MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở lại làn xe riêng cho ôtô buýt thường: Phải tính toán kỹ mật độ phương tiện, lượng khách

12-06-2018 - 15:04 PM | Xã hội

Trong khi nhiều người còn đang băn khoăn về hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã, thì mới đây, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đề xuất mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt thường đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Trắng (Hà Đông). Tuy nhiên, ý tưởng này đang nhận khá nhiều những ý kiến trái chiều.

Chưa ưu tiên đường riêng đã tắc

Trao đổi với PV Lao Động, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - cho biết: Hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu phương án cho xe buýt thường đi làn đường riêng trên đường Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở tới cầu Trắng (Hà Đông). Đây là tuyến đường có từ 6-8 làn đường, có chiều rộng và phù hợp với việc thí điểm mở lại làn riêng. Mặt khác, trước đây đường Nguyễn Trãi đã có làn ưu tiên cho xe buýt, do thi công tuyến đường nên phải dừng triển khai. Bây giờ phục hồi lại làn dành riêng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt.

Theo ông Phương, về chất lượng xe buýt, tiêu chí về thời gian, tính đúng giờ là tiêu chí hàng đầu. Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất phục hồi làn ưu tiên cho xe buýt vận hành trên tuyến nhằm cải thiện thời gian chuyến đi. Khi tính đúng giờ, chính xác được nâng lên cao, dịch vụ xe buýt sẽ thu hút người dân hơn. Về phương án cụ thể làn dành riêng như thế nào? ông Phương cho hay, hiện đơn vị này đang có những nghiên cứu cụ thể để có những đánh giá cho phù hợp. “Đơn vị đang nghiên cứu để đánh giá mức độ phù hợp, sau đó mới báo cáo, đề xuất, xin ý kiến của Sở GTVT Hà Nội”.

Trong diễn biến liên quan, ghi nhận thực tế của PV Lao Động ngày 8.6 trên trục đường QL 6 từ đoạn Cầu Trắng (Hà Đông) đến đường Ngã Tư Sở. Phía bên trên công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa hoàn thiện. Dọc trục đường, mật độ dân cư và nhà cao tầng khá đông đúc. Mặt đường của tuyến đường này thời gian gần đây có nhiều biểu hiện xuống cấp. Nhiều đoạn lồi lõm, bong tróc mặt nhựa. 

Phần đường dành cho thi công đường sắt trên cao dù đã được hoàn trả nhưng xuất hiện khá nhiều ổ gà… Tuy vậy, làn đường rộng 15m hướng về nội thành vẫn không đủ cho hàng trăm ôtô, xe máy chen chúc đi trên đường vào lúc 8h sáng. Tiếng còi xe inh ỏi, nhiều người phát ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh ùn ứ cục bộ, tắc đường tại các nút giao qua Học viện An ninh, ngã ba đường Chiến Thắng - Trần Phú (Hà Đông), nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi... Thực tế, dù chưa có làn dành riêng cho xe buýt trên trục đường, các phương tiện đã ken đặc. Nhiều xe máy còn lấn sang cả làn ôtô, luồn lách để thoát tắc.

Không nên vội vàng

Liên quan tới phương án nghiên cứu việc dành riêng làn ưu tiên cho buýt thường trên đường Nguyễn Trãi, khá nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng. Nhiều người dân cho rằng, nếu dành riêng làn đường trong bối cảnh giao thông vô cùng phức tạp, đông đúc sẽ dẫn tới nhiều xung đột, hàng nghìn phương tiện khác sẽ phải chen lấn để đi.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng: Việc có những nghiên cứu để cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian trên tuyến của xe buýt là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, không vội vàng trong việc này.

“Việc thí điểm trên đường Nguyễn Trãi cần phải tính toán lại cho phù hợp. Trước đây khi có làn dành riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi sau đó phải tạm dừng triển khai để phục vụ cải tạo đường… Hiện tại khu dân cư khá sát với tuyến đường này, do vậy nếu xe buýt tiếp tục chạy vào đây có thể dẫn tới những nguy hiểm, tai nạn giao thông. Vậy nếu bây giờ mở một làn đường dành riêng thì việc tổ chức giao thông như thế nào? Lượng phương tiện lưu thông trên đường rất lớn, dành riêng một làn cho xe buýt khi hạ tầng chưa cho phép có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, nhiều năm nay, xe buýt vẫn đang phải bù lỗ. Bây giờ dành thêm ưu tiên, đầu tư thêm cho xe buýt trong bối cảnh ngân sách của thành phố hạn hẹp mà không đạt được hiệu quả thì đó chính là sự lãng phí” - ông Bùi Danh Liên phân tích.

Ông Liên cũng cho rằng, tương lai, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoạt động thì xe buýt không phải là tuyến đường đi suốt từ nội đô vào Yên Nghĩa. Vai trò của xe buýt lúc này là kết nối hành khách với các khu đô thị, khu trung tâm… Lượng hành khách đi lại có thể giảm bớt. Phải tính toán chi tiết mật độ, lượng hành khách trên tuyến đường này với việc ưu tiên rất cao cho xe buýt.

Còn TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải - nhận định: Việc mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt thường sẽ chiếm đến 1/3 diện tích mặt đường Nguyễn Trãi. Điều này sẽ khiến xe máy, ôtô đổ dồn sang di chuyển trên các làn đường còn lại. Do đó những nguy cơ về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự. “Hiện tại không nên mở lại vì không gian quá chật hẹp. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ trước khi chấp thuận” - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Cũng theo chuyên gia giao thông này, việc đề xuất có làn đường buýt riêng sẽ hợp lý hơn với các tuyến đường đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và được quy hoạch ngay từ đầu. Đồng thời, việc tổ chức giao thông phải được tính toán, cân nhắc không để xảy ra những xung đột cũng như năng lực vận tải, hiệu quả dịch vụ tương xứng với việc được dành những ưu tiên vượt bậc.

Theo Vương Trần

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên