Mổ xẻ nguồn thu của “kỳ lân” VNG: Quảng cáo bỏ xa FPT Online nhưng mảng chủ chốt game online sụt giảm sâu, ZaloPay đóng góp chính vào khoản lỗ 1.500 nghìn tỷ
Bên cạnh 2 nguồn thu chính trên, trong năm 2022, VNG còn ghi nhận sự tăng trưởng hơn gấp đôi từ dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet, đạt 740 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 CTCP VNG (mã: VNZ) công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm xuống mức thấp kỷ lục với mức lỗ 1.534 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.077 tỷ đồng.
Từ trước đến nay, nguồn thu chính của VNG đến từ mảng trò chơi (game) và quảng cáo trực tuyến với tốc độ tăng trưởng cao theo từng năm. Tuy nhiên, năm 2022, trụ cột chính là game đã chứng kiến sự đi xuống đáng kể.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh chủ lực của VNG là game chỉ đạt 5.444 tỷ đồng, suy giảm gần nghìn tỷ so với con số 6.157 tỷ đồng của năm 2021.
Đây là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, doanh thu game của "kỳ lân'' công nghệ này ghi nhận sự suy giảm mạnh. Trước đó, năm 2014, 2018, mảng này cũng từng hụt hơi sau đó tăng trưởng mạnh trở lại. Dù vậy, game hiện tại vẫn chiếm gần 70% tổng doanh thu của VNG.
Ở chiều trái ngược, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG lại có màn "bốc đầu" ấn tượng khi đạt 1.287 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Doanh thu quảng cáo của VNG lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2021.
Hiện VNG vận hành nền tảng OTT Zalo, hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing, Báo Mới… Theo báo cáo mới nhất của Data.ai, năm 2022, Zalo một lần nữa dẫn đầu số lượt tải ứng dụng tại Việt Nam, vượt lên TikTok, CapCut, Facebook Messenger.
Sự thăng hoa trong mảng quảng cáo của VNG tiếp tục bỏ xa một đối thủ của công ty này trong ngành là CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) - đơn vị có nguồn thu chính từ khai thác quảng cáo trên báo điện tử VnExpress.
Năm ngoái, FPT Online đạt doanh thu 775 tỷ đồng, dù tăng đến 27% so với năm 2021 nhưng phải cần đến 512 tỷ đồng nữa mới đuổi kịp con số mà VNG đạt được.
Trước đó giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu quảng cáo của FPT Online vẫn luôn duy trì đà vượt trội so với VNG, tuy nhiên kể từ năm 2017, VNG chính thức vượt mặt FPT Online ở lĩnh vực này và bỏ xa với khoảng cách khá lớn.
Bên cạnh 2 nguồn thu chính trên, trong năm 2022, VNG còn ghi nhận sự tăng trưởng hơn gấp đôi từ dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet, đạt 740 tỷ đồng, đóng góp gần 1/10 doanh thu. VNG không thuyết minh cụ thể đây là hoạt động gì.
Bên cạnh game và quảng cáo thì những mảng kinh doanh chính còn lại của VNG có thể kể đến dịch vụ đám mây (VNG Cloud) hay thanh toán (ZaloPay).
ZaloPay cũng là nhân tố chính kéo lợi nhuận hợp nhất của VNG đi xuống trong những năm gần đây và là tác nhân chính khiến VNG lỗ hơn 1.500 tỷ trong năm 2022. Số liệu từ VNG cho thấy ZaloPay lỗ khoảng 1.200 năm 2021 và hơn 1.300 tỷ năm 2022.
Đầu năm nay, trong nghị quyết thông qua một số nội dung cụ thể về chào bán cổ phiếu quỹ, hồ sơ chào bán cổ phiếu quỹ, VNG cho biết sẽ thực hiện bán toàn bộ 7,11 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty cổ phần Công nghệ Big V với giá 177.881 đồng/cp.
Với số tiền thu về là 1.264,4 tỷ đồng, VNG tiếp tục sẽ dùng để phát triển 2 mảng kinh doanh chủ lực. Cụ thể: 764,4 tỷ đồng sẽ được dùng để mua bản quyền phần mềm trò chơi và 500 tỷ đồng cho tiếp thị trong hai năm 2023 và 2024.
Trong đó, các trò chơi mà VNG mua bản quyền gồm PUBG Mobile (400 tỷ đồng); JX1M (152,8 tỷ đồng); Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile (138,9 tỷ đồng) và Gunny Origin - VN (72,7 tỷ đồng).
Chi phí tiếp thị gồm: Tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến (500 tỷ đồng); Thuê các KOLs (78 tỷ đồng) và tổ chức sự kiện (38 tỷ đồng).
Nhịp sống thị trường