Mở lại bay nội địa, giá vé có "trên trời"?
Hiện nay, nhiều hành khách lo lắng rằng bước đầu mở lại các chuyến bay nội địa số lượng chuyến bay ít, hành khách phải giãn cách ghế ngồi trên máy bay, liệu giá vé máy bay có tăng vọt?
- 06-10-2021Chủ tịch Hà Nội nói gì về việc mở lại đường bay nội địa và thời gian học sinh trở lại trường?
- 06-10-2021Kiên Giang, Thừa Thiên-Huế phản hồi về kế hoạch mở lại bay nội địa
- 05-10-2021Đường bay nội địa đã sẵn sàng trở lại: Các hãng hàng không sẽ khai thác 91 chuyến khứ hồi từ ngày 5/10
Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn thiện kế hoạch mở lại các chuyến bay nội địa từ ngày 10-10 tới. Tại tọa đàm "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" do Báo Giao thông tổ chức diễn ra ngày 8-10 theo hình thức trực tuyến, một lo lắng của hành khách được nêu lên rằng số lượng chuyến bay ít, liệu giá cả có tăng?
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Dương Ngọc
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhấn mạnh theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng, giá vé bằng chi phí đi lại của ngành hàng không và các hãng không được phép bán quá mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.
"Như vậy sẽ không thể có tình trạng giá vé quá cao, quá mức chịu đựng của người dân, vì chúng ta đều đã có quy định. Tất nhiên khi mở cửa lại, cơ quan chức năng và các hãng sẽ có sự tính toán, nhưng với tinh thần hỗ trợ cho người dân thì mức giá cũng sẽ đa dạng"- ông khẳng định.
Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết: Thực tế, với các hãng hàng không, vấn đề bay trở lại là rất quan trọng. Trong đó, doanh thu là vấn đề sau cùng, trước hết phải là để duy trì hoạt động.
Hiện nay, tại các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn có những chuyến bay cất cánh lên rồi lại hạ cánh xuống để duy trì bảo dưỡng máy bay. Quy trình này rất tốn kém.
"Mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu. Dù điều đó rất quan trọng, nhưng theo tôi, quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch nhưng mở cửa từng bước để chúng ta tập dượt các đường bay nội địa và từng bước sẽ tiến ra quốc tế"- ông khẳng định.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho rằng bất kỳ một chuyến bay nào khi cất cánh đều phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn là trước hết, không phải là doanh thu. Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không đều đã sẵn sàng bay trở lại, nếu cho phép bay, chỉ sau 2 tiếng nữa là hãng có thể bay được.
Đây chính là cơ hội để Vietnam Airlines và các hãng hàng không tập trung phân tích, đánh giá, áp dụng các giải pháp chuyển đổi số để giúp khách hàng tiệm cận với các sản phẩm hàng không dễ dàng nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh. Làm sao để khách hàng khi ra đến sân bay, giảm được thời gian làm thủ tục bay, tránh tiếp xúc giữa hành khách với nhau và với nhân viên hàng không.
Đại dịch làm thay đổi hành vi của khách hàng cũng như tư duy quản lý, điều hành của ngành hàng không, cách khai thác vận chuyển của các hãng hàng không.
"Tôi cũng mong Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, các hãng hàng không cùng nhau đưa ra giải pháp để ngành hàng không hoạt động hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài, tạo dấu ấn riêng cho hàng không Việt Nam sau đại dịch"- ông chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại Vietjet, cho biết quan điểm của Vietjet là không có giá độc quyền. Các đường bay như Đà Nẵng - Cần thơ , Đà Lạt - Vinh, Vietjet đưa ra giá để mọi người có thể bay. "Hiện nay, đưa ra giá như thế nào là việc của doanh nghiệp, quyết định trên cơ sở kinh tế thị trường, Luật cạnh tranh, chúng tôi không đặt ra giá sàn trong tình cảnh khó khăn dịch bệnh hiện nay"- đại diện Vietjet nêu quan điểm.
NLĐ