“Mở kho thóc” cho ngân hàng tư?
Ít nhất, về cơ chế, cửa đã có cho các ngân hàng tư nhân tiếp cận nguồn vốn cực lớn...
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có mở rộng dạng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, theo nghị định trên, hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được xác định vào 5 kênh được phép, theo thứ tự ưu tiên.
Ưu tiên số 1 là nguồn vốn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ; tiếp đến là cho ngân sách nhà nước vay.
Ở ưu tiếp tiếp theo, nguồn tiền từ các quỹ trên được phép gửi, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, nguồn tiền trên được đầu tư vào kênh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành.
Và cuối cùng là đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như trên, từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được gửi, đầu tư vào các ngân hàng thương mại, về lý thuyết như quy định của nghị định, theo diện mở rộng mà không giới hạn gần như tuyệt đối tại riêng các ngân hàng thương mại nhà nước trong nhiều năm qua.
Với điều kiện “các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước”, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đảm bảo được hạng mức tín nhiệm cao có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng số dư nợ từ đầu tư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2015 lên tới khoảng 435.129 tỷ đồng.
Đó là nguồn vốn rất lớn. Nhưng thực tế, phần các ngân hàng thương mại tiếp cận được chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, còn lại chủ yếu dành cho ngân sách nhà nước vay và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Cụ thể, cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ cho các ngân hàng thương mại vay từ nguồn trên đến cuối 2015 chỉ vào khoảng 13,7%.
Dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng nguồn từ các quỹ trên gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước những năm qua một phần lớn ở dạng tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, tương đối ổn định đã giúp khối quốc doanh này có lợi thế nhất định về yếu tố nguồn trong cạnh tranh.
Với quy định từ nghị định vừa ban hành, ít nhất về cơ chế, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng bắt đầu có cơ hội tiếp cận.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước, trong đó có cơ chế về tiền gửi nhàn rỗi, với đầu mối cụ thể là Kho bạc Nhà nước.
Cửa tiếp cận tiền vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước cũng mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tiếp cận, với quy định: “Gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó, ưu tiên gửi tại ngân hàng thương mại có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn”.
Còn thực tế lượng tiền gửi, đầu tư từ Bảo hiểm Xã hội và Kho bạc Nhà nước dành cho các ngân hàng thương mại tư nhân sẽ như thế nào, được bao nhiêu lại là chuyện khác, một phần cũng tùy thuộc vào những tiêu chí lựa chọn của hai tổ chức này ngoài giá trị kinh tế, độ tín nhiệm an toàn (như về độ phủ tiện ích của mạng lưới nộp và chi trả…).
VnEconomy