MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở lại bay quốc tế: Những trường hợp nào được mua vé, cách ly ra sao?

04-09-2020 - 21:51 PM | Thị trường

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký công văn hoả tốc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về phương án khôi phục các đường bay quốc tế vận chuyển khách vào Việt Nam.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ trì họp với các Bộ, ban, ngành để thống nhất phương án trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) xem xét quyết định về việc việc tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước.

Tổng hợp ý kiến của các bên liên quan, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký công văn hoả tốc báo cáo Ban Chỉ đạo về phương án khôi phục các đường bay quốc tế vận chuyển khách vào Việt Nam.

Theo đó, phương án khôi phục chỉ liên quan đến các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam. Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa hoặc có chở khách từ Việt Nam đi vẫn thực hiện theo đề nghị của hãng hàng không và các điều ước quốc tế song phương/đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Bảo đảm nguyên tắc các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam phân bổ đều các ngày trong tuần, hạn chế tối đa trường hợp có 2 chuyến hạ cánh mỗi ngày tại một điểm.

Bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 15-9 đối với các đường bay Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc; từ ngày 22- 9 đối với các đường bay: Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào.

Ngoài những trường hợp là nhà ngoại giao, công vụ, việc xuất nhập cảnh được áp dụng các đối tượng sau đây: Công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc); người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.

Quy định cách ly

Công dân Việt Nam sau khi làm thủ tục nhập cảnh phải cách ly tập trung 14 ngày và đảm bảo xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính trong thời gian cách ly.

Người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm nhập cảnh Việt Nam trên 14 ngày: Sau khi làm thủ tục nhập cảnh phải thực hiện cách ly theo hướng dẫn tại Công văn 9 2847/CV-BCĐ ngày 23-5-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày): thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4674/BYT-MT ngày 31-8-2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày.

Người nước ngoài chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm của mình khi làm để được nhập cảnh vào Việt Nam. Công dân Việt Nam được miễn toàn bộ chi phí xét nghiệm.

Đề xuất với các đường bay cụ thể

1. Đường bay Việt Nam - Trung Quốc: Do phía Trung Quốc đã thống nhất với phương án Việt Nam đưa ra, Bộ GTVT đề xuất đường bay: TP HCM - Quảng Châu với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên. Phía Việt Nam dự kiến chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt bằng máy bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 2 hàng tuần. Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác loại máy bay A320/A321 tối đa 200 ghế.

Số lượng cách ly tại TP HCM: tối đa 540 khách/tuần.

2. Đường bay Việt Nam - Nhật Bản: Phía Nhật Bản đã đề xuất cho phép khai thác tối thiểu tổng cộng 2 chuyến/tuần để có thể phân bổ cho 2 hãng hàng không của Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways. Đề xuất này không vượt quá nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong điều kiện nhu cầu kết nối Nhật Bản với 2 đầu Hà Nội và HCM là tương đồng, Bộ GTVT đề xuất đường bay Hà Nội - Tokyo với với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên; TP HCM - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên.

Dự kiến phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng máy bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần; Vietjet Air khai thác đường bay TP HCM - Tokyo bằng máy bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần;

Phía Nhật Bản chỉ định Japan Airlines khai thác Tokyo - TP HCM bằng máy bay B777 (312 ghế); All Nippon Airways khai thác Tokyo - Hà Nội bằng máy bay B787 (215 ghế).

Như vậy, số lượng cách ly tại Hà Nội tối đa 560 khách/tuần; tại TP HCM tối đa 560 khách/tuần.

3. Đường bay Việt Nam - Hàn Quốc: Phía Hàn Quốc đề xuất cho phép khai thác tối thiểu tổng cộng 2 chuyến/tuần để có thể phân bổ cho 2 hãng hàng không của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines khai thác từ Seoul tới cả Hà Nội và TP HCM. Đề xuất này không vượt quá nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong điều kiện nhu cầu kết nối Hàn Quốc với 2 đầu Hà Nội và TP HCM là tương đồng, Bộ GTVT đề xuất kế hoạch đường bay Hà Nội - Seoul với với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên; TP HCM - Seoul với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên.

Dự kiến phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Seoul bằng máy bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 4 hàng tuần; Vietjet Air khai thác đường bay TP HCM - Seoul bằng máy bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ 4 hàng tuần.

Phía Hàn Quốc chỉ định: Korean Air khai thác Seoul - TP HCM bằng máy bay B747 (404 ghế); Asiana Airlines khai thác Seoul - Hà Nội bằng máy bay A350 (311 ghế).

