MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở nhiều "cánh cửa" phía Đông TP HCM

26-02-2024 - 08:59 AM | Bất động sản

Những công trình về đích hứa hẹn mở rộng thêm "cánh cửa" phía Đông TP HCM, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội

Những ngày đầu năm Giáp Thìn, công trình xây dựng nút giao An Phú ở TP Thủ Đức, TP HCM luôn trong không khí nhộn nhịp. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ với việc triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công.

Ngày về đích đến gần

Đây là một trong những dự án trọng điểm ở cửa ngõ phía Đông TP HCM. Tại 2 gói thầu hầm chui trên đường Mai Chí Thọ và cầu Giồng Ông Tố (đường vào cảng Cát Lái), hàng trăm công nhân và xe cơ giới hạng nặng hối hả khoan, đổ bê-tông, lu lèn...

Thường xuyên chở hàng hóa từ TP HCM ra Phan Thiết và di chuyển trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, anh Nguyễn Văn Tường (ngụ quận 4) nhận định những ngày trước và sau Tết, lượng phương tiện tăng cao, cộng với rào chắn công trường nới rộng khiến giao thông hay ùn tắc. Di chuyển vất vả nhưng mọi người cảm thông và mong công trình nút giao An Phú sớm hoàn thành để việc đi lại qua khu vực này thuận lợi hơn.

Mở nhiều

Công trình xây dựng nút giao An Phú

Cũng ở của ngõ phía Đông, tháng 10-2023, cầu Nam Lý hợp long nhịp chính sau 6 tháng khởi động lại, đánh dấu cột mốc quan trọng về tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư), dự án đạt hơn 70% khối lượng, dự kiến thông xe dịp lễ 2-9-2024.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết năm 2024, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cấp bách như Vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Mỹ Thủy...

Công trình xây dựng cầu Nam Lý có tổng mức đầu tư 919 tỉ đồng, bắt đầu xây dựng tháng 10-2016, đến tháng 3-2019 phải tạm dừng vì không có mặt bằng. Đến tháng 3-2023, sau nhiều nỗ lực, dự án tiếp tục thực hiện khi mặt bằng được bàn giao.

Tương tự, đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến nút giao An Phú), dài hơn 2,3 km, rộng trên 30 m, do Ban Giao thông làm chủ đầu tư, bắt đầu triển khai từ tháng 4-2015 nhưng phải dừng vài lần cũng vì lý do mặt bằng. Sau hơn 8 năm, đến nay dự án mới đạt 86% khối lượng. Theo chủ đầu tư, việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng thời gian hoàn thiện nút giao An Phú. Trong năm 2024, đơn vị sẽ phối hợp với TP Thủ Đức thúc đẩy tiến độ, đưa công trình về đích nhanh nhất.

Một "cánh cửa" khác, dự án mở rộng Quốc lộ 13 được đề xuất thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Dự án có tổng vốn đầu tư 13.851 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 9.375 tỉ đồng, mở rộng lên 8 làn xe, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông TP HCM. Dự kiến công trình được triển khai vào năm sau.

Hoàn thiện bức tranh giao thông

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết trong năm 2024, ban phấn đấu đưa vào phục vụ người dân 38 công trình, dự án tiêu biểu. Trong đó, nhiều dự án nằm ở cửa ngõ phía Đông TP HCM như cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc), dự án thành phần 1 xây dựng nút giao Mỹ Thủy (gói thầu cầu Kỳ Hà 4). Các công trình này không chỉ làm tăng năng lực giao thông cho khu vực mà còn giúp giải tỏa căng thẳng giao thông cho cảng Cát Lái.

Riêng nút giao An Phú đang được cấp tập triển khai đồng loạt 10 gói thầu xây lắp. Dự kiến cuối năm 2024, các gói thầu xây dựng hầm chui HC1-01, HC1-02, cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố hoàn thành. Nút giao này khi hoàn thành sẽ làm giảm ùn tắc cảng Cảng Lái, kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây…

Mở nhiều

Dự án mở rộng đường Lương Định Của đang được thúc đẩy để về đích nhanh nhất

Ban Giao thông cũng sẽ cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2 xây dựng nút giao Mỹ Thủy, xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh và nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định).

"Những công trình này dự kiến hoàn tất trong giai đoạn 2024 - 2025, cùng với Vành đai 2, Vành đai 3 khi đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện bức tranh giao thông cho cửa ngõ phía Đông thành phố" - ông Phúc cho hay.

TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa, nhấn mạnh TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương nằm trong khu vực chiếm tỉ trọng đóng góp GDP lớn nhất vào nền kinh tế không chỉ vùng phía Nam mà còn của cả nước. Theo TS Hùng, một cây cầu, một con đường được hình thành vừa mang ý nghĩa kết nối hai bên bờ sông, kết nối 2 địa phương vừa kéo theo sự phát triển đô thị khi thúc đẩy hình thành các khu dân cư mới. Điều đó đồng thời tạo động lực phát triển mới cho doanh nghiệp, như thay đổi cơ cấu sản xuất.

"Các nghiên cứu của tôi đã chứng minh có mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng giao thông. Khi cửa ngõ giao thông thông thoáng, đầu tiên sẽ tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Kế tiếp, chi phí logistics giảm, doanh nghiệp, nhà sản xuất tăng lợi thế cạnh tranh, hàng hóa giảm giá, thúc đẩy phát triển kinh tế" - TS Hùng phân tích. 

Tăng tốc nhiều dự án

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa giao nhiều đầu việc cho các sở, ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu tập trung hoàn tất việc kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng để khởi công đường Vành đai 2 (đoạn 1 và 2) trong năm 2024. Đối với dự án xây dựng đường Vành đai 3, tập trung hoàn tất việc bàn giao mặt bằng thi công trong quý I/2024. Sở Giao thông Vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện giai đoạn 2 của dự án này.

Mở nhiều

Thời gian qua, các đoàn tàu của metro số 1 đã có nhiều đợt chạy thử nghiệm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với dự án xây dựng đường Vành đai 4, Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư; tham mưu, báo cáo UBND TP HCM và đề xuất cách thức thực hiện cụ thể làm cơ sở trình các bộ, ngành chủ trương đầu tư; hoàn thành trong tháng 6-2024.

Với tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, ông Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đó trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định...

Tại dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị được giao báo cáo cụ thể về kế hoạch vận hành, khai thác thương mại trong tháng 7-2024. Bên cạnh đó, báo cáo phương án miễn/giảm giá vé trong thời gian đầu vận hành nhằm tạo thói quen sử dụng hình thức giao thông công cộng metro cho người dân.

P.Anh


Theo Thu Hồng

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên