MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở rộng Huế gấp 5 lần: Phát triển đô thị Huế theo hướng nào

Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông-tây và bắc-nam, với trục cảnh quan là sông Hương kéo dài từ vùng rừng núi phía tây Bình Điền về biển.

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Theo đề án này, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu và một phần 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348  km², rộng gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện hữu.Theo UBND tỉnh  Thừa Thiên Huế, đề án này đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Huế hiện là đô thị di sản và cảnh quan thiên nhiên, với nhiệm vụ bảo tồn một quần thể lớn di sản văn hóa. Tuy nhiên, mật độ dân số của Huế hiện rất cao, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, việc mở rộng đô thị Huế đang trở thành nhu cầu tất yếu hiện nay.

Mở rộng Huế gấp 5 lần: Phát triển đô thị Huế theo hướng nào - Ảnh 1.

Thành phố Huế sẽ mở rộng gấp 5 lần hiện nay.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, khi không gian mở rộng thì Huế sẽ có một điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản - giá trị cốt lõi của Huế, đồng thời giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện bức xúc của Huế từ mấy chục năm qua.

“Với quan điểm thành phố Huế tương lai sẽ là thành phố trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích đủ rộng để phát triển một cách toàn diện. Lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính và mở rộng ở phía Nam, ở phía Bắc và tập trung theo trục sông Hương. Thành phố Huế tương lai sẽ bao gồm các di sản, di tích để thuận lợi cho lí, vừa đảm bảo miền biển, đồng bằng cũng như vùng trung du để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế. Mục đích để giãn dân từ nội thành ra ngoại ô, để bảo vệ di sản trong nội đô thành phố Huế”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Ban điều phối duyên hải miền Trung cho rằng, với dự kiến mở rộng thành phố Huế gấp 5 lần (lên trên 300km), Huế không nên triển khai việc này quá sớm theo hướng gộp các xã phường xung quanh vào.

Trước hết, tỉnh Thừa Thiên Huế nên lập quy hoạch phát triển đô thị và vùng phụ cận và gắn vùng phụ cận với không gian thành phố Huế. Theo chuyên gia này, việc mở rộng không gian đô thị vùng phụ cận sẽ giảm áp lực dân số và cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm. Với thành phố Huế, để giữ bản sắc khu vực "lõi" thì càng phải mở rộng không gian đô thị.

“Mở rộng thành phố Huế là quy luật, có nghĩa là đô thị phát triển nhưng không nên gắn liền việc phát triển đô thị, chuỗi đô thị, vùng đô thị với ranh giới hành chính. Quy hoạch vùng phụ cận để giải quyết giao thông, giải quyết đô thị, giải quyết những vấn đề chung của đô thị đó còn vùng phụ cận khi nào nhập về hành chính thì bước tiếp theo. Việc cấp thiết tôi đề xuất là quy hoạch thành phố Huế hiện nay và toàn bộ vùng phụ cận, cái đó là cần làm nhanh, làm trước, để có thể phát triển, tránh đi phát triển hướng tâm”, TS. Trần Du Lịch nói.

Mở rộng Huế gấp 5 lần: Phát triển đô thị Huế theo hướng nào - Ảnh 2.

Hai bên bờ sông Hương là trục xương sống trong quá trình mở rộng đô thị Huế.

Huế nổi tiếng là một thành phố thơ mộng, có rất nhiều nhà vườn. Mở rộng không gian thành phố Huế cũng là một cách để chống bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên ở khu vực trung tâm. Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan "xương sống" là sông Hương kéo dài từ vùng rừng núi phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. 


Phương án điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương, đô thị ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ được chính thức trở thành đô thị.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Uỷ viên Hội đồng di sản thế giới cũng cho rằng, Huế là cố đô còn giữ hình hài nguyên vẹn nhất so với  với những cố đô khác trên toàn quốc, vì vậy Huế phải phát triển theo hướng đô thị di sản.

“Người Pháp đã giữ nguyên phần phía Bắc sông Hương, xây dựng đô thị ở phía Nam Sông Hương, dải cây xanh, rồi đường rồi mới xây dựng, tức là đã cho ta trục quy hoạch rất rõ. Trục quy hoạch đó là ý tưởng của người Pháp, có lẽ là nó cũng được công nhận là một ý tưởng mang tính chất di sản. Mở rộng thành phố Huế thì giữ cho được cảnh quan đôi bờ Sông Hương, từ Phụng Sơn cho đến cửa biển Thuận An, vì nó là trục quy hoạch và nó có vai trò quan trọng, làm nên sắc thái Thừa Thiên Huế”, TS. Đặng Văn Bài cho hay.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển thành phố Huế tầm nhìn 2020 đến năm 2030 với 2 giai đoạn. Trong 5 năm tới, thành phố Huế sẽ được ưu tiên phát triển, mở rộng về hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, bao gồm thành phố Huế hiện hữu và 2 xã của thị xã Hương Thủy, 6 xã thuộc thị xã Hương Trà, 5 xã, thị trấn của huyện Phú Vang. Tổng diện tích sau mở rộng khoảng 270 km2.

Giai đoạn 2025 - 2030, thành phố Huế được xây dựng, phát triển theo ranh giới đồ án quy hoạch chung với quy mô khoảng 348 km2. Trong đó, khu vực thành phố Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương sẽ là đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 8.200 ha./.

Theo Lê Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên