Mở đường lớn, đầu tư tổng thể để du lịch hồ Ba Bể thuận lợi phát triển
Hành trình từ thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đến Khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) dài khoảng 70km và người đi sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe ôtô cá nhân trong điều kiện giao thông bình thường.
- 30-03-2024Bổ sung thêm 3 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai – TPHCM
- 30-03-2024Hình ảnh '4 con rồng bay' ở cây cầu 20.000 tỷ đồng vượt sông Hồng lớn bậc nhất Việt Nam sắp khởi công
- 30-03-2024Trục động lực sông Hồng: Mở ra không gian đáng sống cho Thủ đô
Đây là cung đường thuận lợi, ngắn nhất đi từ thành phố Bắc Kạn vào khu du lịch hồ Ba Bể tính đến thời điểm này.
Phó Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Mạnh Trường cho biết, chỉ trong quý II-III năm nay, đoạn đường 37km từ thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể (thuộc dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) sẽ được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Khi đó, người dân từ thành phố Bắc Kạn nếu đi thong thả cũng chỉ khoảng 45 phút là tới nơi bởi đường mới mở có mặt đường rộng, thẳng hơn, dốc ít hơn...
Đoạn tuyến Km37 - Km39 và từ huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) kết nối sang huyện Na Hang (thuộc dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cũng đang chuẩn bị được khởi công xây dựng. Đây là dự án giao thông trọng điểm có tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng nhằm cải thiện mạng lưới giao thông, hình thành tuyến kết nối liên vùng, kết nối phát triển du lịch giữa 2 khu du lịch...
Nhiều chủ cơ sở du lịch cộng đồng ở khu vực hồ Ba Bể đang rất hân hoan chào đón công trình này nhưng cũng vẫn còn đó nỗi niềm băn khoăn, lo lắng. Anh Đặng Văn Hùng (chủ cơ sở du lịch Ba Bể Farmstay, xã Nam Mẫu) cho biết, anh làm du lịch từ năm 2012, chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ trải nghiệm khám phá thiên nhiên, lưu trú, trải nghiệm nông nghiệp. Thường khách ngoại tỉnh sẽ ngủ tại cơ sở của anh hai đêm, còn khách nội tỉnh chỉ một đêm. Khi đường mới hoàn thành, đưa vào hoạt động, khách từ Hà Nội lên hồ Ba Bể chỉ mất 3-4 giờ đồng hồ, tới nơi có thể chỉ đi một vòng hồ rồi lên luôn Cao Bằng ngủ nghỉ, không ở lại đây nữa. Các dịch vụ du lịch ở đây vốn còn ít, chưa đủ níu chân du khách lưu trú lâu hơn, do đó những người làm du lịch ở hồ Ba Bể cần tạo thêm các chương trình trải nghiệm, vui chơi độc đáo hơn. Với lợi thế là người dân tộc Dao, sắp tới anh Hùng sẽ cung cấp thêm dịch vụ tắm nước thuốc người Dao cho du khách.
Anh Nông Nguyễn Chi, chủ cơ sở du lịch nhà sàn Chi Hòa Homestay, xã Nam Mẫu - một trong 2 cơ sở du lịch cộng đồng hoạt động đầu tiên ở địa phương. Gần đây, cơ sở của anh đón lượng khách tăng cao, nhất là vào dịp cuối tuần. Anh đã làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khu đất trồng cây liền kề để dựng thêm nhà sàn phục vụ du khách nhưng đến đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Do đó, anh mong muốn chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho người dân sớm mở rộng quy mô phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Hà cho rằng, du lịch hồ Ba Bể hiện nay đã đi vào bài bản, quy củ hơn. Hồ Ba Bể có phong cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ, nhiều giá trị nhưng lượng khách vẫn quá ít so với kỳ vọng, một phần là do trải nghiệm cho khách chưa nhiều, đường giao thông còn khó khăn, chưa có sản phẩm đêm, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí phụ trợ. Khi khách đông, nơi đây còn chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trú, ăn uống...
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người làm du lịch cần chỉnh trang cơ sở vật chất và được hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư. Các nhà đầu tư lớn cũng cần được tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa. Nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng cần được bồi dưỡng, nâng cao năng lực phục vụ, quản trị, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Hạ tầng du lịch như trung tâm thông tin, nhà đón tiếp, bãi để xe, trung tâm thương mại, đường giao thông, bệnh viện, bưu điện, xe điện để lưu thông... cũng cần được quan tâm đầu tư, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng nhấn mạnh, tỉnh xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, các cấp, ngành đã tập trung phát triển du lịch ở hồ Ba Bể. Đến nay, phần cơ sở hạ tầng đã cơ bản được đầu tư xây dựng nhưng chất lượng dịch vụ du lịch vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện Bắc Kạn đang tập trung đẩy mạnh tiến độ quy hoạch du lịch hồ Ba Bể. Sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhà đầu tư sẽ được triển khai xây dựng nhiều hạng mục du lịch, nhất là khách sạn chất lượng cao, dịch vụ lưu trú, ăn uống chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, Bắc Kạn cũng quan tâm phát triển du lịch cộng đồng để phát huy thế mạnh bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc nhằm tạo sự khác biệt, riêng có của Ba Bể để thu hút du khách.
Báo tin tức