Bổ sung thêm 3 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai – TPHCM
Theo quy hoạch, giữa Đồng Nai với TPHCM sẽ có thêm 3 cầu đường bộ bắc qua sông Đồng Nai kết nối giao thông giữa 2 địa phương này.
Tại Hội nghị Trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần 4, quý I/2024 tại Đồng Nai ngày 29/3, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, Đồng Nai và TP HCM đã thống nhất quy hoạch xây dựng thêm 3 cầu đường bộ kết nối 2 địa phương gồm: Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.
Trong đó, cầu Cát Lái đã được 2 địa phương thống nhất ưu tiên triển khai trước, thời gian thực hiện là từ nay đến năm 2030. Với 2 cầu còn lại sẽ triển khai sau năm 2030.
Cụ thể, năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với TP HCM về việc thống nhất bổ sung quy hoạch vị trí xây dựng cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2. Trong đó, cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối giữa thành phố Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành có quy mô 6 làn xe. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối phía Nam TPHCM với huyện Nhơn Trạch. Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang huyện Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị TPHCM bổ sung quy hoạch cầu và đường dẫn phía bờ TPHCM với 8 làn xe đồng nhất với quy mô đường tỉnh 769D (25C) đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và đầu tư để kết nối từ sân bay Long Thành đến khu vực phía Nam quận 7, TPHCM.
Riêng với cầu Cát Lái, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2, (nay là thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt sông Đồng Nai
Riêng với cầu Cát Lái , tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2, (nay là thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt sông Đồng Nai.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa 2 địa phương Đồng Nai và TPHCM (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) sẽ có 5 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TPHCM.
Trong 5 cầu đường bộ theo quy hoạch kết nối giữa Đồng Nai và TPHCM đã có 2 cầu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác gồm cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, theo Tổng công ty tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI), cả 2 cầu Đồng Nai và Long Thành hiện cũng khai thác trong tình trạng quá tải.
Cụ thể, cầu Đồng Nai với quy mô 8 làn xe đang khai thác với lưu lượng 216 ngàn PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), vượt xa năng lực thiết kế là 96 ngàn PCU/ngày đêm; cầu Long Thành với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65 ngàn PCU/ngày đêm, vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm. Dự báo đến năm 2026, lưu lượng xe lưu thông trên các cầu kết nối giữa 2 địa phương là gần 434 ngàn PCU/ngày đêm
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 3 năm tới, dự báo tình trạng quá tải của các cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TPHCM vẫn sẽ tiếp tục xảy ra ngay cả khi các cây cầu mới theo quy hoạch được hoàn thành xây dựng. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị lãnh đạo TPHCM xem xét, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cát Lái trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025, không phải chờ đến năm 2026 khi Dự án Đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.
Tiền phong