Như vậy, số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội là 650 khách/tuần; tại TP HCM là 650 khách/tuần.

4. Đường bay Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc): Phía Đài Loan đề xuất cho phép khai thác tối thiểu tổng cộng 2 chuyến/tuần để có thể phân bổ cho 2 hãng hàng không của Đài Loan là China Airlines và Eva Air khai thác từ Đài Bắc tới cả Hà Nội và TP HCM. Đề xuất này không vượt quá nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong điều kiện nhu cầu kết nối Đài Loan với 2 đầu Hà Nội và TP HCMlà tương đồng, Bộ GTVT đề xuất kế hoạch đường bay Hà Nội - Đài Bắc với với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên; TP HCM - Đài Bắc với tần suất 01 chuyến/tuần cho mỗi bên.

Dự kiến phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay TP HCM - Đài Bắc bằng máy bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 5 hàng tuần; Vietjet Air khai thác đường bay Hà Nội - Đài Bắc bằng máy bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ 5 hàng tuần;

Phía Đài Loan chỉ định China Airlines khai thác Đài Bắc - Hà Nội bằng máy bay B747 (375 ghế); Eva Air khai thác Đài Bắc - TP HCM bằng máy bay B777 (353 ghế).

Như vậy, số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội là 620 khách/tuần; tại TP HCM là 700 khách/tuần.

5. Đường bay Việt Nam – Campuchia: Đề xuất đường bay Cần Thơ - Phnom Penh với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên. Dự kiến phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines khai thác bằng máy bay A321 (203 ghế) vào ngày thứ 6 hàng tuần. Phía Campuchia đã chỉ định Cambodia Angkor Air khai thác bằng máy bay A321 (184 ghế).

Như vậy, số lượng cách ly tại Cần Thơ tối đa 400 khách/tuần.

6. Đường bay Việt Nam - Lào: Cục Hàng không Lào đã xác nhận qua thư điện tử (email) việc nhận văn bản của Cục Hàng không Việt Nam nhưng chưa có văn bản trả lời. Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo khi nhận được ý kiến của phía Lào. Trong trường hợp phía Lào nhất trí với phương án đề xuất của Việt Nam về tần suất nhưng đề nghị kết nối Hà Nội, lượng khách tối đa dự kiến nhập cảnh Hà Nội là 350 khách/tuần (Vietnam Airlines khai thác A321 (203 ghế) và Lao Airlines khai thác A320 (150 ghế)).

Tổng hợp các đường bay, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần tại Hà Nội tối đa 2.200 khách/tuần; tại TP HCM tối đa 2.450 khách/tuần; tại Cần Thơ tối đa 400 khách/tuần. Tổng cộng dự kiến tối đa lượng khách nhập cảnh cả nước trên các chuyến bay thương mại này là 5.050 khách/tuần.

Để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Bộ GTVT đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng về phương án khôi phục các đường bay quốc tế vận chuyển khách vào Việt Nam.

Trong đó, chỉ đạo Bộ Y tế:

Công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc (kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, cài đặt Bluezone...) đối với hành khách (trước khi lên máy bay, trên máy bay, xuống máy bay, khi nhập cảnh, phân luồng để vào khu cách ly...);

Công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách;

Công bố các tiêu chí đối với các nơi có hệ số an toàn cao để có thể tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế;

Hướng dẫn việc thu phí đối với người cách ly tại các cơ sở cách ly.

Bộ Quốc phòng cho ý kiến về khả năng đáp ứng cách ly tập trung đối với công dân Việt Nam về nước tại các địa phương. Bộ Ngoại giao liên hệ với Đại sứ quán (cơ quan đại diện) của Việt Nam ở nước ngoài để thông báo trước cho hành khách về những điều kiện bắt buộc của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh vào Việt Nam.

Bộ Công an nghiên cứu, xem xét điều chỉnh chính sách nhập cảnh (cấp visa) đối với hành khách có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.

UBND các địa phương (lân cận TP Hà Nội và TP HCM) công bố các cơ sở dùng để cách ly có thu phí đối với hành khách nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay nêu trên với số lượng tối thiểu vào mỗi thời điểm đáp ứng lượng khách nhập cảnh của 2 tuần liên tiếp để cách ly theo quy định; chuẩn bị khu cách ly tập trung ngoài những khu cách ly của lực lượng quân đội.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên