MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời (*): Không loại trừ có chống lưng

Quảng cáo ngoài trời như một trong những mỏ vàng của ngân sách. Mỏ vàng ấy khai thác ra sao phụ thuộc vào công tác quản lý thế nào...

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nhận xét hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay ai cũng thấy rõ sự lộn xộn. Điều này không chỉ riêng TP Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng vậy.

Nghi vấn tiêu cực

Theo ông Hòa, nhiều quảng cáo thực chất bên trong là lừa gạt, không đúng sự thật để lôi kéo khách hàng, người xem nhằm mang lợi cho doanh nghiệp mà chưa được xử lý. Có nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo thuốc chữa bệnh không bảo đảm chất lượng, không đúng quy định của luật pháp nhưng vẫn được quảng cáo là tốt để người dân mua dùng rồi mang bệnh vào người.

Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời (*): Không loại trừ có chống lưng - Ảnh 1.

Khu vực Tràng Tiền Plaza - nơi mỗi mét vuông quảng cáo được tính như vàng

Quảng cáo ngoài trời được hiểu là rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp quảng cáo chui, quảng cáo khi chưa có kiểm duyệt, quảng cáo thổi phồng nội dung là điều rất dễ xảy ra. "Tôi đề nghị các ngành chức năng xem lại vấn đề này. Phải chăng có sự móc nối, có sự "chống lưng" cho những doanh nghiệp quảng cáo. Những tác động người dân để thu lợi bất chính thì cần phải xử lý nghiêm" - ĐBQH Hòa nói.

Cũng theo ông Phạm Văn Hòa, luật có quy định rất rõ về quảng cáo ngoài trời. Tất cả nội dung quảng cáo ngoài trời đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Luật cũng ra những chế tài rõ ràng để xử lý các hành vi vi phạm.

Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời (*): Không loại trừ có chống lưng - Ảnh 2.

Bức tranh về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội còn nhiều điểm mờ ,Ảnh: HỮU HƯNG

"Việc xử lý vi phạm về quảng cáo ngoài trời cũng đã có quy định rõ trách nhiệm của địa phương. Chính quyền quận - huyện, xã - phường đều được phép xử phạt nhưng đâu đó vẫn bao che hoặc ngó lơ. Các doanh nghiệp quảng cáo tràn lan, quảng cáo chui mà không xử lý thì tôi nghĩ có sự tiếp tay hoặc ngoảnh mặt làm ngơ. Chuyện này dễ khiến dư luận đặt vấn đề là lực lượng chức năng có tiêu cực, có móc nối, "chống lưng" đối với đơn vị, cá nhân quảng cáo vi phạm" - ĐBQH Hòa nêu vấn đề.

Cần nghị quyết riêng về thu phí

Còn theo ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, cảnh quan môi trường... Quảng cáo có thể thành điểm nhấn cho thành phố về văn minh, sạch đẹp, có thêm thông tin về kinh tế xã hội thì tốt. Tuy nhiên, quảng cáo ở Hà Nội đang lộn xộn, nhiều vị trí còn quảng cáo phản cảm. Nhiều doanh nghiệp được phép quảng cáo nhưng cũng không ít doanh nghiệp quảng cáo chui.

Hiện nay, nhiều chỗ quảng cáo mang tính tự phát. Cứ có không gian hở là quảng cáo, nội dung quảng cáo có khi lại không tế nhị. "Tôi nghĩ phải làm triệt để vấn đề này. Phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp quảng cáo sai phạm và các quảng cáo phản cảm, nếu không họ sẽ nhờn luật" - ĐBQH Trương Xuân Cừ nêu.

Cũng theo vị ĐBQH này, quảng cáo ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung bây giờ cần nâng lên tầm mới, công nghệ cao, hiện đại, văn minh hơn… Nhìn ra thế giới thì Quảng trường Thời đại ở Mỹ cũng hoành tráng do hệ thống biển quảng cáo, vấn đề này họ quy hoạch tốt. Nếu Hà Nội cũng làm tốt thì sẽ thành điểm nhấn, tạo nên những bức tranh đẹp, cảnh quan đẹp, mang nhiều giá trị như kinh tế - xã hội...

Nói về thực tế còn nhiều kẽ hở trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, luật sư Lê Vĩnh Thụy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành nghị quyết về thu phí với lĩnh vực kinh doanh này. Để có mức thu hợp lý, Quốc hội nên giao cho Chính phủ chủ trì nghiên cứu, ban hành nghị định về thu phí quảng cáo ngoài trời để tránh thất thoát một nguồn ngân sách lớn.

Việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội cho phù hợp với nhu cầu và cảnh quan thẩm mỹ, bảo đảm không ảnh hưởng đến giao thông tại Hà Nội, không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân thì cần có sự chung tay của các cơ quan, ban ngành của Hà Nội. Đây là trách nhiệm đã được quy định cụ thể trong Luật Quảng cáo.

"Thậm chí HĐND thành phố cần ra nghị quyết ban hành mức phí Quảng cáo ngoài trời và các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm rõ ràng hơn" - luật sư Lê Vĩnh Thụy nêu ý kiến.

Phải có phương án trước ngày 10-4

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong những năm gần đây, cơ quan này đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo với các hành vi vi phạm chủ yếu như không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo; quảng cáo vượt diện tích quy định; sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Năm 2018, sở này ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 157 trường hợp với tổng số tiền phạt là gần 1,3 tỉ đồng. Các năm 2019, 2020, 2021, 2022 lần lượt tương ứng là 212 trường hợp, phạt trên 2,2 tỉ đồng; 83 trường hợp, phạt trên 820 triệu đồng; 80 trường hợp, phạt trên 1,2 tỉ đồng; 62 trường hợp, phạt trên 1, 6 tỉ đồng. Các địa phương có số lượng bảng quảng vi phạm tập trung nhiều tại hông tường mặt tiền, khu vực đảo giao thông ở các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Đình.

Để thực hiện tốt hoạt động quảng cáo trên địa bàn, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, vừa yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát quy định của trung ương và thành phố về công tác quản lý quảng cáo, biển hiệu. Từ đó, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Điều này cũng tạo điều kiện phát triển đa dạng các loại hình quảng cáo, nâng cao chất lượng hoạt động quảng cáo, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào quảng cáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thủ đô.

Sở Văn hóa và Thể thao được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời năm 2016 để báo cáo UBND thành phố trước ngày 10-4. Cùng với đó, lập tổ soạn thảo liên ngành mời các sở, đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy hoạch quảng cáo ngoài trời năm 2018.

Các cơ quan liên quan cũng được giao tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vị trí quảng cáo mới bảo đảm phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước ngày 20-4. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-3

"Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin Báo Người Lao Động nêu. Ông yêu cầu rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15-4 và thông tin, trả lời báo chí theo quy định.

Đưa vào nội dung giám sát của HĐND

Một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông tin rằng đã cho tháo dỡ 2 màn hình led tại Tượng đài Cảm tử cạnh hồ Hoàn Kiếm mà Báo Người Lao Động phản ánh. Sở cũng ra kế hoạch kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội.

5-Box---tuong-dai-cam-tu

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cho tháo dỡ 2 màn hình led tại Tượng đài Cảm tử .Ảnh: HỮU HƯNG

Còn một cán bộ thuộc HĐND TP Hà Nội cho biết nội dung về hoạt động quảng cáo ngoài trời đang có nhiều vấn đề. Nhiều năm nay, Ban Văn hóa Xã hội của HĐND thành phố chưa đưa nội dung này vào giám sát nhưng sắp tới ban sẽ đưa vào giám sát.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên