MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở hướng đầu tư, du lịch qua chính sách thị thực

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tăng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 60 ngày.

Ngày 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chính sách thị thực chưa đủ cởi mở

Tại các dự thảo luật, Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.

Cụ thể, nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác. Quy định miễn thị thực hiện hành là 15 ngày.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đồng tình với phương án tăng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng nhưng cân nhắc ghi 90 ngày thay vì ghi 3 tháng để thống nhất khi triển khai. "Quy định này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam về thời gian, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn và hoạt động đầu tư" - ĐB Phương nhận xét.

Mở hướng đầu tư, du lịch qua chính sách thị thực - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên) cho rằng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ tạo cho nữ lãnh đạo ngành công an có điều kiện phấn đấu. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ủng hộ chính sách tăng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, song ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn cho rằng phương án tăng từ 15 lên 45 ngày còn thấp so với các nước trong khu vực. Ông Hùng dẫn chứng Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực từ 30 ngày đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết thị trường chính của những nước này. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực cao hơn mức 45 ngày.

Băn khoăn khi du lịch Việt Nam "đi trước về sau" dù kiểm soát dịch COVID-19 rất tốt, mở cửa sớm, ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng có nguyên nhân đến từ chính sách thị thực chưa đủ cởi mở. Theo ông Lộc, mức 45 ngày chỉ là "trung bình" ở khu vực, trong khi Việt Nam cần tiếp cận mức cao hơn trong ASEAN về chính sách thị thực. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị tăng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 60 ngày, để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch, thu hút đầu tư.

ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch mà vẫn bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Theo ông Hải Anh, Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân của 25 nước - khá khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo thông tin chưa đầy đủ, Malaysia miễn thị thực cho công dân của 162 nước, Philippines miễn 557 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước.

Đồng tình với phương án này, ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh Việt Nam đơn phương miễn thị thực với công dân 25 nước là thấp hơn nhiều nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, du lịch.

Báo cáo làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc sửa đổi luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các ý kiến thảo luận tại phiên họp sẽ được cơ quan soạn thảo tổng hợp báo cáo Chính phủ và phối hợp các cơ quan liên quan của QH tiếp thu, giải trình, hoàn thiện.

Cân nhắc tăng tuổi phục vụ trong Công an nhân dân

Cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Nội dung đáng chú ý của dự thảo là Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi với sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan là thượng tá tăng 3 tuổi, nữ sĩ quan cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện nay. Sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ.

Góp ý, ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất với hàm nữ thượng tá lên 3 tuổi, nữ đại tá lên 5 tuổi. Nhấn mạnh nâng mức tuổi như vậy, ông Hòa cho biết trên thực tế, có địa phương đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của nữ phải phù hợp với các yếu tố đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường công tác để bảo đảm điều kiện sức khỏe.

"Lực lượng vũ trang nói chung có môi trường làm việc rất vất vả, có thể làm việc đêm ngày liên tục, nhất là nơi phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cho nên, không đánh đồng với các cơ quan hành chính sự nghiệp về tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động" - ĐB Hòa phân tích.

Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan là 45; cấp úy là 53; thiếu tá, trung tá là 55 với nam và 53 với nữ; thượng tá là 58 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ; đại tá là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Đối với cấp tướng, hạn tuổi hưu là 60.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên) dẫn chứng tại Thái Nguyên, hiện hàm đại tá có 5 cán bộ nam, không có nữ; hàm thượng tá có 105 nam và 5 nữ. Vì vậy, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cấp nữ thượng tá và đại tá sẽ tạo một cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về việc phân biệt các mức hạn tăng tuổi phục vụ khác nhau áp dụng đối với nữ công nhân công an, nữ hạ sĩ quan và sĩ quan Công an nhân dân, hiện có 3 mức là 2 năm, 3 năm và 5 năm.

Theo bà Thủy, nếu xác định lao động của nữ sĩ quan, hạ sĩ quan là thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, môi trường nặng nhọc, độc hại thì hạn tuổi phục vụ của nhóm này nên được quy định thống nhất là 55 để bảo đảm tương đồng với quy định tại Bộ Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

"Đối với những vị trí có yêu cầu cần kéo dài tuổi công tác hơn thì áp dụng quy định về kéo dài tuổi khi đơn vị có nhu cầu và sĩ quan có nguyện vọng phục vụ" - ĐB Thủy nhấn mạnh. 

Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được QH thông qua ngày 2-6, Chính phủ sẽ trình QH dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật là phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được; hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi

Cùng ngày, Chính phủ đã trình QH dự án Luật Căn cước. Về một số nội dung mới cơ bản, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ "thẻ căn cước", nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú. Những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu.

Về tích hợp thông tin vào căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào căn cước. Căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân, tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong căn cước.

Theo Minh Chiến - Huy Thanh

Người lao động

Trở lên trên