doanh thu trong lúc vẫn phải chi trả các khoản tiền cố định như thuê mặt bằng, khấu hao tài sản, lãi ngân hàng cho đến phí Công đoàn... Nhiều doanh nghiệp không thể đợi đến ngày được mở cửa sản xuất trở lại. Những doanh nghiệp nhỏ cũng dễ bị mất đơn hàng hơn vì khách hàng có nhiều lựa chọn để thay thế. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cũng tập trung hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Nguyên

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên