Mở đường cho cá tra 'Bắc tiến'
Theo các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá thì đây là lần đầu tiên, một hội chợ có quy mô lớn chuyên đề về ngành hàng cá tra được tổ chức, với kỳ vọng mở cửa cho thị trường cá tra "Bắc tiến".
- 03-10-2017Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam
- 29-09-2017“Khan” hàng xuất khẩu, giá cá tra và tôm tăng mạnh
- 14-09-2017Giá cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh
Chỉ với diện tích nuôi khoảng 5.000ha nhưng cá tra hiện nay đã tạo ra ngành hàng thủy sản XK hàng năm với sản lượng trên 1 triệu tấn, kim ngạch XK trên 1,7 tỉ USD, và là ngành hàng thủy sản XK chủ lực lớn thứ 2 của nước ta sau tôm nước lợ.
Hội chợ là cơ hội để phát triển thị trường cá tra tại các tỉnh phía Bắc
Hiếm có con thủy sản nào cho năng suất, giá trị và dễ nuôi như con cá tra. Cá tra đã từng một thời là con làm giàu cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian gần đây, giá cá tra có lên xuống nhưng tiềm năng để nuôi trồng, chế biến cá tra còn rất lớn.
Đến nay, với hơn 40 chủng loại sản phẩm giá trị gia tăng đã được chế biến từ cá tra, con cá tra Việt Nam đã được XK sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Bắc nước ta, các sản phẩm cá tra vẫn đang là mặt hàng rất mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người.
Theo các DN xuất khẩu cá tra, gần đây, Trung Quốc cũng là thị trường có sức hút rất lớn về tiêu thụ cá tra. Vì cá tra giá cả vừa phải, vận chuyển sang Trung Quốc khá gần, tiết giảm được chi phí. Vì vậy, hiện một số DN xuất khẩu cá tra đã và đang chuyển mạnh việc XK sang thị trường Trung Quốc.
Nhất là gần đây, việc Hoa Kỳ áp dụng đạo luật Farm Bill tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm cá da trơn cũng đang khiến nhiều DN khó khăn, tụt giảm mạnh về số lượng các lô hàng XK sang thị trường truyền thống này.
Trong bối cảnh đó, Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam chính là sự kiện có tính chất đòn bảy cho chiến lược khai thác thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc nhằm từng bước đa dạng hóa thị trường cho mặt hàng cá tra, tránh để con cá tra bị phụ thuộc quá lướn vào một hay vài thị trường. Nói cách khác, chính chúng ta phải tạo thị trường tại chỗ, không nên chỉ trông chờ vào xuất khẩu.
Tại hội chợ lần này, bên cạnh hàng loạt các tên tuổi lớn về ngành hàng cá tra của Việt Nam như Tập đoàn IDI, Cty Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nam Việt..., còn có sự tham gia của nhiều đơn vị phân phối, bán lẻ trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Cty CP Nhất Nam (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết hiện nay, hệ thống siêu thị Fivimart tại phía Bắc đã phân phối một số sản phẩm cá basa như basa cắt khúc đông lạnh, cá basa khô tộ...
Đặc biệt gần đây, hệ thống siêu thị đã phân phối thêm sản phẩm cá basa đông lạnh nguyên con, được người tiêu dùng tại Hà Nội khá ưa thích. Hiện sản lượng tiêu thụ mặt hàng cá basa của Fivimart mới chỉ khoảng 5 tấn/tháng, mặc dù đây là con số còn khiêm tốn nhưng triển vọng của thị trường phía Bắc còn rất lớn.
“Việc Bộ NN-PTNT tổ chức hội chợ cá tra lần này là cách làm rất đúng hướng bởi dư địa thị trường tại phía Bắc còn rất lớn. Bên cạnh đó, việc lâu nay các DN chủ yếu đầu tư cho XK mặt hàng cá tra, trong khi thị trường nội địa lại bỏ ngỏ sẽ dẫn tới nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện các thị trường XK ngày càng thắt chặt”, bà Hậu đánh giá.
Ngoài chủ đề chính của hội chợ lần này là các sản phẩm từ cá tra, hội chợ sẽ có thêm một số nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực của nước ta như cá hồi, cá tầm, cá chiên, cá anh vũ, các sản phẩm đặc sản biển và sản phẩm chế biến từ hải sản. Có nghĩa là, khách tham quan có nhiều sự lựa chọn, phục vụ nhiều gu khẩu vị khác nhau.
Ngoài khoảng 100 gian hàng với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp lớn về ngành hàng cá tra và thủy sản trong nước, Ban tổ chức còn mời 40 đại sứ quan các nước là các thị trường tiềm năng về XK cá tra tham dự sự kiện này như các nước ASEAN, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản...
Nông nghiệp Việt Nam