MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở thêm cửa tiếp vốn

16-03-2017 - 20:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết về nguyên tắc, NHNN ủng hộ cho vay tín chấp tuy nhiên DN muốn vay tín chấp, phải có chữ tín.

Còn nhiều vướng mắc

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT một công ty chuyên nhập khẩu máy nông nghiệp, đối với ngành nông nghiệp, Chính phủ đã có sự quan tâm rất lớn, nhất là chính sách về vốn. Chẳng hạn như trong Nghị định 68/2013/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa và được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Nhìn ở các nước lân cận không có chính sách hỗ trợ tốt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều không đủ tài sản thế chấp để vay vốn.


NHNN yêu cầu các NHTM mở rộng tín dụng để đưa vốn đến DN.

NHNN yêu cầu các NHTM mở rộng tín dụng để đưa vốn đến DN.

Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cũng cho biết, ban quản lý cũng mong muốn nhiều DN, hộ nông dân cùng tham gia làm nông nghiệp công nghệ cao, và lĩnh vực này cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Hệ thống nhà màng, nhà lưới có giá trị cao nhưng NH xếp vào loại công trình tạm, thanh khoản thấp nên không nhận thế chấp. Do đó, doanh nghiệp, hộ nông dân muốn làm nông nghiệp công nghệ cao phải dùng tài sản là nhà, đất thế chấp khi vay vốn, nên khá hạn chế.

Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, một số các DN trong ngành bán lẻ cũng gặp nhiều vấn đề tương tự. Hay như ngành cơ khí, theo ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh, các DN trong ngành được hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay nhưng muốn nhận được hỗ trợ đó, trước hết DN phải vay được vốn từ NH. Song nhiều DN khó đáp ứng được các điều kiện cho vay.

Gần đây, một số DN đầu tư nhà máy, nhà xưởng trong khu công nghiệp cũng kiến nghị về việc khó vay vốn NH vì DN trả tiền thuê đất một lần cho đơn vị phát triển khu công nghiệp, tuy nhiên, đơn vị này trả tiền thuê đất cho nhà nước từng năm, dẫn đến vướng mắc trong quá trình NH nhận thế chấp tài sản để cho vay.

Cần sự thay đổi

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Sau một năm thực hiện, Nghị quyết 35 cũng đã tác động tích cực của công cuộc cải cách môi trường kinh doanh nói chung, cải cách đăng ký kinh doanh nói riêng đối với sự phát triển của cộng đồng DN. Tuy nhiên, đại diện DN và Hiệp hội kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ về thuế cho DNNVV, sớm thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Công nghiệp hỗ trợ… và đặc biệt là chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, trong một số lĩnh vực, các bộ ngành có liên quan cần xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để DN đủ điều kiện vay vốn.


NHNN ủng hộ cho vay tín chấp tuy nhiên DN muốn vay tín chấp, phải có chữ tín.

NHNN ủng hộ cho vay tín chấp tuy nhiên DN muốn vay tín chấp, phải có chữ tín.

Cùng đồng hành với cộng đồng DN trên địa bàn TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cũng chia sẻ, hiện nay, hầu hết các DN vay vốn với lãi suất từ 7-10%/năm còn số lượng DN vay vốn với mức lãi suất 4-5%/năm rất ít. Mức lãi suất này hạn chế sức cạnh tranh của DN Việt Nam với các nước khác trong khu vực, nếu lãi suất giảm thì DN mới có thể nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, ông Dũng cũng kiến nghị các NH tăng cường năng lực, vai trò thẩm định, tư vấn đầu tư để hỗ trợ DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ tập trung cho vay thế chấp.

Với một số đề xuất được vay tín chấp của cộng đồng DN, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết về nguyên tắc, NHNN ủng hộ cho vay tín chấp tuy nhiên DN muốn vay tín chấp, phải có chữ tín. Nhưng các thông tin của DN Việt Nam rất khó đánh giá mức độ tin cậy nên tăng tín chấp là vô cùng khó. Đặc biệt là DN nhỏ, DN siêu nhỏ và hộ gia đình càng khó đánh giá mức độ tín chấp đến đâu. Do vậy, muốn tiếp cận vốn tín chấp, DN cần phải minh bạch thông tin hơn, hệ thống kế toán chuẩn mực hơn.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù NHNN đã có chính sách khuyến khích cho vay tín chấp để NH yên tâm hỗ trợ DN, nhưng khi triển khai, NHTM phải tính toán bởi nếu có rủi ro NH sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu khách hàng không trả nợ.

Do đó, để tiếp cận nguồn vốn từ NH, DN cũng cần tăng tính minh bạch sổ sách, đây không chỉ là điều kiện để tiếp cận vốn vay mà còn là điều kiện để thu hút vốn đầu tư cho DN. Còn với những lĩnh vực mà DN không thế chấp tài sản để vay vốn được do vướng mắc về luật, các hiệp hội cần đưa kiến nghị lên Chính phủ hoặc các bộ, ngành có liên quan để sớm được hỗ trợ tháo gỡ.

Hiện NHNN cũng đã cho biết, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ qua các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ, cũng như những công cụ khác để đưa nguồn vốn, mở rộng tín dụng đến 5 lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các NHTM hạn chế tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với các DN trong năm 2017.

Theo Thiên Minh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên