Mô hình cho vay ngang hàng: Tại sao Vo247 lại tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về?
Mới đây, Vo247 - ứng dụng vay và cho vay online mới đây đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về.
Cụ thể, Vo247 cho biết, với tình hình tài chính trong nước và quốc tế hiện tại rất căng thẳng và lòng tin của nhà đầu tư bị mất nhiều do trái phiếu, cổ phiếu và nhiều kênh đầu tư khác dẫn đến tâm lý của các NĐT hiện tại là rút tiền về giữ an toàn. Vo247 ở trong thị trường khủng hoảng nên cũng gặp biến động về dòng tiền.
Dòng tiền đầu tư đang được cho vay vào đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp có tài sản như nhà hoặc xe. Thời điểm này khách hàng vay cũng gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay.
Điều này tạo nên tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ của Vo247, thông thường đây là một động thái tích cực giúp Vo247 và các nhà đầu tư phát triển nguồn tiền, lợi nhuận mạnh mẽ hơn trong tương lai, ngược lại cũng khiến nguồn vốn lưu động của Vo247 liên tục chạm mốc báo động trong 1 tháng thị trường biến động vừa qua dẫn tới tình trạng dòng vốn lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của NĐT.
Vo247 cho biết đang nỗ lực hết mình để phục hồi dòng vốn lưu động từ đó mở lại hoạt động thanh khoản với các NĐT của V0247.
Theo tìm hiểu, Vo247 là một ứng dụng kết nối người vay và người cho vay tại Việt Nam, do Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247 điều hành, thành lập từ năm 2019. Vo247 hoạt động theo hình thức P2P (Peer-to-Peer) Lending (hay còn gọi là cho vay ngang hàng).
Hình ảnh minh họa
Tại Việt Nam, thời gian gần đây mô hình P2P Lending (Peer-to-Peer Lending/P2P Lending) đang trở nên "quen mặt" hơn với sự xuất hiện của nhiều cái tên như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan, Vo247,...
Phương thức cho vay ngang hàng P2P Lending là phương thức cho vay được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính.
Thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty P2P Lending, bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Mô hình hoạt động của các công ty P2P Lending là làm trung gian kết nối giữa người vay và người cho vay, thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Quy trình cho vay, giải ngân được tối giản, tiết kiệm thời gian hơn so với thủ tục vay qua các tổ chức tín dụng hay công ty tài chính.
Mô hình này có những ưu điểm như thủ tục nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí. Phù hợp với các tổ chức có quy mô nhỏ hoặc cá nhân có thu nhập thấp, giúp họ có thể vai được số vốn nhỏ hoặc thời hạn ngắn. Giảm chi phí cho người đi vay và tăng thu nhập cho người cho vay.
P2P Lending có được lợi thế này là bởi các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng Fintech, giúp giảm thiểu các chi phí cho xây dựng mạng lưới phân phối và tác nghiệp so với các kênh truyền thống.
Lĩnh vực P2P Lending mới xuất hiện tại Việt Nam nên việc nhận diện, đánh giá rủi ro chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, nhìn chung P2P Lending cũng có những rủi ro tương tự như hoạt động cho vay của các ngân hàng truyền thống, khi người vay không có khả năng trả nợ do chủ quan hoặc khách quan.
Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí Ngân hàng ngày 28/09/2022 do nhóm tác giả ThS. Bùi Thúy Hằng (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); ThS. Phạm Xuân Dũng (Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế) và PGS., TS. Phạm Thị Hoàng Anh (Học viện Ngân hàng) thông qua khảo sát đã đánh giá:
Rủi ro tín dụng và rủi ro pháp lý là hai rủi ro lớn nhất khi tham gia vào hoạt động P2P Lending vì hiện nay khung pháp lý chưa được hoàn thiện. Tiếp theo đó là rủi ro liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, về đạo đức cũng như rủi ro trong vận hành công nghệ, và các nền tảng . Cụ thể:
Về rủi ro pháp lý : Hiện nay, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động P2P Lending do đó cũng thiếu đi sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng khách hàng không được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng.
Người cho vay trên hệ thống P2P Lending phải đối mặt với rủi ro mất tiền do người đi vay không thực hiện đúng thỏa thuận, lừa đảo; hoặc công ty vận hành P2P Lending thực hiện không đúng, không đủ các thủ tục xác định thông tin khách hàng vay và phòng, chống rửa tiền (AML).
Thực tế hiện nay, đa số các sàn P2P Lending đều quy định việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người đầu tư thuộc trách nhiệm của người đi vay mà không có bất kỳ liên đới trách nhiệm nào đến các công ty P2P.
Về rủi ro tín dụng: Thỏa thuận giữa các bên tham gia mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và người cho vay, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) còn thiếu rõ ràng, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, cũng như chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay.
Điều này sẽ tạo ra nguy cơ người cho vay có nguy cơ mất tài sản, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa các bên đối với các thỏa thuận và giao dịch dân sự lỏng lẻo nêu trên.
Theo nhóm chuyên gia, đây là kinh nghiệm và cái giá phải trả khá đắt tại một số nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Về rủi ro do liên quan đến hoạt động bất hợp pháp: Mô hình P2P Lending dễ trở thành công cụ cho một số đối tượng tiến hành trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố… vì các cơ quan chức năng khó kiểm soát nguồn gốc luồng tiền, danh tính, mục đích.
Về rủi ro bảo mật: Mô hình P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây tại Việt Nam, nên nhiều ứng dụng P2P Lending chưa được hoàn thiện, cũng như chưa đáp ứng các tiêu chí về an toàn bảo mật dẫn tới nhiều lỗ hổng bảo mật còn tồn tại trước nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin, lộ, lọt, rò rỉ dữ liệu tài khoản, có thể gây thiệt hại cho các bên tham gia.
Trường hợp các nền tảng P2P Lending bị mất dữ liệu hoặc các rủi ro công nghệ liên quan thì khả năng người cho vay mất trắng các khoản đầu tư là rất cao (vì không có cơ sở, bằng chứng ghi nhận lại các khoản cho vay mà người cho vay đã tiến hành cho vay).
Cuối cùng, rủi ro liên quan đến năng lực tài chính và năng lực quản trị của các công ty Fintech.
Trên thực tế, các công ty Fintech hầu hết khởi nguồn là các công ty khởi nghiệp non trẻ, không có hoặc chưa thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ, thiếu sự kiểm soát, giám sát về mặt quy trình hoạt động (như yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về vốn và khung khổ kiểm soát các rủi ro trong hoạt động...) nên hoạt động của các công ty tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh khoản.
Sự việc của Vo247 lần này là một ví dụ. Khi khách hàng vay của Vo247 gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay dẫn đến tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ của Vo247.
Không như các ngân hàng có tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các hệ số cho vay/huy động,... đảm bảo khả năng thanh khoản, Vo247 hay các công ty P2P Lending không chịu sự điều chỉnh của các quy định quản lý về các hệ số an toàn vốn này, do đó chỉ cần có biến động bất thường từ phía các khách hàng vay cũng có thể dẫn tới tình trạng dòng vốn lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của NĐT.
Bên cạnh đó, vì không có chức năng huy động và cho vay như ngân hàng thương mại, những mô hình như Vo247 thực chất chỉ là ứng dụng kết nối bên vay và bên cho vay nên không có yêu cầu về quy mô vốn điều lệ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vốn điều lệ của Vo247 trên đăng ký kinh doanh là 2,5 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường