Mobile money chỉ cấp cho thuê bao di động đã được định danh
Mobile money bản chất là sử dụng thông tin thuê bao di động đã được định danh để mở tài khoản tiền di động. Song Ngân hàng Nhà nước khẳng định mobile money có "bùng nổ sau một đêm" hay không là phụ thuộc vào khách hàng.
- 11-05-2020Dịch vụ Mobile Money sắp được cấp phép, triển khai trên toàn quốc
- 10-05-2020NHNN đã chính thức trình Thủ tướng về việc thí điểm Mobile Money
- 07-04-2020Dịch vụ Mobile Money nên được triển khai thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và gói hỗ trợ an sinh xã hội?
Tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm chiều 5-6 do Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ở Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định cá biệt về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) ngày 24-4-2020.
Nếu như dự thảo được thông qua thì doanh nghiệp viễn thông sẽ làm đề án gửi đơn vị đầu mối để được cấp phép và triển khai dịch vụ này.
Về dịch vụ mobile money (còn gọi là dịch vụ tiền di động), ông Dũng cho biết bản chất là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Do đó, ông cũng cho rằng không nên quá lo lắng về sim rác.
Về băn khoăn liệu khi đã cấp phép rồi có xảy ra tình trạng sau 1 đêm sẽ có hàng chục triệu tài khoản mobile money không? Ông Dũng khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng này, vì quyền mở tài khoản mobile money hay không là lựa chọn của khách hàng. Có tài khoản rồi, khách hàng có quyền lựa chọn có nạp tiền hay không, và lựa chọn thứ 3 của khách hàng là có tiêu hay không.
Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ ngành và thời gian tới sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.
Băn khoăn xác minh danh tính chủ ví điện tử
Về xác minh danh tính chủ ví điện tử theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN, ông Dũng cho biết việc xác minh danh tính chủ ví nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, giả mạo, lừa đảo..., bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nâng cao trách nhiệm của tổ chức trung gian thanh toán trong quá trình mở và sử dụng dịch vụ ví điện tử. Các tổ chức tổ chức trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cũng cho biết 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thông tin điện tử liên ngân hàng tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động đều đạt sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị.
Đặc biệt thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các con số này cho thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Người lao động