MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mổ xẻ" tuyên bố ngừng thử hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

22-04-2018 - 14:10 PM | Tài chính quốc tế

Vẫn có lý do để tin rằng ông Kim Jong-un muốn tăng số bệ phóng ICBM và thậm chí là tiếp tục nghiên cứu các thành phần cho hệ thống điều khiển - kiểm soát hạt nhân của Triều Tiên.

Tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên được đưa ra trong thời điểm ông Kim Jong-un chuẩn bị tham gia 2 sự kiện ngoại giao quan trọng. Nhà phân tích Ankit Panda của Diplomat đã có bài viết về động thái mới này của Triều Tiên. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

Liên quan tới hoạt động thử hạt nhân, thông cáo Triều Tiên đưa ra hôm nay, 21/4, chỉ rõ rằng, lý do khiến ông Kim Jong-un tự nguyện đề nghị ngừng thử nghiệm và đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri - địa điểm tiến hành 6 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng kể từ 2006 - là bởi ông cảm thấy Triều Tiên đã hoàn thiện phần thiết kế của vũ khí hạt nhân.

Mặc dù khó kiểm chứng nhưng tuyên bố này có thể không phải là một lời nói quá.

Hãy nhìn vào trường hợp của Ấn Độ và Pakistan, tính đến năm 1998, mỗi nước đều đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và hiện giờ được xếp vào hàng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, mà không có thêm vụ thử nào nữa.

Với thêm 8 năm tiếp cận tới các thông tin sẵn có từ các nguồn mở liên quan tới thiết kế vũ khí hạt nhân, có thể Triều Tiên cũng cảm thấy hài lòng với 6 cuộc thử nghiệm của mình ở mức độ tương tự như vậy.

 Mổ xẻ tuyên bố ngừng thử hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh 1.

Đọc thông báo của KCNA ngày hôm nay thì thấy, không hề có dấu hiệu "phi hạt nhân hóa". Ngược lại, thông báo của Triều Tiên giống như một lời tuyên bố của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Phá hủy cả thành phố"

Các cuộc thử tên lửa thứ năm và thứ sáu của Triều Tiên - vào tháng 9/2016 và 2017 - đã ghi lại những dấu mốc quan trọng. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2016 liên quan tới một thiết bị hạt nhân đã được chuẩn hóa, có thể gắn lên bất cứ tên lửa liên lục địa (ICBM) tầm ngắn, tầm trung nào.

Kết quả ước tính - hay có thể coi là sức nổ - của những vũ khí này có thể xấp xỉ gấp 2-3 lần loại bom mà Mỹ thả xuống Nagasaki vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II - đủ mạnh cho mục tiêu của Triều Tiên.

Nghiêm trọng hơn, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên còn cho thấy vũ khí của nước này có năng lực giải phóng một lượng năng lượng hạt nhân cực lớn.

 Mổ xẻ tuyên bố ngừng thử hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh 2.

Triều Tiên tuyên bố ngừng thử ICBM. Ảnh: Reuters

Dù các chuyên gia và nhiều cơ quan tình báo chưa thống nhất được liệu Triều Tiên đã thực sự làm chủ được thiết kế của bom nhiệt hạch hay chưa (Triều Tiên khẳng định mình đã thành công), nhưng dữ liệu địa chấn vào 3/9/2017 đã cung cấp đủ thông tin để thế giới có thể kết luận rằng: Triều Tiên có một thiết bị hạt nhân với sức nổ đủ để "phá hủy cả thành phố".

Tóm lại, cũng như chuyến công du mới đây tới Bắc Kinh của ông Kim Jong-un là dấu hiệu cho thấy ông đã cảm thấy thoải mái với quyền lực trong nước tới mức có thể rời khỏi Triều Tiên, tuyên bố ngừng thử nghiệm hạt nhân là dấu hiệu rằng ông Kim đang tự tin.

Phát triển bệ phóng, chứ không phải tên lửa?

Liên quan tới vấn đề tên lửa, ông Kim cho hay, ông sẽ không thử ICBM nữa.

Một mặt, tuyên bố này rất đáng ngạc nhiên.

Triều Tiên mới chỉ tiến hành 3 cuộc thử nghiệm trên số tên lửa có thể đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Trong đó, không có lần thử nghiệm nào sử dụng tên lửa bay trên một quỹ đạo như một yêu cầu cần thiết cho một vụ tấn công hạt nhân. Vì vậy, để có thể hoàn toàn tự tin với năng lực tấn công lục địa Mỹ thì Triều Tiên cần tiến hành thêm các thử nghiệm bay.

Tuy nhiên, có thể Triều Tiên có những kế hoạch khác. Ví dụ, mặc dù nước này đã thông thạo hầu hết những gì cần có ở mức độ kỹ thuật nhằm đe dọa Mỹ thì lực lượng tên lửa của họ vẫn bị hạn chế bởi số lượng ít bệ phóng. Hiện tại, Triều Tiên có lẽ chỉ sở hữu 6 phương tiện phóng cho các tên lửa đạn đạo của mình.

Trong bài phát biểu mừng năm mới 2017, ông Kim Jong-un đã tuyên bố lực lượng hạt nhân của mình đã "hoàn tất" nhưng vẫn có lý do để tin rằng ông muốn tăng số bệ phóng ICBM và thậm chí là tiếp tục nghiên cứu các thành phần cho hệ thống điều khiển và kiểm soát hạt nhân của Triều Tiên.

"Phần thưởng"

Tuyên bố có phần "nhượng bộ" của Triều Tiên được đưa ra ngay trước 2 hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc.

Người ta có thể băn khoăn vì sao ông Kim lại từ bỏ quá nhiều như vậy từ trước khi sự kiện diễn ra. Kỳ thực, câu trả lời rất đơn giản: Một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ về bản chất đã là "phần thưởng". Đối với ông Kim, đó là điều mà các lãnh đạo Triều Tiên trước đây chưa đạt được.

Cuối cùng, thứ mà Triều Tiên đánh mất khi phá bỏ bãi thử tên lửa của mình và đơn phương tuyên bố ngừng thử ICBM hoàn toàn ở mức chấp nhận được, so với những gì ông Kim có được khi xuất hiện cạnh ông Trump.

Còn theo nguồn tin của CNN, lãnh đạo Triều Tiên đã nhận thấy con đường tốt nhất để tiến về phía trước là bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác. Ông Kim Jong-un cuối cùng đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đây là một cơ hội lịch sử, đúng thời điểm.

Hàn Quốc: Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn

Theo Thi Anh

Thời Đại

Trở lên trên